Chính sách thuế quan mới của Mỹ: Ứng phó nhìn từ góc độ pháp lý
Việt Nam, với vị thế quốc gia có thặng dư thương mại lớn và có vai trò trung gian trong chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể trở thành mục tiêu cho các cuộc điều tra chống bán phá giá hay chống trợ cấp của Mỹ.
Vậy nên tâm thế tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt lúc này là chuẩn bị kỹ và sẵn sàng ứng phó. Rủi ro từ các cuộc điều tra chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp của Mỹ đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam sau các thay đổi về chính sách thuế quan của Mỹ được cho là dễ xảy ra hơn trước.

“Lưỡi dao” pháp lý trên thị trường Mỹ
Hôm 17-3 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá với hộp nhựa Polypropylene nhập khẩu từ Việt Nam và điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với cùng loại sản phẩm từ Trung Quốc(1). Đây được xem là đòn giáng mạnh vào các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng nhựa của Việt Nam.
Dựa trên Đạo luật Thuế quan 1930 (mục 731 cho chống bán phá giá, mục 701 cho chống trợ cấp), Mỹ có quyền khởi xướng điều tra khi nghi ngờ hàng hóa nhập khẩu thuộc trường hợp bán phá giá, tức bán dưới giá trị thông thường, gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa Mỹ hoặc nhận trợ cấp bất hợp pháp - được chính phủ nước xuất khẩu hỗ trợ, như miễn thuế, vay vốn ưu đãi, tạo lợi thế cạnh tranh một cách không công bằng.
Hàng do Việt Nam xuất khẩu cũng đã chịu thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp không ít trước đây, đơn cử như tôm với mức thuế chống trợ cấp từ 1,69% đến tối đa 196% vào năm 2024(2), tấm pin mặt trời với mức thuế chống bán phá giá từ 21% đến 217%(3). Giờ đây, với các chính sách thuế chặt chẽ hơn của Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với rủi ro nhiều hơn từ việc hàng hóa phải chịu các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Những thách thức đối với doanh nghiệp Việt
Các cuộc điều tra chống bán phá giá hay chống trợ cấp đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ nhất, về quy trình điều tra, sau khi nhận được đơn khởi kiện, Bộ Thương mại Mỹ sẽ có 20 ngày để xem xét đơn kiện và ban hành quyết định khởi xướng điều tra hay không. Trường hợp khởi xướng điều tra, bộ này sẽ gửi cho các doanh nghiệp bị cáo buộc bán phá giá hoặc nhận trợ cấp bảng câu hỏi “Lượng và Giá trị” và cho phép trả lời trong khoảng 30 ngày. Đây là một thách thức về mặt thời gian đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ bởi nếu không có sự chuẩn bị chỉn chu từ trước hoặc đã xây dựng được một hệ thống quản lý thông tin khoa học, có hệ thống thì họ sẽ khó đáp ứng thông tin trả lời, như giá bán nội địa, giá xuất khẩu, chi phí sản xuất và nguồn gốc nguyên liệu. Thiếu sót hoặc chậm trễ trong việc nộp hồ sơ có thể dẫn đến kết luận bất lợi, với mức thuế mặc định cao nhất cho doanh nghiệp.
Thứ hai, việc không xây dựng các tiêu chí xác định giá bán một cách rõ ràng cũng là rủi ro của doanh nghiệp khi phải trả lời các câu hỏi từ phía Mỹ. Theo đó, nếu không có căn cứ cụ thể cho việc xác định giá bán hàng hóa, dẫn đến việc giá bán thấp hơn đáng kể so với giá bán tại thị trường của nước thay thế, doanh nghiệp Việt sẽ có khả năng cao bị áp thuế chống bán phá giá.
Thứ ba, hậu quả pháp lý từ việc bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp là cực kỳ nặng nề, bởi thời kỳ điều tra thiệt hại thường lùi về trước một khoảng khá dài, do đó, nếu có kết luận về việc có hành vi bán phá giá hoặc nhận trợ cấp, doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng bị áp thuế hồi tố cho giai đoạn bị điều tra thiệt hại trước đó. Ngoài ra, có thể kể đến các hậu quả đi kèm như lệnh cấm nhập khẩu nếu có hành vi vi phạm nghiêm trọng.
Những giải pháp doanh nghiệp có thể tính đến
Điều chỉnh hoạt động kinh doanh
Việc điều chỉnh hoạt động kinh doanh được xem là giải pháp nội tại mà doanh nghiệp có thể tự mình thực hiện được để ứng phó với các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ. Theo đó, doanh nghiệp cần có các tiêu chí xác định cơ cấu giá bán một cách rõ ràng, căn cứ vào các quy định của Luật Giá 2024, khảo sát liên tục về giá hàng nhập từ các thị trường tương tự Việt Nam được bán tại Mỹ để có sự điều chỉnh giá linh hoạt và hợp lý.
Tiếp đó, việc kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào chặt chẽ cũng sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các cáo buộc về trung gian thương mại. Theo đó, việc lập bảng giải trình quy trình sản xuất để chứng minh chuyển đổi đáng kể theo Thông tư 05/2018/TT-BCT có thể là giải pháp lâu dài mà doanh nghiệp cần tính đến.
Ngoài ra, yêu cầu về lưu trữ hồ sơ, đặc biệt là các tài liệu về kế toán (hợp đồng mua nguyên liệu, hóa đơn đầu vào…) cũng cần được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm và tuân thủ - những yêu cầu này đều đã được quy định cụ thể tại Luật Kế toán. Việc tuân thủ đúng và đầy đủ các khâu cơ bản trong hoạt động sẽ giúp quá trình thu thập, tổng hợp và cung cấp bằng chứng chống lại các cáo buộc về mình được thuận lợi hơn.
Quyền tự bảo vệ theo luật thương mại quốc tế
Mặc dù đã xuất khẩu hàng hóa tại thị trường Mỹ, không ít các doanh nghiệp Việt vẫn còn khá xa lạ với khái niệm điều tra chống bán phá giá hay chống trợ cấp. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp không nhận biết được đầy đủ các quyền mà mình có thể được hưởng, được thực hiện trong quá trình điều tra.
Nộp hồ sơ đúng hạn là một trong những quyền, đồng thời cũng là nghĩa vụ của doanh nghiệp. Như đã đề cập ở trên, khi hết thời hạn nộp hồ sơ và trả lời các câu hỏi trong bảng câu hỏi “Lượng và Giá trị”, doanh nghiệp gần như tự mình tước bỏ đi quyền được giải trình của mình.
Ngoài ra, doanh nghiệp bị điều tra cũng có thể trực tiếp đăng ký tham gia phiên điều trần công khai của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ để trình bày bằng chứng pháp lý (báo cáo tài chính, hóa đơn) để chứng minh không gây thiệt hại cho ngành sản xuất Mỹ. Điều này là được phép theo quy định tại điều 6 của Hiệp định thực thi điều VI của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại - GATT (1994).
Nếu không may thuộc diện bị điều tra chống trợ cấp, doanh nghiệp có thể cung cấp các chứng cứ chứng minh những khoản trợ cấp mình nhận được (nếu có) là hợp pháp, xuất phát từ các quy định của pháp luật Việt Nam và không nhằm gây bất lợi cho thị trường Mỹ, cụ thể như các quy định tại Nghị định 57/2021/NĐ-CP về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hoặc các quy định ưu đãi, hỗ trợ khác.
Tìm kiếm hỗ trợ từ cơ quan có thẩm quyền
Ngoài các giải pháp mang tính nội tại như trên, khi thuộc diện bị điều tra chống bán phá giá hay chống trợ cấp, doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ bằng cách thông báo cho Bộ Công Thương, đây là một trong những giải pháp đã được quy định tại Nghị định 10/2018/NĐ-CP. Theo đó, Bộ Công Thương tùy vào từng trường hợp sẽ có các phương án để trao đổi với phía Mỹ, hỗ trợ cung cấp hồ sơ trong quá trình điều tra hoặc xa hơn là việc xây dựng phương án bồi thường, tìm kiếm biện pháp trả đũa hoặc khởi kiện.
Ngoài ra, việc tham gia, liên kết với các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề cũng sẽ là giải pháp doanh nghiệp nên lưu tâm, bởi tiếng nói, sự hỗ trợ của một cộng đồng sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nhiều kinh nghiệm trong quá trình điều tra.
Tóm lại, bên cạnh mối lo ngại về việc áp thuế trực tiếp đối với một số mặt hàng, rủi ro từ việc bị điều tra chống bán phá giá hay chống trợ cấp sẽ là mối nguy thường trực cho doanh nghiệp. Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ các cuộc điều tra, việc chủ động ứng phó ngay tại thời điểm này là cần thiết dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu, với mong muốn giữ vững một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình.
(*) Công ty Luật TNHH HM&P
(1) https://moit.gov.vn/tin-tuc/thong-bao/hoa-ky-nhan-ho-so-yeu-cau-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-voi-hop-nhua-polypropylene-nhap-khau-tu-viet-nam.html, truy cập ngày 25-3-2025.
(2) https://chongbanphagia.vn/my-cong-bo-thue-chong-tro-cap-voi-tom-viet-nam-an-do-va-ecuador-n27598.html, truy cập ngày 25-3-2025.
(3) https://chongbanphagia.vn/pin-mat-troi-tu-viet-nam-bi-my-ap-thue-chong-ban-pha-gia-den-hon-271-n28784.html, truy cập ngày 25-3-2025.