'Chìa khóa' nâng cao chất lượng giáo dục
Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là 'chìa khóa' để nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo đó, ngành GD-ĐT đã triển khai nhiều giải pháp, hình thức phù hợp nhằm giúp các em hòa nhập và phát triển toàn diện. Trường Mầm non Hoa Pơ Lang (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) có trên 180 học sinh, trong đó, 97,3% trẻ là người DTTS. Hầu hết các em phát âm tiếng Việt chưa chuẩn, vốn từ còn hạn chế. Vì vậy, nhà trường đã đưa ra giải pháp lựa chọn, bổ sung tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa phù hợp, thân thiện với trẻ trong hoạt động giảng dạy.
Bà Phan Thị Hiếu-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Vào đầu năm học, chúng tôi rà soát, lựa chọn những tài liệu, học liệu, tranh ảnh phù hợp với chuyên đề tổng hợp và mua sắm bổ sung cho các nhóm lớp; hướng dẫn giáo viên trang trí các khu vực trong và ngoài lớp đều có môi trường chữ viết.
Đặc biệt, khi giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học phải sử dụng linh hoạt các tư liệu, hình ảnh để nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt ở tại nhóm lớp; nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với độ tuổi của trẻ, tạo sự gần gũi, giúp các em dễ nhớ và hứng thú với tiếng Việt. Với giải pháp này, chất lượng giáo dục tăng cường tiếng Việt cho trẻ có sự chuyển biến rõ rệt. Công tác duy trì sĩ số đạt 98%, tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi người DTTS đến lớp đạt 100%”.
Tuy đứng chân trên địa bàn khó khăn nhưng Trường Mẫu giáo Hoa Sen (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học với mục tiêu giúp trẻ DTTS hòa nhập và phát triển toàn diện. Toàn trường có 270 học sinh, chủ yếu là người DTTS.
Theo Hiệu trưởng Đinh Thị Hòa: “Bên cạnh việc thực hiện chương trình giáo dục, nhà trường còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế với nhiều chủ đề khác nhau như: bé tập làm chiến sĩ, tổ chức ngày hội sách; xây dựng môi trường chữ viết qua các bảng tuyên truyền, đồ dùng cá nhân của trẻ; các thiết bị trong lớp hình ảnh trực quan sinh động... Nhờ đó, trẻ tiếp nhận tiếng Việt một cách thuận lợi, đồng thời chủ động, tự tin hơn trong giao tiếp với các bạn”.
Thấy có khách đến tham quan lớp, em Rơmah H’Ting (lớp 4 tuổi, điểm trường làng Plei Pông, Trường Mẫu giáo Hoa Sen) mạnh dạn khoanh tay chào chúng tôi và vui vẻ chuyện trò. H’Ting bày tỏ: “Đi học vui lắm ạ. Ở lớp, khi dạy tiếng Việt, những từ nào cháu và các bạn chưa hiểu thì cô nói bằng tiếng Jrai nên chúng cháu dễ học lắm”.
Huyện Phú Thiện có 12 trường mầm non, mẫu giáo. 100% cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT ban hành; 100% trẻ được an toàn trong trường học, được phát triển theo yêu cầu cần đạt của từng độ tuổi.
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phan Công Đương thông tin: “Để tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS, các đơn vị trường học đã chủ động đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp giáo dục và lựa chọn các chủ đề phù hợp với thực tiễn địa phương.
Các trường cũng xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động với quan điểm mọi lúc mọi nơi đều tăng cường giao tiếp tiếng Việt cho trẻ; đảm bảo phù hợp với lứa tuổi, giúp trẻ phát triển các kỹ năng nghe, hiểu, phát âm và diễn đạt bằng tiếng Việt một cách hiệu quả”.
Toàn tỉnh hiện có 265 trường mầm non với 894 điểm trường lẻ (trong đó có 540 điểm trường vùng khó khăn). Bà Nguyễn Thị Phương Huệ-Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết: Thời gian qua, Sở GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS; xây dựng bộ tiêu chí làm cơ sở cho việc đánh giá môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS; chương trình giáo dục mầm non được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.
Sở cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn về giáo dục phát triển ngôn ngữ, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non vùng DTTS; chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thiết thực và hiệu quả.
Nhờ đó, toàn tỉnh đã huy động 84.469 trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp, trong đó trẻ mầm non người DTTS đạt 50,3%. Mô hình bán trú được mở rộng đến các điểm trường vùng DTTS. Có 3.111 phòng học; 2.043 bộ đồ dùng dạy học; đồ chơi ngoài trời được đầu tư bổ sung hàng năm đáp ứng được yêu cầu tối thiểu hoạt động giáo dục. Toàn tỉnh có 160/265 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 60,37%.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Khoa Nghi: Xác định tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người DTTS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục, ngành đã triển khai một cách quyết liệt, tổ chức rà soát thực trạng ở từng cơ sở, chỉ đạo bằng nhiều văn bản, kiểm tra tư vấn trực tiếp, tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề...
Với những giải pháp đó, mạng lưới trường, lớp mầm non được duy trì ổn định và không ngừng phát triển; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ngày càng tăng, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ cải thiện.
“Để thực hiện hiệu quả Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người DTTS trong giai đoạn tiếp theo, các trường mầm non cần đề ra giải pháp phù hợp, đặc biệt lưu ý đến những hoạt động hữu ích nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non vùng đồng bào DTTS của tỉnh”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh.