Chọn nghề hot cho con du học: Phụ huynh không nên 'bắt cá leo cây'
Trong chương trình 'Hành trình apply và thành công trên đất Mỹ' do Tổ chức giáo dục Summit tổ chức chiều 5/1, các học sinh trúng tuyển đại học sớm và chuyên gia đã có những chia sẻ đáng giá về quá trình nỗ lực học tập cũng như chiến lược chọn ngành, chọn trường để thành công.
Lâm Uyên, nữ sinh Trường liên cấp Olympia, người vừa trúng tuyển sớm Trường đại học Dartmouth với học bổng trị giá 8,5 tỷ đồng chia sẻ, với nền tảng ngoại ngữ tốt, từ lớp 9, em đã thi thử IELTS đạt 8.0 và trong lần đầu tiên thi SAT cũng đạt kết quả 1540 điểm.
Ngoài ra, để cho hội đồng tuyển sinh thấy ngoài điểm số, mình còn là người nổi trội ở nhiều lĩnh vực, Lâm Uyên cũng viết về khả năng lặn biển từ năm 12 tuổi. Em tận dụng mọi cơ hội để lặn biển ở các nơi, nỗ lực với thử thách giữ mình lâu hơn dưới nước và khám phá thế giới. Ngoài ra, em cũng rất thích tiểu thuyết viễn tưởng, thổi sáo với hồ sơ có các giải thưởng liên quan âm nhạc.
Nữ sinh chia sẻ, trong bài luận, em dành phần lớn thời lượng để nói về đam mê, sở thích lặn biển, từ đó đúc rút ra những kinh nghiệm, trải nghiệm sống gây được ấn tượng.
Còn em Hà An vừa trúng tuyển sớm đại học Cornell (Mỹ), một trong những trường đại học danh giá, thuộc nhóm trường Ivy League nhận thấy, các trường rất thích học sinh thể hiện năng lực và sự đam mê, tâm huyết của mình với chuyên ngành sẽ lựa chọn. An thích nhóm ngành kinh tế nên tự nghiên cứu về kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến sự đầu tư của nước ngoài ở Việt Nam. Ngoài ra, Hà An tham gia các hoạt động thể hiện sự năng động cũng như để rèn kỹ năng, kiến thức như đi dạy các bạn ở trại hè có đam mê về kinh tế, tổ chức kinh doanh trà, quần áo để quyên góp lấy tiền gây quỹ ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
“Đặc biệt, trong bài luận, mình thể hiện sự đam mê và mong muốn trong tương lai được học về Luật Kinh tế thương mại ở Mỹ. Với sở thích và năng lực học cùng lúc các ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, em thể hiện sự cam kết sẽ theo đuổi chuyên ngành này đã chinh phục hội đồng tuyển sinh”, Hà An nói.
Trúng tuyển Trường đại học Boston ngành Tài chính, em Quốc Khang, học sinh lớp 12 Toán, Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội chia sẻ về quá trình chinh phục giấc mơ đại học Mỹ suýt hụt hơi vì bắt đầu muộn.
Khang kể, tháng 3/2024 mới bắt tay vào làm hồ sơ nên có chút lo lắng tuy nhiên với nền tảng tiếng Anh tốt, đã đạt 7.5 IELTS trước đó nên bắt tay vào luyện SAT. Kết quả thi SAT lần đầu không mấy khả quan. Sau một thời gian kiên trì, chạy nước rút em đã đạt 1510 điểm. Với chuyên ngành Tài chính, Khang may mắn có mẹ làm việc trong lĩnh vực này nên có cơ hội tìm hiểu từ nhỏ. Khi đang học THPT, nam sinh xin mẹ thực tập một thời gian ngắn ở công ty để lấy kinh nghiệm sau đó “nhảy’ ra công ty ngoài thực tập 1 tháng với công việc liên quan đến kế toán nhằm có những trải nghiệm thực tế về xử lý dòng tiền.
Chia sẻ kinh nghiệm với các em học sinh đang học THPT, nam sinh nói rằng, nếu có mục tiêu, cần có lộ trình, vạch ra kế hoạch và tập trung thực hiện lần lượt từng nội dung. Ngoài điểm số, các hoạt động ngoại khóa và bài luận ấn tượng sẽ ghi điểm với các trường.
Chọn ngành hot nhưng phải phù hợp năng lực
Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp ông Dương Văn Linh, Giám đốc điều hành Career Pass Institute tại Mỹ cho rằng, với thời đại AI phát triển, ngành nghề cũng sẽ có sự thay đổi. Cách đây 10 năm, ngành Tài chính hot nhưng hiện nay công nghệ đang chiếm ưu thế. Trong 5-10 năm tới xu hướng ngành nghề sẽ thế nào, học sinh, phụ huynh cần có sự tìm hiểu kỹ càng.
"Thông tin từ Cục Thống kê lao động của Mỹ cho thấy, top những ngành nghề triển vọng tăng trưởng tuyển dụng trong 10 năm tới, trong đó nhà khoa học dữ liệu chiếm ưu thế về nhu cầu tuyển dụng với 36%. Tiếp đến là các ngành như kỹ sư phát triển phần mềm, chuyên viên phân tích công nghệ thông tin, lập trình viên, tư vấn quản lý…", ông Dương Văn Linh.
Theo ông Linh, 3 chìa khóa thúc đẩy sự chuyển dịch công việc hiện nay là: Nền công nghệp xanh, sự phát triển khoa học công nghệ và triển vọng kinh tế. Với nền công nghiệp xanh, các nước đã đặt vấn đề cách đây từ 7-10 năm và hiện các tập đoàn của Mỹ đầu tư lớn vào lĩnh vực này với các quỹ đầu tư xanh. Với các học sinh, ông Linh khuyên, nên cập nhật thông tin về AI cũng như cần thiết có sự trải nghiệm.
Với sự phát triển của công nghệ, ở Mỹ các nhóm ngành liên quan dịch vụ đơn giản bị lược bỏ. Nên chuyên gia này khuyên học sinh, nếu chọn các nhóm ngành kinh doanh, tài chính vẫn có cơ hội tuy nhiên nên học kết hợp thêm chuyên môn khác để có lợi thế khi ra trường tìm việc.
Khi chọn trường đại học, ông Linh cho rằng, học sinh cần tính toán để cân bằng giữa việc chọn ngành, năng lực và chi phí phù hợp với gia đình. Các trường đại học top đầu, chọn được ngành đam mê, thế mạnh là rất tốt nhưng các trường nhóm 40-50 vẫn rất cạnh tranh. Có những em IELTS 8.0 và hồ sơ có nhiều hoạt động xã hội nhưng vẫn trượt do đó, quá trình rải hồ sơ, cần có phương án dự phòng.
Với phụ huynh, chuyên gia này nói, khi lựa chọn ngành nghề trong tương lai, cần lưu ý thế mạnh của con. “Ví dụ, khoa học máy tính đang hot nhưng các ngành nghề khác vẫn có việc, không bắt con làm việc quá khó. Nếu con có thế mạnh xã hội nhưng ép học kinh tế sẽ không khác nào bắt cá leo cây, bắt khỉ lội nước, không có hiệu quả” chuyên gia này nói.
Với học sinh, sau khi hoàn thành chương trình THPT, được bay đến một chân trời mới để học tập, trau dồi kỹ năng, có những trải nghiệm giá trị, trở thành công dân toàn cầu vẫn rất hữu ích dù sau này các em có cơ hội ở lại làm việc hay về nước đều có chế độ đãi ngộ tốt.