Đề xuất tăng ưu đãi cho giáo viên mầm non, nhân viên trường học

Nhằm tạo hành lang pháp lý để các địa phương triển khai chính sách một cách đồng bộ, công bằng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giữ chân nhân sự, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT đề xuất tăng phụ cấp, ưu đãi cho giáo viên mầm non, dự bị đại học và nhân viên trường học.

Bộ GD&ĐT đề xuất tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non.

Bộ GD&ĐT đề xuất tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non.

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập để lấy ý kiến đóng góp.

Theo các quy định hiện hành, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề còn một số bất cập liên quan đến phụ cấp, ưu đãi, thu nhập của giáo viên mầm non, giáo viên dự bị đại học, nhân viên trường học…

Cụ thể: tổng thu nhập của giáo viên mầm non chưa tương xứng với tính đặc thù và mức độ phức tạp của hoạt động nghề nghiệp. Giáo viên mầm non phải chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi, đòi hỏi sự tập trung cao độ để đảm bảo an toàn và thu hút sự chú ý của trẻ, thường làm việc 9 - 10 giờ/ngày… Tuy nhiên, thu nhập của họ thấp nhất so với các cấp học khác (hệ số lương khởi điểm 2,10, phụ cấp 35%, tổng thu nhập khoảng 6,63 triệu đồng/tháng), dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc cao, với 1.600 giáo viên mầm non bỏ việc từ tháng 8/2023 - 4/2024, chiếm 22% tổng số giáo viên nghỉ việc.

Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với giáo viên trường dự bị đại học chưa công bằng so với giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú; hiện giáo viên trường dự bị đại học là 50% và giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 70%.

Nhân viên trường học chưa được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề, hiện nay, đa số các vị trí nhân viên áp dụng bảng lương của viên chức loại B hoặc A0 là hai bảng lương thấp nhất trong các bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, các vị trí viên chức thiết bị thí nghiệm, giáo vụ, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật chỉ có 1 hạng nên không có cơ hội để được thăng hạng chức danh nghề nghiệp và được áp dụng bảng lương có hệ số lương khởi điểm cao hơn, khoảng cách lương giữa các bậc dài hơn, dải lương rộng hơn; các vị trí nhân viên khác thực tế cơ hội để thăng hạng rất hiếm.

Những bất cập nêu trên làm giảm động lực gắn bó với nghề, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và sự ổn định của đội ngũ nhân sự ngành giáo dục.

Dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên việc kế thừa các quy định còn phù hợp, đồng thời điều chỉnh, bổ sung nhiều nội dung quan trọng. Dự thảo điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi theo nghề; trong đó: giáo viên mầm non tăng phụ cấp từ 35% lên 45% ở vùng thuận lợi và lên 80% ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Giáo viên trường dự bị đại học: nâng phụ cấp từ 50% lên 70%, ngang bằng với giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú.

Nhân viên trường học được bổ sung phụ cấp lần đầu tiên, với mức 15% cho các vị trí hỗ trợ, phục vụ (thư viện, văn thư...), 20% cho chức danh chuyên môn dùng chung (kế toán, y tế...) và 25% cho chức danh chuyên ngành.

Dự thảo Nghị định mới xác định mức phụ cấp dựa trên nhóm vị trí việc làm (hỗ trợ, chuyên môn dùng chung, chức danh nghề nghiệp chuyên ngành) kết hợp với cấp học, loại trường, địa bàn công; quy định cách tính cụ thể hơn, bao gồm cả hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) và cách tính cho người lao động không hưởng lương theo hệ số.

Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung quy định về thời gian không được tính hưởng phụ cấp và quy định về điều khoản áp dụng…

Theo Bộ GD&ĐT, dự thảo Nghị định không chỉ khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo và nhân viên giáo dục.

Bạn đọc xem toàn văn dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập TẠI ĐÂY

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-xuat-tang-uu-dai-cho-giao-vien-mam-non-nhan-vien-truong-hoc.702594.html
Zalo