Siết dạy thêm, học thêm: Giáo viên 'kêu trời' vì thu nhập giảm

Quy định về dạy thêm, học thêm vừa được Bộ GD-ĐT siết chặt, nhiều phụ huynh thở phào vì giảm được gánh nặng tiền học thêm cho con, trong khi đó, không ít giáo viên 'kêu trời' vì mất một nguồn thu lớn.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lí theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Phụ huynh đồng tình: "Giảm áp lực học tập cho con"

Một bộ phận phụ huynh ủng hộ mạnh mẽ quy định này, cho rằng việc cấm dạy thêm sẽ giúp giảm áp lực học tập đè nặng lên vai học sinh, đồng nghĩa với việc giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình.

Trước thông tin Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học mà Bộ GD-ĐT vừa quy định, chị Minh Anh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cảm thấy đỡ áp lực hơn. Chị Minh Anh là mẹ đơn thân, nuôi 2 con, một con lớp 3, một con lớp 5. Thu nhập của chị chỉ hơn chục triệu đồng mỗi tháng, vậy mà tiền học cho 2 con đã "ngốn" gần hết số lương của chị.

Theo thông tư mới ban hành, không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Ảnh minh họa

Theo thông tư mới ban hành, không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Ảnh minh họa

"Con lớp 3 của tôi có sức học tốt, tối nào tôi cũng dành thời gian ngồi kèm con học, dạy con kiến thức nâng cao. Thế nhưng, tôi vẫn phải cho con đi học thêm cô giáo chủ nhiệm. Năm trước, vì kinh tế quá eo hẹp, tôi là một trong ít phụ huynh không cho con đi học thêm. Và cuối năm, tôi thấy rõ "hậu quả". Chính vì vậy, dù thực lòng không muốn cho con đi học thêm vì thấy không cần thiết nhưng tôi vẫn phải cho con đi học thêm.

1 tuần con học 2 buổi tối, sau giờ tan học ở trường, 150.000 đồng/buổi. Vị chi, riêng tiền học thêm cô giáo chủ nhiệm đã hết ít nhất 1.200.000 đồng mỗi tháng. Con trai lớn của tôi cũng phải học thêm các cô trong lớp, vừa học ở trường, vừa học ở ngoài, số tiền gấp mấy lần như vậy. Với tôi, học thêm là số tiền buộc phải chi dù không thấy hiệu quả", chị Minh Anh cho biết.

Thế nên, trước thông tin Bộ GD-ĐT cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học, cấm giáo viên dạy thêm với học sinh của mình ở ngoài nhà trường, chị Minh Anh rất ủng hộ. "Giảm được tiền học thêm của 2 con, gánh nặng kinh tế của tôi cũng giảm được hơn 1 nửa", chị Minh Anh phấn khởi cho biết.

Không bị áp lực kinh tế như chị Minh Anh nhưng chị Đặng Hoài Thu (Quận Đống Đa, Hà Nội) cũng đồng tình với việc cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học. "Trẻ tiểu học cần được vui chơi, khám phá thế giới xung quanh thay vì chỉ tập trung vào sách vở. Các con học cả ngày ở trường rất mệt mỏi, tối lại phải đi học thêm. Các con vất vả, bố mẹ đưa đón con cũng mệt nhoài. Dù thấy việc học thêm ở bậc tiểu học là không cần thiết nhưng nhiều phụ huynh buộc phải cho con theo học thêm vì sợ con mình không được cô quan tâm".

Giáo viên "kêu trời" vì mất nguồn thu lớn

Trái ngược với sự ủng hộ từ một bộ phận phụ huynh, nhiều giáo viên cho rằng quy định này tạo thêm khó khăn cho họ.

Theo quy định, giáo viên không được dạy thêm học sinh của mình bên ngoài nhà trường. Ảnh minh họa: T.Hương

Theo quy định, giáo viên không được dạy thêm học sinh của mình bên ngoài nhà trường. Ảnh minh họa: T.Hương

Cô Trần T.H, giáo viên một trường tiểu học ở Nam Định, cho rằng, nếu học sinh yếu kém, phụ huynh vẫn sẽ tìm kiếm các lớp học thêm bên ngoài. Việc cấm giáo viên dạy thêm chỉ đẩy phụ huynh đến các trung tâm tư nhân, nơi chất lượng giảng dạy không được đảm bảo, trong khi giáo viên lại mất đi một nguồn thu nhập hợp pháp.

"Bộ GD-ĐT cần nhìn nhận thực tế rằng nhu cầu học thêm là có thật. Không phải học sinh nào cũng có nhận thức tốt, cũng tập trung học. Phụ huynh mong muốn con nắm chắc kiến thức và cho con đi học thêm. Nếu giáo viên ở trường dạy tốt, phụ huynh tự nguyện và sẵn lòng cho con đi học thêm, còn hơn là họ loay hoay tìm chỗ khác cho con học mà không biết chất lượng giảng dạy ra sao", cô Trần T.H chia sẻ.

Trước việc giáo viên bị siết dạy thêm, cô Nguyễn P.L (giáo viên một trường THCS ở Quận Đống Đa, Hà Nội) lo lắng ngành Sư phạm sẽ không thu hút được người giỏi. "Với việc cấm dạy thêm như Bộ GD-ĐT vừa quy định, thực tế giáo viên chỉ trông chờ vào đồng lương nhà nước và phụ cấp nghề thì thu nhập khá thấp. Như vậy, ngành Sư phạm sẽ không thu hút được người tài, người giỏi", cô P.L trăn trở.

Ngoài ra, việc yêu cầu giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh cũng gây tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng đây là quy định không phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của giáo viên. Việc dạy thêm có tính chất bổ trợ kiến thức, không phải là một loại hình kinh doanh thuần túy.

Việc cấm dạy thêm là một bước đi mạnh mẽ của Bộ GD-ĐT nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm tràn lan và giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả, cần có những giải pháp đồng bộ, lắng nghe ý kiến từ cả giáo viên, phụ huynh và các bên liên quan.

N.Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/siet-day-them-hoc-them-giao-vien-keu-troi-vi-thu-nhap-giam-20250107163553641.htm
Zalo