Chính phủ đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2026
Dự kiến tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.
Hôm nay, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tại kỳ họp Quốc hội báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Theo ông, đề xuất mở rộng đối tượng được áp dụng và kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT nhằm thể chế hóa mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm nay, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Việc giảm thuế GTGT cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.
Về nguyên tắc đề xuất giảm thuế, dự thảo nghị quyết đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế TTĐB (trừ xăng).
Thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến hết 31/12/2026.
Bộ trưởng Tài chính đánh giá, dự kiến việc giảm thuế sẽ khiến giảm thu NSNN trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng (6 tháng cuối năm nay giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ, năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ).

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Quốc hội
Tuy nhiên, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.
Đối với người dân và doanh nghiệp, việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Báo cáo thẩm tra dự án, Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội cơ bản thống nhất với đề xuất tiếp tục cho phép áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT như kiến nghị của Chính phủ và đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm tra để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Đồng thời, Ủy ban đề nghị thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tổ chức thực hiện chính sách, bảo đảm mục tiêu đề ra, không để xảy ra khó khăn, vướng mắc.