Lao động trẻ trong kỷ nguyên AI: Kỹ năng mềm là 'chìa khóa' thành công

Nhận định về những thách thức mà lực lượng lao động trẻ phải đối mặt, nhiều chuyên gia cho rằng kỹ năng mềm chính là 'rào cản' với họ

AI có lợi thế, nhưng không thể thay thế cho kỹ năng của con người.

AI có lợi thế, nhưng không thể thay thế cho kỹ năng của con người.

Đặc biệt hiện nay, khi công nghệ, máy móc và trí tuệ nhân tạo đã thay thế con người làm được rất nhiều công việc thì vấn đề trau dồi kỹ năng mềm lại càng trở nên cấp thiết để lao động không bị “đào thải”.

“Khoảng trống” kỹ năng mềm

Theo một nghiên cứu về sự thiếu hụt các kỹ năng mềm khi đi làm ở người trẻ Việt Nam do tổ chức nghiên cứu và thay đổi xã hội vùng Love Frankie kết hợp với Công ty nghiên cứu Indochina Research Ltd thực hiện vào tháng 4/2024, 78% thanh niên được hỏi cho rằng kỹ năng giao tiếp là quan trọng nhất, tiếp đó là sáng tạo (48%), làm việc nhóm (35%), quản lý thời gian (21%), khả năng tương tác với người khác (21%). Điều này phần nào cho thấy, chính thế hệ trẻ cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc trau dồi kỹ năng mềm.

Tuy nhiên, theo số liệu rút ra từ một khảo sát của PGS.TS Nguyễn Thị Thuận, chuyên gia của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động, trong đó có đến 83% sinh viên tốt nghiệp ra trường bị đánh giá là thiếu kỹ năng mềm.

Nguyễn Phước Hoàng Minh (24 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) - tốt nghiệp đại học ngành tài chính tại Úc, chia sẻ câu chuyện khó tìm được công việc như mong muốn sau khi trở về Việt Nam. Bạn trẻ này cho biết, trong thời gian học tập tại nước ngoài, được đánh giá là có năng lực chuyên môn tốt. Hoàng Minh tự tin có khả năng tính toán khá tốt, nhạy bén với những con số. Bằng chứng là kết quả học tập của Hoàng Minh cùng với bảng điểm khi du học đều rất “đẹp”. Vì thế khi trở về Việt Nam, Hoàng Minh khá tự tin và nộp hồ sơ tại một doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, điều bất ngờ là sau 2 tháng thử việc, tôi lại không được công ty tuyển dụng nhận vào làm việc chính thức. Lý do họ đưa ra là dù chuyên môn của tôi tốt, song kỹ năng giao tiếp cần phải trau dồi thêm. Tôi được cho là luôn xử lý công việc một mình mà thiếu kỹ năng làm việc nhóm, tạo dựng mối quan hệ với đồng nghiệp. Tôi nhận ra rằng, hiện nay con người đã có thể sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu, tính toán, dịch thuật hàng trăm ngoại ngữ… Vì vậy trong bối cảnh như trên thì cần phải thay đổi tư duy, từ thực hiện công việc sang quản lý công việc hiệu quả”, cựu du học sinh Úc cho biết.

Theo PGS.TS Lâm Minh Châu, giảng viên Khoa Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), giới trẻ ngày nay rất năng động, cầu tiến và ham học hỏi. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận sinh viên chỉ quan tâm việc học lý thuyết mà thiếu sự tiếp nhận, trau dồi những kỹ năng mềm. Theo PGS.TS Lâm Minh Châu, kỹ năng mềm đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp sinh viên có thêm nhiều cơ hội thành công.

“Thực tế, bên cạnh bằng cấp, các nhà tuyển dụng cũng rất quan tâm đến kỹ năng sống của ứng viên. Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ không đánh giá cao sinh viên ra trường với tấm bằng khá, giỏi, song kỹ năng mềm chỉ như một… tờ giấy trắng, không có kỹ năng xử lý vấn đề, xây dựng các mối quan hệ, tư duy làm việc nhóm, không biết phản biện. Các bạn sẽ đánh mất nhiều cơ hội khi thiếu hụt những kỹ năng đó”, PGS.TS Lâm Minh Châu phân tích.

 Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Để không bị “bỏ lại” phía sau

Thế hệ lao động trẻ đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong lịch sử nhân loại về tương lai nghề nghiệp và sự thay đổi “chóng mặt” của thị trường lao động trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão.

Theo báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey, khoảng 400 triệu đến 800 triệu việc làm có thể bị thay thế bởi tự động hóa và người máy vào năm 2030, đồng thời khoảng 400 triệu công việc hoàn toàn mới sẽ được tạo ra. Điều này đồng nghĩa với việc thế hệ lao động trẻ không chỉ phải chuẩn bị cho những ngành nghề chưa từng tồn tại mà còn cần rèn luyện khả năng thích nghi nhanh với những yêu cầu công việc mới.

Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phòng Truyền thông, Công ty AC cho biết, dù cả nước đã bước vào kỷ nguyên “vươn mình”, song thực tế rất nhiều bạn trẻ mới tốt nghiệp, hoặc thậm chí đã đi làm vài năm vẫn thiếu trầm trọng các kỹ năng cơ bản như: Ngoại ngữ, sử dụng các bộ công cụ Word, Excel hay Power Point…

Theo bà Thu Hà, trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, năng lực về ngoại ngữ, dữ liệu không còn là một thế mạnh nữa, thay vào đó là một trong số những kỹ năng thiết yếu.

“Trên thực tế, AI đã giải phóng sức lao động khi thay thế con người thực hiện rất nhiều tác vụ. Song dù đa nhiệm tới đâu, đây cũng chỉ là công cụ được tạo ra để phục vụ và tối ưu hóa hiệu quả lao động. Người lao động, đặc biệt là lao động trẻ cần làm quen và sử dụng các công cụ trực quan hóa dữ liệu như Power BI và Tableau. Từ đó, tận dụng thông tin chi tiết từ dữ liệu để phục vụ cho công việc.

Cần phải hiểu thời đại ngày nay đã thay đổi, nếu chỉ quan tâm đến chuyên môn mà thiếu đi những kỹ năng thiết yếu, rất dễ bị “bỏ lại” trước sự thay đổi của thị trường lao động ngày nay. Hiểu đơn giản giống như khi đã có máy tính, sẽ không ai thuê một người để tính toán những con số bằng tay mà sẽ thuê một người biết sử dụng thành thạo chiếc máy tính đó”, bà Thu Hà nhận định.

Các chuyên gia cho rằng, nhiều người cảm thấy lo ngại về tác động của AI đối với thị trường việc làm, song AI không thể thay thế cho kỹ năng của con người. Thay vào đó, chúng là công cụ mạnh mẽ có thể nâng cao khả năng và năng suất, góp phần giải phóng sức lao động. Vì vậy, người lao động cần phải nắm bắt những kỹ năng cần thiết, luôn học tập không ngừng, làm chủ công nghệ. Nhờ đó, thế hệ lao động trẻ sẽ thành công trong kỷ nguyên AI, thúc đẩy sự đổi mới và định hình thế giới mới.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lao-dong-tre-trong-ky-nguyen-ai-ky-nang-mem-la-chia-khoa-thanh-cong-post714956.html
Zalo