Chợ Phong Lưu Khâu Vai - Di sản của miền cao nguyên đá núi

Chợ Phong Lưu Khâu Vai (hay còn gọi là chợ tình Khâu Vai) không chỉ là điểm đến du lịch độc đáo, mà còn là biểu tượng văn hóa giàu tính nhân văn của cộng đồng các dân tộc tỉnh Hà Giang. Việc tổ chức lễ hội hằng năm nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đồng thời tạo sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển, góp phần đưa du lịch Hà Giang trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Chợ tình Khâu Vai là cơ hội cho các đôi trai gái gặp nhau, giãi bày tình cảm. Ảnh: Thủy Lê

Chợ tình Khâu Vai là cơ hội cho các đôi trai gái gặp nhau, giãi bày tình cảm. Ảnh: Thủy Lê

Sự ra đời của chợ tình Khâu Vai

Chợ tình Khâu Vai nằm ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, cách trung tâm thị trấn Mèo Vạc khoảng 20km về phía Nam. Phiên chợ họp duy nhất một lần trong năm, vào ngày 27 tháng 3 âm lịch, tại một thung lũng nhỏ nép mình giữa những dãy núi đá tai mèo hiểm trở. Khác với những phiên chợ vùng cao chuyên buôn bán nông sản, chợ Khâu Vai không phải sinh ra để mua bán hàng hóa, mà là sinh ra từ nhu cầu gặp lại nhau của những đôi trai gái yêu nhau nhưng không đến được với nhau. Với phong cảnh núi rừng hùng vĩ, hữu tình bên những nếp nhà sàn ẩn mình dưới chân núi và sắc màu rực rỡ của trang phục dân tộc, chợ Khâu Vai không chỉ là một nét văn hóa độc đáo, mà còn là miền ký ức cho bao trái tim tình si.

Chợ Khâu Vai gắn với chuyện tình là vì chính sự ra đời của phiên chợ này bắt nguồn từ một mối tình dang dở, giữa chàng trai người Nùng và cô gái người Giáy, đây là một câu chuyện có thật nhưng đã trở thành huyền thoại ở vùng núi Hà Giang. Người ta kể rằng, ngày xưa, tại vùng núi đá tai mèo hiểm trở, có chàng trai người Nùng khôi ngô, tuấn tú đem lòng yêu say đắm một cô gái người Giáy xinh đẹp, dịu hiền. Tình yêu của họ chân thành, mãnh liệt như núi non nơi đây. Nhưng trớ trêu thay, hai người lại thuộc hai dòng tộc khác nhau, hai dòng tộc vốn có mối hiềm khích lâu đời, không cho phép con cháu kết duyên.

Bất chấp sự phản đối quyết liệt của gia đình và bản làng, chàng trai và cô gái vẫn hẹn hò, gặp gỡ nhau lén lút nơi rừng núi. Khi chuyện tình bị lộ, mâu thuẫn giữa hai dòng họ bùng lên thành một cuộc ẩu đả dữ dội, đổ máu. Đau lòng khi thấy quê hương mình chìm trong hận thù chỉ vì tình yêu của mình, đôi trai gái quyết định chia tay, mỗi người chấp nhận trở về với bản làng để tránh đổ thêm máu cho người thân.

Tuy nhiên, trước khi vĩnh viễn rời xa, họ hẹn nhau rằng mỗi năm, vào ngày 27 tháng 3 âm lịch, sẽ gặp lại nhau một lần duy nhất tại mảnh đất Khâu Vai, nơi không thuộc về bản làng nào, nơi tình yêu của họ không còn bị ràng buộc bởi hận thù. Từ đó, chợ tình Khâu Vai ra đời. Câu chuyện ấy đã trôi xa, nhưng cái hẹn hò duy nhất ấy hóa thành phiên chợ đã kéo dài hơn trăm năm. Không chỉ là nơi họ gặp nhau, mà còn dần trở thành điểm hẹn của bao đôi trai gái khác, những người từng yêu nhưng không đến được với nhau.

Chợ tình Khâu Vai cũng là biểu tượng của sự hòa giải, bởi từ mối thù hận của hai dòng họ xưa, phiên chợ đã trở thành nơi kết nối cộng đồng, giúp người dân vùng cao gần gũi, đoàn kết hơn. Không có tiếng kèn, tiếng trống tưng bừng hay ồn ào, náo nhiệt như những phiên chợ khác, chỉ có những câu hát then, hát lượn vọng lên từ triền đá. Ở chợ tình Khâu Vai, người đã có vợ, có chồng vẫn có thể gặp lại mối tình cũ một cách công khai mà không bị gièm pha.

Đây không phải là nơi để tái hợp vợ chồng, mà là nơi tri ân một mối tình xưa, một ký ức đẹp trong đời. Một cô gái trẻ trao cho chàng trai chiếc khăn tay thêu vội. Một người đàn ông đứng tuổi đưa cho người xưa chiếc vòng bạc đã đen màu thời gian. Những món quà nhỏ đó như một cách nói để cho đối phương biết rằng: “Tôi vẫn nhớ anh”, “Tôi vẫn thương em”... mà không cần phải nói ra. Chính vì vậy, người vùng cao ở Hà Giang thường nói giản dị rằng: “Đi Khâu Vai một ngày, thương nhau cả đời”.

Chợ tình Khâu Vai từ bao đời nay vẫn là nơi hẹn hò của những mối duyên dở dang. Người ta đến không để mua bán, mà để trao nhau ánh nhìn cũ, lời ca cũ. Chợ tình Khâu Vai cũng không níu người ở lại. Khi mặt trời lặn, ai lại về nhà nấy. Những mối tình cũ, những lời chưa kịp nói lại được gói ghém cẩn thận cho đến mùa chợ năm sau. Chợ tình Khâu Vai đã trở thành một nét văn hóa độc nhất vô nhị ở miền cao nguyên đá này.

Đối diện nhiều thử thách

Những năm gần đây, Hà Giang nổi lên như điểm đến du lịch hàng đầu của miền Bắc. Lượng du khách đổ về chợ tình Khâu Vai tăng vọt. Nhiều dịch vụ mọc lên như nấm sau cơn mưa bao quanh khu chợ như: quầy hàng lưu niệm, gian hàng ẩm thực, trò chơi dân gian, tiếng loa phóng thanh quảng bá du lịch vang vọng khắp sườn núi... Từ một phiên chợ giao duyên giản dị, Khâu Vai đang có nguy cơ trở thành một chợ du lịch náo nhiệt như bao phiên chợ vùng cao khác.

Theo thống kê của UBND huyện Mèo Vạc, chỉ tính riêng trong dịp chợ tình Khâu Vai năm 2024, chợ tình đã đón gần 30.000 lượt du khách, cao gấp 5-6 lần so với cách đây 10 năm. Lượng du khách đến chợ tình Khâu Vai ngày một đông, mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nhưng đồng thời cũng kéo theo không ít hệ lụy mà nếu không kiểm soát tốt, sẽ đe dọa chính giá trị cốt lõi của phiên chợ. Đặc biệt, nếu không quản lý tốt, chợ Khâu Vai rất dễ rơi vào “vết xe đổ” của nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác, đó là bị thương mại hóa, rỗng văn hóa và nhanh chóng suy thoái.

Điều đầu tiên dễ nhận thấy là lượng người tăng kéo theo nhu cầu dịch vụ, khiến phiên chợ có nguy cơ biến tướng thành chợ du lịch thương mại hóa. Hàng trăm gian hàng lưu niệm, dịch vụ ăn uống mọc lên san sát quanh khu chợ, lấn át không gian giao duyên vốn có. Những câu hát then, hát lượn (đây cũng là linh hồn của chợ tình) dần bị át bởi tiếng loa quảng bá du lịch và tiếng ồn của dòng người tấp nập. Không dừng lại ở đó, áp lực về rác thải, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông... ngày càng đè nặng lên mảnh đất Khâu Vai nhỏ hẹp.

Ngày càng có nhiều du khách khắp nơi đến với chợ tình Khâu Vai. Ảnh: Thủy Lê

Ngày càng có nhiều du khách khắp nơi đến với chợ tình Khâu Vai. Ảnh: Thủy Lê

Bên cạnh đó, phiên chợ vốn là nơi gặp gỡ của những mối duyên dở dang, nếu quá đông đúc, ồn ào, sẽ khó giữ được sự lặng lẽ cần thiết cho những cuộc hội ngộ. Một bộ phận người trẻ địa phương có thể hiểu sai hoặc “du lịch hóa” phiên chợ theo cách lệch lạc để phục vụ khách hoặc câu chuyện chợ tình dần bị đơn giản hóa thành “chợ ngoại tình” trong mắt không ít du khách chưa hiểu hết giá trị văn hóa của nó...

Là một người đã gắn bó cả đời với chợ tình Khâu Vai, ông Vừ Mí Páo, năm nay đã 74 tuổi, người dân tộc Nùng, trú tại xã Khâu Vai chia sẻ: “Ngày xưa, chợ tình lặng lẽ lắm. Bây giờ khách đông, hàng quán nhiều, người già như tôi thấy hơi xô bồ”. Cùng chung tâm trạng với ông Vừ Mí Páo, bà Hoàng Thị Pà, 55 tuổi, là nghệ nhân hát then ở xã Khâu Vai cho biết thêm: “Ngày trước, chợ tình tĩnh lắm, chỉ có hát, có gặp nhau thôi. Giờ nhiều khách đến chỉ để chụp ảnh, mấy câu chuyện tình không còn ai kể nữa. Cả điệu then của chúng tôi cũng ít người nghe”.

Cần bảo tồn và phát triển

Đứng trước nguy cơ đó, chính quyền huyện Mèo Vạc, người dân Khâu Vai và các chuyên gia văn hóa đã và đang chung tay hành động để bảo tồn phiên chợ độc đáo này một cách bền vững.

Để chợ tình mãi là chợ tình và là điểm thu hút hấp dẫn du khách trong tương lai, vừa qua, chính quyền huyện Mèo Vạc đã quy hoạch lại không gian phiên chợ, phân chia rõ khu vực giao duyên và khu dịch vụ. Những hoạt động văn hóa như hát then, đàn tính sẽ được tổ chức tự nhiên trong khu vực giao duyên, không sân khấu hóa hay thương mại hóa thái quá.

Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch xanh như xây dựng bãi đỗ xe, khu xử lý rác thải, nhà vệ sinh sinh thái; đồng thời ban hành bộ quy tắc ứng xử dành cho du khách nhằm bảo vệ cảnh quan và sự tĩnh lặng của chợ tình. Tập trung phát triển du lịch cộng đồng bền vững, khuyến khích mô hình homestay do chính người dân địa phương làm chủ. Qua đó, du khách có cơ hội trải nghiệm sâu sắc hơn những giá trị văn hóa bản địa như làm bánh giầy, thêu khăn tay, nghe kể chuyện tình xưa...

Đặc biệt, năm nay, Lễ hội chợ Phong Lưu Khâu Vai được huyện Mèo Vạc tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Trong khuôn khổ lễ hội diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn như: thi leo cột chinh phục tình yêu, tung còn giao duyên, ném pao, đánh yến, bắn nỏ, giã bánh giầy. Các hoạt động trình diễn thổi khèn Mông, múa nhảy lửa của dân tộc Lô Lô, múa trống của dân tộc Giáy, hát dân ca dân tộc Nùng, hát đối giao duyên.

Ngoài ra, còn nhiều hoạt động cho du khách tìm hiểu, tham quan, trải nghiệm như: chụp ảnh lưu niệm tại cánh đồng hoa khu vực Mê cung đá; tìm hiểu Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà; tham quan Làng Văn hóa du lịch dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ; đi thuyền trên sông Nho Quế; chinh phục vách đá trắng; thưởng thức ẩm thực truyền thống của các dân tộc bản địa...

Thủy Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cho-phong-luu-khau-vai-di-san-cua-mien-cao-nguyen-da-nui-post490161.html
Zalo