Chính sách thuế quan của Mỹ: Nguy cơ rạn nứt giữa các nước đồng minh phương Tây
Việc áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ra phán ứng gay gắt ngay cả từ các đồng minh phương Tây. Hàn Quốc, Pháp và Đức hiện đang đưa ra các biện pháp đối phó và sự không hài lòng thể hiện rõ ở Úc.
Đặc biệt, giới phân tích cho rằng căng thẳng kinh tế có thể làm sâu sắc thêm bất đồng giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), điều cũng đã từng xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.
Mức thuế thương mại mới của chính quyền ông Donald Trump
Nhằm thúc đẩy chính sách kinh tế “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với toàn bộ nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ. Ngoài ra, chính quyền ông Trump có kế hoạch áp dụng thuế quan tương hỗ, tức là đối với các đối tác thương mại của Mỹ đang áp thuế đối với hàng hóa Mỹ.
Canada, Brazil, Mexico và Hàn Quốc được cho là những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ mức thuế quan tiềm tàng của Tổng thống Trump vì đây là những quốc gia mà Mỹ hợp tác chặt chẽ nhất trong việc mua nhôm và thép. Trong 11 tháng đầu năm 2024, nguồn cung từ Canada chiếm tới 79% lượng nhôm nhập khẩu của Mỹ.
Mỹ sử dụng kim loại của Canada trong các lĩnh vực quan trọng, như quốc phòng, đóng tàu và công nghiệp ô tô. Trước đó, Tổng thống Trump cũng đã đe dọa Ottawa, cùng với Mexico, sẽ áp mức thuế 25% đối với mọi mặt hàng nhập khẩu, cáo buộc họ tiếp tay cho cuộc khủng hoảng di cư tại Mỹ và dòng chảy ma túy. Tuy nhiên, việc áp dụng những hạn chế này tạm thời bị trì hoãn 1 tháng.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: X/DonaldTrump](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_197_51474624/9d77089e3ad0d38e8ac1.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: X/DonaldTrump
Hàn Quốc, cũng là một trong những nước xuất khẩu thép lớn nhất thế giới, đã có những động thái đầu tiên nhằm đối phó. Ngày 10 tháng 2, Bộ Công nghiệp nước này đã triệu tập một cuộc họp khẩn với các nhà sản xuất thép để thảo luận về các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động từ mức thuế quan của Mỹ. Được biết, thép Hàn Quốc đặc biệt được cung cấp cho các nhà máy tại Mỹ của các hãng sản xuất ô tô lớn, như Hyundai và Kia, cũng như cho các nhà máy của Samsung và LG tại Mexico và Mỹ.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese kêu gọi một cuộc hội đảm với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm thảo luận về vấn đề thuế quan. “Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích quốc gia của Australia với chính quyền Mỹ và hơn nữa, chúng tôi tin rằng điều này cũng nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ”, ông Albanese nhấn mạnh.
Trong khi đó, EU cũng không hài lòng với chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các nước châu Âu kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình: “Việc áp dụng thuế quan sẽ là bất hợp pháp và phản tác dụng về mặt kinh tế, đặc biệt là khi xét đến chuỗi sản xuất tích hợp sâu rộng do EU và Mỹ tạo ra thông qua thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương”, theo tuyên bố của Ủy ban châu Âu.
Đặc biệt, những quốc gia đầu tàu kinh tế của EU đã phản ứng rất gay gắt trước quyết định thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh rằng, lợi ích của Mỹ là không gây tổn hại đến nền kinh tế châu Âu.
Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Pháp, Jean-Noel Barrot, quốc gia châu Âu này đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả mức thuế quan của chính quyền Mỹ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, EU có thể phản ứng ngay trong vòng 1 giờ nếu Tổng thống Trump áp thuế đối với hàng hóa của EU. Theo một số thông tin, EU có thể áp đặt các hạn chế đối với các doanh nghiệp Mỹ ở châu Âu, mặc dù các lệnh trừng phạt có thể khác nhau.
Nguy cơ rạn nứt giữa Mỹ và EU
Trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2018, Tổng thống Trump đã áp dụng mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ Canada, Mexico và EU. Sau đó, Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Ottawa và Mexico City để dỡ bỏ các mức thuế quan đó.
Còn hiện nay, Tổng thống Donald Trump giải thích nhu cầu áp dụng thuế quan nhằm thúc đẩy sự phát triển của các nhà sản xuất Mỹ, bảo vệ việc làm và đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, thuế quan được xem là “công cụ” nhằm gây sức ép các đối tác của Washington phải hành động theo cách khiến ông Trump hài lòng, như với Mexico và Canada, những nước đã phải thắt chặt các biện pháp bảo đảm an ninh biên giới, ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ để đóng băng thuế quan thương mại của chính quyền ông Trump trong 1 tháng. Trong trường hợp của EU, mục tiêu của ông Trump có thể là nhằm giảm bớt mức thâm hụt thương mại mà nước này đang phải gánh chịu.
![Tổng thống Donald Trump áp mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Ảnh: GLP](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_197_51474624/4d19d4f0e6be0fe056af.jpg)
Tổng thống Donald Trump áp mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Ảnh: GLP
Theo Tiến sĩ Kinh tế Stanislav Tkachenko, Đại học quốc gia St. Petersburg nhận định, Tổng thống Donald Trump hành động để cân bằng cán cân thương mại với EU, mà theo ông, con số thâm hụt hiện nay lên tới khoảng 300 tỷ Euro. Ông Trump muốn giảm thâm hụt ở những khu vực mà người châu Âu xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ theo giá trị tiền tệ.
Tổng thống Mỹ không muốn người châu Âu ngừng cung cấp kim loại cho thị trường Mỹ, mà muốn các nước này mua nhiều sản phẩm của Mỹ hơn. “Câu thần chú” thường trực của ông là mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), sản phẩm dầu mỏ, vũ khí, thiết bị quân sự, những mặt hàng đem lại lợi nhuận cao cho Mỹ. Vì lẽ đó, mà chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đối với EU có vẻ giống như một “con bài” mặc cả, chuẩn bị cho việc ký kết một số thỏa thuận mới.
Không giống như Canada và Mexico, EU, cũng như Anh và Nhật Bản, đã không thể thỏa hiệp được với Tổng thống Trump về thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Các nước này đã phải chờ tới khi Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden nhậm chức để gỡ bỏ mức thuế quan cao.
Nhìn chung, toàn bộ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Donald Trump được đánh dấu bằng mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và EU. Ngoài việc áp dụng thuế quan, Mỹ còn rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ với các nước châu Âu, ít nhất là những nước tham gia thỏa thuận. Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi Washington quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ba bước đi cấp tiến cùng một lúc đã làm lung lay sự ổn định giữa Mỹ và EU.
Để ứng phó với việc tăng thuế quan của Mỹ, EU sau đó đã thực hiện các biện pháp trả đũa đối với các nhà sản xuất xe máy Harley-Davidson, rượu whisky và các loại hạt của Mỹ. Tiếp đó, EU cũng áp thuế nhập khẩu đối với thép, nhôm và các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, cũng như một số hàng hóa khác của Mỹ trị giá 2,8 tỷ Euro.
Chuyên gia Stanislav Tkachenko cho rằng, người tiêu dùng sẽ là những người chịu tác động nặng nề nhất vì giá thành hàng hóa chắc chắc sẽ tăng cao. Hơn nữa, các tranh chấp thương mại cuối cùng có thể làm sâu sắc thêm rạn nứt giữa các nước phương Tây.
“Khi nói về các tranh chấp thương mại, về lâu dài, tất cả các bên sẽ đều thua thiệt. Tranh chấp thương mại có thể làm suy yếu toàn bộ phương Tây. Trước hết, đòn đau sẽ giáng vào EU, nơi vị thế của khối đang suy yếu đáng kể do một loạt các vấn đề: từ đại dịch, cuộc xung đột ở Ukraine đến cuộc khủng hoảng năng lượng”, ông Tkachenko khẳng định.
Đồng thời, cũng theo Stanislav Tkachenko, hiện tại chưa thể khẳng định về một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Mỹ và EU, vì cộng đồng châu Âu đang quá chia rẽ để có thể đưa ra một phản ứng chung.
Tuy nhiên, các chính sách kinh tế cứng rắn của Tổng thống Trump sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng châu Âu và lạm phát ở Mỹ có khả năng sẽ tăng vọt trở lại. Ngay cả khi không tính đến thuế quan đối với nhôm và thép, các nhà nghiên cứu Mỹ đã dự đoán giá tiêu dùng sẽ tăng 0,5-0,7% nếu Tổng thống Trump tiếp tục chính sách của mình đối với ít nhất là Mexico và Canada.