Chính phủ trình phương án tăng trưởng GDP 8% trở lên
Chính phủ nhấn mạnh tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp; phân cấp, phân quyền triệt để. Hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Chiều 10/2, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Tăng trưởng GDP năm 2025 cần đạt 8% trở lên
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).
![Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung họp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_5_51442335/7894cb11ff5f16014f4e.jpg)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung họp.
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu: (1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên. (2) Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%. (3) Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi NSNN lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP. Về điều kiện để thực hiện kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025, Chính phủ nhấn mạnh tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp; phân cấp, phân quyền triệt để. Hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Cùng với đó, phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong tờ trình, báo cáo của Chính phủ. Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng. Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm 2025 chưa có nhiều khởi sắc, do vậy, đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của đề án, đặc biệt cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công.
Rà soát “điểm nghẽn” pháp luật để sửa đổi, bổ sung
Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp như tiếp tục tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, coi đây là mục tiêu nền tảng trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động, để tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng và phát triển bền vững trong giai đoạn tới. Cùng với đó tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhất là về quy trình, thủ tục đầu tư, quy hoạch và tiếp cận đất đai. Thúc đẩy chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, thực chất, lan tỏa rộng rãi hơn. “Ban hành cơ chế, chính sách bảo vệ, khuyến khích, khen thưởng cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.
![Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_5_51442335/36c38b46bf0856560f19.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu cho rằng, nên rà soát “điểm nghẽn” pháp luật để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; đồng thời nêu quan điểm, nếu không sửa nhanh thì còn ách tắc, từ quy hoạch, đất đai đến khoanh nuôi bảo vệ rừng.
Về đẩy mạnh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Trần Quang Phương cho biết Quốc hội có cơ chế đặc thù nhưng Chính phủ, bộ, ngành chưa có hướng dẫn chuyển nguồn nên địa phương không thực hiện được và cho rằng “đây cũng là điểm cần tháo gỡ thì mới đẩy nhanh tiến độ được”.
![Phó Chủ tịch Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_5_51442335/c0437ac64e88a7d6fe99.jpg)
Phó Chủ tịch Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4,5 – 5%; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP… Và bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 như Chính phủ trình; nêu rõ “Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng giữ vững nền tảng để phát triển bền vững, lâu dài, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, có giải pháp cụ thể, hiệu quả để bảo đảm an sinh xã hội, an ninh tài chính quốc gia trong trường hợp nới lỏng chính sách tài khóa chính sách tiền tệ và điều chỉnh tăng CPI, bội chi và nợ công…