'Chìa khóa' gỡ điểm nghẽn thể chế
Một cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch sẽ là nền tảng vững chắc để từng cán bộ, từng cấp chính quyền phát huy cao nhất sự chủ động, năng động, sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
“Nhiều lúc tôi tự hỏi nhàn nhất chắc là ông chủ tịch thành phố vì quyết hết rồi, làm khác đi là vi phạm. Đất cũng xin cấp trên thì làm sao ông quyết định được đầu tư. Vậy hàng ngày ông làm việc gì, làm sao mà năng động, sáng tạo?” - Tổng Bí thư Tô Lâm nói trong phiên thảo luận tổ sáng qua của Quốc hội về dự luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Thực tế được Tổng Bí thư đề cập cũng đặt ra một yêu cầu cốt lõi trong việc sửa đổi hai đạo luật gốc về tổ chức, hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước tại Kỳ họp này của Quốc hội. Đó là: phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo không gian cho sự điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo của chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
Cả hai dự luật được trình Quốc hội lần này đều được đánh giá là đã bám sát, tập trung thể chế hóa quan điểm của Trung ương về đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo phát triển và tăng cường kiểm tra, giám sát, theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; đồng thời tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế và khơi thông nguồn lực, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.
Quy định về phân cấp, phân quyền trong hai dự luật có thể xem là một trong những “chìa khóa” quan trọng nhất để giải quyết “điểm nghẽn” về thể chế. Bởi với thực tiễn cuộc sống vận động liên tục, nhanh chóng và khó lường như hiện nay, dù pháp luật được xây dựng kỹ lưỡng bao nhiêu cũng rất dễ nhanh chóng trở nên lạc hậu. Nếu phân cấp và trao quyền không đủ rõ ràng, không đủ minh bạch thì các cấp thực thi khi gặp những quy định không phù hợp với thực tế hoặc những vấn đề mới phát sinh mà pháp luật chưa điều chỉnh thì sẽ liên tục phải đi hỏi ý kiến cấp trên. Nhưng ngay cả cấp trên cũng khó tránh được tình trạng “giữ an toàn” mà trả lời lòng vòng theo kiểu “thực hiện theo đúng pháp luật và quy định hiện hành và tự chịu trách nhiệm". Cấp dưới hỏi thì cấp trên trả lời không rõ nên không dám làm, còn cấp trên lại bảo đã trả lời mà cấp dưới không làm, cứ như vậy gây ra tình trạng chờ đợi nhau, đùn đẩy nhau, né tránh trách nhiệm. Hệ quả là công việc bị đình trệ, những ách tắc trong thực tế không thể giải quyết được, những cơ hội phát triển bị đánh mất. Thực tế vừa qua cho thấy, ngay cả ở những địa phương được Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù để phát triển nhanh, đột phá nhưng Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực rồi địa phương vẫn không làm được vì chờ Chính phủ, bộ, ngành quy định chi tiết.
Tất nhiên, vẫn còn những vấn đề phải tiếp tục hoàn thiện để cơ chế phân cấp, phân quyền thực sự là “chìa khóa” giải quyết “điểm nghẽn” về thể chế. Trong đó, cần làm rõ hơn sự khác biệt giữa "phân quyền", "phân cấp", "ủy quyền"; quy định trong luật hoặc nghị định của Chính phủ về các loại nhiệm vụ có thể ủy quyền, các nhiệm vụ không được ủy quyền để tránh tình trạng lạm dụng; hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực, chế tài xử lý khi vi phạm… Không chỉ hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) mà còn phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện trong các luật chuyên ngành tới đây để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, thông suốt của hệ thống pháp luật. Và đặc biệt, như Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhiều lần nhấn mạnh, phải chọn cho được những cán bộ tinh hoa, người tài, người có đủ năng lực, phẩm chất, có khát vọng đổi mới, sẵn sàng phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân.
Một cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch sẽ là nền tảng vững chắc để từng cán bộ, từng cấp chính quyền phát huy cao nhất sự chủ động, năng động, sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.