Cảnh báo nguy cơ viêm mũi xoang cấp từ một sai lầm nhiều người Việt mắc phải
Thấy có triệu chứng viêm xoang, anh V nghĩ rằng bệnh không nghiêm trọng nên tự mua kháng sinh tại hiệu thuốc nhưng triệu chứng không chỉ cải thiện mà ngày một nặng lên.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Medlatec, bệnh nhân V.H.V., 36 tuổi (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đến khám với các triệu chứng viêm xoang điển hình: Đau nhức vùng má, trán, quanh hốc mắt, ngạt mũi cả hai bên, chảy dịch mủ đục, kèm ho có đờm và mệt mỏi.
Qua khai thác bệnh sử, được biết triệu chứng bắt đầu từ 10 ngày trước, ban đầu là chảy dịch mũi trong, sau chuyển dịch đục, ngạt mũi tăng dần, đau nhức vùng mặt và cảm giác sốt nhẹ. Nghĩ rằng bệnh không nghiêm trọng, anh V. tự mua kháng sinh tại hiệu thuốc nhưng triệu chứng không cải thiện. Nhận thấy các triệu chứng nặng lên, sau khi ngừng thuốc 3 ngày, anh quyết định đến viện khám.

Ảnh: BVCC
Tại đây, anh V. được bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm, cận lâm sàng cần thiết để tìm nguyên nhân. Kết quả nội soi Tai - mũi - họng cho thấy niêm mạc mũi sung huyết, nhiều dịch mủ đục chảy từ khe giữa và khe bướm sàng, kèm dịch nhầy đục ở thành sau họng.
Chụp CT mũi xoang ghi nhận viêm đa xoang hàm mặt độ III (theo phân loại Lund-Mackay), niêm mạc cuốn mũi giữa và dưới dày lên, cùng vẹo nhẹ vách ngăn mũi.
Xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu trung tính tăng (64.3%) và men gan AST (45.31 U/L), ALT (70.81 U/L) tăng nhẹ, gợi ý tình trạng viêm. Đặc biệt, thông qua phương pháp nuôi cấy vi khuẩn dịch mũi, bác sĩ xác định vi khuẩn Moraxella catarrhalis là nguyên nhân gây bệnh.
Dựa trên kết quả xác định, chẩn đoán bệnh nhân bị viêm mũi xoang cấp mủ, do vi khuẩn Moraxella catarrhalis. Vì vậy, ThS.BS Phùng Hữu Bình, Chuyên khoa Tai - mũi - họng chỉ định phác đồ điều trị tại nhà với kháng sinh phù hợp theo kết quả kháng sinh đồ, thuốc giảm viêm, xịt mũi và rửa mũi để làm sạch dịch mủ.
Sau 7 ngày tái khám, anh V. không còn đau nhức hay ngạt mũi. Nội soi cho thấy khe mũi chỉ còn ít dịch trong, không còn mủ.
Viêm xoang cấp làm thế nào để chữa dứt điểm?

Ảnh minh họa
Theo ThS.BS Phùng Hữu Bình, viêm mũi xoang cấp (Acute Rhinosinusitis - ARS) là tình trạng viêm niêm mạc mũi và xoang cạnh mũi kéo dài dưới 12 tuần, có thể hồi phục hoàn toàn nếu điều trị đúng cách.
Viêm xoang cấp thường có các biểu hiện như: Ngạt mũi hoặc chảy dịch mũi (trước hoặc sau); gau nhức vùng mặt; giảm hoặc mất khứu giác.
Viêm mũi xoang cấp phần lớn là do siêu vi (như rhinovirus, coronavirus, influenzae, virus hợp bào hô hấp (RSV) và parainfluenza), nhưng vi khuẩn như Streptococcus pneumoniae (20%-45%), Haemophilus influenzae (20%-43%), Moraxella catarrhalis (14%-28%) hoặc Staphylococcus aureus (8%-11%) có thể gây nhiễm trùng thứ phát. Ngoài ra, các nguyên nhân khác như: Dị ứng, vi nấm, các yếu tố kích ứng (ví dụ lông thú, ô nhiễm môi trường, khói thuốc lá, bụi…) cũng làm tình trạng viêm xoang nặng hơn.
Chẩn đoán viêm mũi xoang cấp dựa trên triệu chứng lâm sàng, nội soi mũi (phát hiện dịch mủ ở khe giữa hoặc khe bướm sàng) và chụp CT (cho thấy mờ xoang, dày niêm mạc). Tuy nhiên, nuôi cấy định danh vi khuẩn dịch mũi xoang là phương pháp then chốt, giúp xác định chính xác vi khuẩn gây bệnh và độ nhạy với kháng sinh, từ đó tối ưu hóa phác đồ điều trị, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với kháng sinh thông thường.
Bác sĩ Bình khuyến cáo, người dân không nên tự ý dùng kháng sinh khi gặp triệu chứng ngạt mũi, đau nhức vùng mặt kéo dài. Việc lạm dụng thuốc không chỉ làm bệnh nặng thêm mà còn tăng nguy cơ kháng thuốc, khó điều trị hơn. Hãy tới cơ sở khám chữa bệnh đa khoa có chuyên khoa Tai - mũi - họng ngay khi có triệu chứng để được khám, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.