Khi Rap chạm vào đờn ca tài tử – Một cú giao thoa ấn tượng của Nhóm hát TDB

Họ gồm 5 chàng trai hát hay, diễn xuất giỏi, luôn năng động sáng tạo để làm mới TDB

Nhóm hát TDB và các nghệ sĩ CLB ĐCTT Nam Bộ - quận Bình Thạnh, TP HCM tại phim trường HTV

Nhóm hát TDB và các nghệ sĩ CLB ĐCTT Nam Bộ - quận Bình Thạnh, TP HCM tại phim trường HTV

Ngày 20-5, trong buổi ghi hình chương trình "Đồng hành với cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần thứ 20" nằm trong chuỗi chương trình "Nghệ sĩ và sàn diễn" của Đài Truyền hình TP HCM (HTV), các nghệ nhân và khán giả đã chứng kiến một khoảnh khắc giao thoa nghệ thuật đầy bất ngờ nhưng cũng vô cùng xúc động: nhóm Hip Hop Rap TDB – gồm 5 thành viên trẻ Hoàng Trung Anh, Châu Nhật Tín, La Trần Đức Thiện, Văn Hậu và Huy Trương – lần đầu tiên đưa rap kết hợp với đờn ca tài tử Nam Bộ qua ca khúc "Góc phố màu cà phê".

Nghệ nhân ưu tú Phương Hậu (Chủ nhiệm CLB ĐCTT quận Bình Thạnh, TP HCM) chia sẻ: "Đây không chỉ là một tiết mục biểu diễn, mà là một cú chạm giữa hai dòng chảy văn hóa tưởng chừng cách xa nhau hàng thế hệ".

Từ trái sang: Hoàng Trung Anh, Châu Nhất Tín, Văn Hậu, Nghệ nhân ưu tú Phương Hậu, ca sĩ Huy Trương và La Trần Đức Thiện tạ phim trường HTV

Từ trái sang: Hoàng Trung Anh, Châu Nhất Tín, Văn Hậu, Nghệ nhân ưu tú Phương Hậu, ca sĩ Huy Trương và La Trần Đức Thiện tạ phim trường HTV

Sự can đảm của lớp trẻ trước truyền thống

"Góc phố màu cà phê" là một sáng tác nguyên bản của nhóm TDB, từng được biểu diễn thành công tại chương trình Giao lưu âm nhạc trong khuôn khổ Lễ hội Tôn vinh Cà phê – Trà Việt lần 3 do Báo Người Lao Động tổ chức (17 và 18-5-2025).

Nếu như trong lần xuất hiện tại lễ hội ấy, bài hát mang không khí hiện đại, đầy màu sắc đô thị, thì ở sân khấu HTV, sự kết hợp giữa nhịp rap phóng khoáng và tiếng đờn kìm, đờn cò truyền thống lại làm bật lên một chiều sâu khác – đầy chất thơ và lòng trân trọng.

Từ trái sang: Hoàng Trung Anh, Văn Hậu, Châu Nhật Tín, Huy Trương và La Trần Đức Thiện tại Đài Truyền hình TP HCM

Từ trái sang: Hoàng Trung Anh, Văn Hậu, Châu Nhật Tín, Huy Trương và La Trần Đức Thiện tại Đài Truyền hình TP HCM

Việc một nhóm nhạc trẻ chọn đờn ca tài tử – một loại hình được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể – để làm "bạn đồng hành" trong biểu diễn không đơn thuần là thử nghiệm, mà là một quyết định nghệ thuật có suy nghĩ và cảm xúc.

Trong từng nhịp flow rap, khán giả vẫn có thể nghe ra hơi thở của nhịp sinh hoạt Nam Bộ, của những góc phố xưa, của ký ức cà phê buổi sáng gợi lên bao điều thân thuộc.

"Như một lời nhắn gửi lớp trẻ không quay lưng với truyền thống, chúng tôi đang tìm cách để bước cùng di sản văn hóa của ông cha để lại, bằng ngôn ngữ của chính thời đại mình" - ca sĩ La Trần Đức Thiện tâm sự.

Khi nghệ thuật không còn khoảng cách

Một điều đáng quý là phần trình diễn của nhóm TDB không mang mục đích phá cách hay gây sốc, mà rất mực khiêm nhường và hòa điệu. Những tiếng đàn tài tử vang lên mộc mạc đã không bị lấn át, mà như dẫn đường cho những câu rap cất lên – không ồn ào, không khoa trương, mà gần gũi, sâu sắc và có hồn.

Từ trái sang: Hoàng Trung Anh, Văn Hậu, Châu Nhật Tín, Huy Trương và La Trần Đức Thiện tại Đài Truyền hình TP HCM

Từ trái sang: Hoàng Trung Anh, Văn Hậu, Châu Nhật Tín, Huy Trương và La Trần Đức Thiện tại Đài Truyền hình TP HCM

Nghệ nhân Lê Dũng (CLB ĐCTT quận Bình Thạnh, TP HCM) nhận xét: "Trong thời đại mà nghệ thuật ngày càng bị chi phối bởi thị hiếu và xu hướng, việc một nhóm rapper trẻ dám bước lên sân khấu nghệ thuật truyền thống với một sản phẩm tử tế, chỉnh chu và sáng tạo như thế là điều không thể không ghi nhận".

Chia sẻ bên lề buổi ghi hình, thành viên nhóm TDB nói: "Chúng tôi không muốn Rap chỉ là một dạng biểu diễn 'cool ngầu', mà phải có khả năng kể chuyện, kết nối và chạm đến những giá trị văn hóa. Đờn ca tài tử không hề xa lạ với chúng tôi, chỉ là trước nay ít ai nghĩ rằng Rap có thể song hành với nó."

Cây cầu nối giữa các thế hệ nghệ thuật

Chương trình "Nghệ sĩ và sàn diễn" của HTV lâu nay vốn là nơi hội tụ những gương mặt nghệ sĩ gạo cội và tài năng trẻ, là không gian giữ gìn sân khấu truyền thống trong đời sống đương đại.

Việc mời nhóm TDB biểu diễn trong khuôn khổ chương trình đặc biệt "Đồng hành với Chuông vàng vọng cổ" lần thứ 20 là một tín hiệu đáng mừng: sân khấu truyền thống không khép cửa với cái mới, và những người làm chương trình cũng sẵn sàng tạo điều kiện để thế hệ trẻ góp giọng, góp sức trong sự nghiệp gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc.

Nhóm hát TDB và các nghệ nhân ĐCTT Nam Bộ quận Bình Thạnh, TP HCM tại phim trường HTV

Nhóm hát TDB và các nghệ nhân ĐCTT Nam Bộ quận Bình Thạnh, TP HCM tại phim trường HTV

Nếu được đầu tư dài hơi, sự kết hợp giữa rap và nghệ thuật truyền thống hoàn toàn có thể trở thành một hướng phát triển mới cho âm nhạc Việt – vừa hiện đại, vừa bản sắc.

Và những nghệ sĩ như nhóm TDB, bằng sự sáng tạo và tâm huyết của mình, có thể là những người đi đầu trong hành trình ấy.

Ca sĩ Châu Nhật Tín nói: "Đây là sự kiện đánh dấu một cú chạm không dừng lại. Vì chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để sáng tác nhiều tiết mục có sự phối hợp giữa ĐCTT và Rap, Hip Hop để biểu diễn trong chương trình "Sân khấu học đường".

Phần trình diễn của nhóm TDB trong chương trình không chỉ là dấu ấn đáng nhớ của một buổi ghi hình, mà còn là sự khởi đầu cho một hướng suy nghĩ mới về khả năng tương tác giữa nghệ thuật hiện đại và truyền thống. Đó là một lời mời gọi: "Hãy lắng nghe, đừng vội khép lòng với cái mới, cũng đừng lãng quên những gì đã nuôi dưỡng chúng ta" – nhạc sĩ Văn Hậu, người hòa âm, phối khí và thu âm cho nhóm TDB, đã chia sẻ thông điệp của nhóm.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khi-rap-cham-vao-don-ca-tai-tu-mot-cu-giao-thoa-an-tuong-cua-nhom-hat-tdb-196250521114757868.htm
Zalo