Chìm dần… chợ nổi miền Tây - Bài 2: Những cử nhân lớn lên từ chợ nổi
Hơn 20 năm trước, thương hồ chợ nổi Cái Răng (thành phố Cần Thơ) vất vả thức khuya dậy sớm buôn chợ, ăn nên làm ra. Nhiều gia đình nhờ chiếc ghe lênh đênh buôn bán, làm thuê bám theo chợ nổi đã nuôi con vào đại học, thành tài.
Vang bóng một thời
Sáng sớm một ngày tháng 3/2025, bà Trịnh Thị Bé ngồi trên chiếc ghe bồng bềnh tại chợ nổi Cái Răng bán bún riêu. Chợ nổi này buổi sáng tấp nập nhất, nhưng thương hồ bám chợ mua bán, trao đổi hàng hóa ít, đa số khách du lịch tới lui, nên ghe tàu chủ yếu bán hàng cho khách du lịch.
Chợ duy trì được tới nay một phần cũng nhờ được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được xếp hạng trong nhóm (top) 10 chợ nổi ấn tượng nhất châu Á và thế giới, nên được địa phương đầu tư để bảo tồn, khách biết tiếng tìm tới.

Quang cảnh chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Hòa Hội
Bà Bé năm nay 65 tuổi, tóc đã bạc, mặt nhiều nếp nhăn, da đen bóng khi cả đời gắn với sông nước, lênh đênh theo chợ nổi. Chiếc ghe bán bún của bà Bé nhỏ xíu, neo phía cuối chợ nổi Cái Răng, vị trí để khách sau khi đã tham quan hết chợ nổi có thể ghé lại thảnh thơi ăn sáng ngay trên sông.
Bà Bé nhớ về 20 năm trước - thời hoàng kim của chợ nổi Cái Răng, khoảng 1km mặt sông tàu, ghe chở đầy nông sản neo san sát, phương tiện di chuyển cũng khó, có thể đi bộ giữa các ghe từ đầu tới cuối chợ. “Hồi đó, cứ khoảng 2h sáng bắt đầu nhóm chợ, người trao đổi mua bán ì xèo, tiếng máy xình xình, đèn chiếu rọi sáng bừng cả khúc sông.
Chợ tấp nập nên ai cũng vui, tôi chỉ chuyên bán đồ ăn sáng cũng kiếm được 500 - 700 nghìn đồng mỗi ngày, những người bán nước dạo, chạy đò… bám theo chợ nổi sống khỏe re. Giờ tàu, ghe về chợ giảm 80% so với trước, chủ yếu phục vụ khách du lịch, ngày tôi chỉ còn kiếm được 100 - 200 nghìn đồng, gọi là đủ sống qua ngày”, bà Bé nói.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Chưởng chạy chiếc ghe luồn lách điêu luyện xuyên qua các xà lan, tàu khách để bán cà phê từ đầu đến cuối chợ nổi Cái Răng. Bà năm nay 63 tuổi, tóc bạc trắng nhưng khỏe khoắn, luôn nở nụ cười chất phác chào khách. Chồng bà Chưởng được thương hồ chợ nổi Cái Răng đặt nghệ danh là nghệ sĩ Lý Hùng, ông có vẻ ngoài lãng tử và ngón nghề đờn ca tài tử rất mùi.
Hai vợ chồng chạy ghe bán nước dạo tại chợ, mỗi khi rảnh ông lại ôm đờn hát, cũng nhờ giọng ca của ông mà ghe trở nên hút khách, rồi ông bà sắm chiếc chẹt khoảng 30m2 đậu mé sông vừa làm nhà vừa bán nước, gắn thêm biển hiệu “Đờn ca tài tử Lý Hùng”.
Khách đến chợ nổi tham quan xong thường ghé chẹt ông bà để thưởng thức đờn ca tài tử, nhâm nhi ly cà phê, nên việc kinh doanh cũng thuận.
Tuy nhiên, chuyện đó của gần chục năm trước, giờ chiếc chẹt của vợ chồng bà Chưởng vẫn đậu mé sông, cũ kỹ, xuống cấp, bảng hiệu đờn ca tài tử Lý Hùng cũng gỡ tự bao giờ.
“Từ ngày chồng mất (khoảng 6 năm trước - PV), chợ nổi vắng dần, lại không còn tiếng đờn, giọng ca của chồng, nên tiệm cà phê cố định vắng khách, đành bỏ. Chẹt mục nát ở không an toàn nên tôi về trong quê ở Long Tuyền sống luôn tới giờ. Hằng ngày, cứ 4h sáng tôi chạy ghe ra đây bán cà phê dạo trên sông, trưa hết khách lại về nhà”, bà Chưởng giọng trầm buồn.
Đổi đời cho con cháu
Tầm hơn 8h, chợ nổi Cái Răng đã bắt đầu vãn khách du lịch, chợ bắt đầu vắng, ông Nguyễn Văn Núi ngồi thảnh thơi trên tàu của mình nhìn những du khách cuối cùng rời chợ. Ông Núi vừa bán hết 10 tấn dưa hấu sau cả tuần neo tàu ở chợ bán dần, ông có 1 ngày nghỉ ngơi để tối lại đưa tàu xuống vùng Trần Đề (Sóc Trăng) nhập hàng mới về bán tiếp.

Bà Trịnh Thị Bé bán bún riêu tại chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Hòa Hội
Hơn 20 năm về trước, 1 chuyến tàu 10 tấn dưa của ông Núi chỉ bán 1 - 2 hôm đã hết, tiền lời ít nhất 5 - 10 triệu đồng/chuyến. Giờ mỗi chuyến vậy ông phải bán có khi cả tuần mới hết, lời đã may, nhiều chuyến lỗ vốn 1 - 2 triệu đồng, dùng tiền lời chuyến khác bù lại.
Những ghe, tàu bán nông sản ở chợ nổi Cái Răng rơi tình cảnh như của ông Núi không hiếm, khi tàu khách du lịch tới chợ còn nhiều hơn tàu buôn, vì đường sông, chợ nổi không cạnh tranh được với đường bộ, chợ trên bờ.
Do đó, cuộc sống của thương hồ ngày càng khó khăn, đa số bỏ ghe lên bờ kiếm kế sinh nhai khác. Cách chợ nổi Cái Răng vài trăm mét, ngay gầm cầu Cái Răng là chợ Cái Răng trên bờ, người mua kẻ bán tấp nập cả ngày.
Nét đặc trưng vẫn được lưu giữ ở chợ nổi này là “cây bẹo”. Cây bẹo được làm từ chiếc sào dài cắm trên mũi ghe, tàu, trên đầu sào treo loại hàng mình bán, ghe bán xoài sẽ treo trái xoài trên đầu cây bẹo, tương tự các loại nông sản, hàng hóa khác. Người mua chỉ cần nhìn vào cây bẹo sẽ biết tàu, ghe bán loại hàng gì để tới mua, cùng với tiếng rao của người bán hàng.
Ông Núi năm nay 59 tuổi, từ huyện Phong Điền (Cần Thơ) ra chợ nổi Cái Răng làm ăn rồi cắm sào ở luôn đã ngót 30 năm nay.
Hai con ông, chỉ con cả theo nghiệp bố mẹ làm thương hồ, con út ông quyết lo cho ăn học nay đã sinh viên năm 3 ngành kỹ thuật ô tô, để tới lên bờ vì lênh đênh theo chợ nổi không còn là kế lâu dài.
“Dù chợ nổi giờ teo tóp, làm ăn khó khăn, nhưng nhờ chợ mới nuôi được con vào đại học. Con trai lớn muốn nối nghiệp mình không cản, nhưng không thể để 2 đứa đều bám chợ, nên phải quyết lo cho nó ăn học có nghiệp còn lên bờ ổn định lâu dài”, bà Đặng Thị Sánh (vợ ông Núi) ngồi cạnh chồng góp chuyện.
Rồi bà Sánh tự hào khoe đứa cháu cũng nhờ chợ nổi đã theo học thành tài, nay đi làm cán bộ ngân hàng.
Chúng tôi ghé sang bè nổi của chị Đặng Thị Mỹ Dung, con trai chị đã học xong đại học và lên bờ đi làm được 2 năm nay. Bè của gia đình chị Dung đã cắm sào ở chợ nổi Cái Răng mấy chục năm nay để ở, rồi sắm ghe nhỏ bán trái cây dạo, có khi chở khách du lịch, kinh tế khá lên sắm thêm tàu 10 tấn chuyên chở nông sản thuê cho các vựa trái cây trong vùng.

Vợ chồng chị Dung (bên phải) vui vẻ ngồi trò chuyện với bạn bè. Ảnh: Hòa Hội
“Hơn chục năm về trước chợ sung túc, gia đình tôi nhờ chiếc ghe nhỏ này buôn bán, chở khách ngày kiếm được ngót nghét cả triệu đồng. Nhờ đó, nuôi được con học hết đại học, nay có công việc ổn định, không còn phải nương vào chợ nổi ngày càng teo tóp”, chị Dung nói.
Dù chợ nổi Cái Răng đã thành điểm đến du lịch nổi tiếng ở đất Cần Thơ, nhưng cũng tương tự chợ nổi khác ở khắp miền Tây, chợ này cũng “chìm dần”. Để duy trì chợ nổi Cái Răng tới hôm nay, từ năm 2016, Cần Thơ đã triển khai Đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, sử dụng một phần ngân sách kết hợp với xã hội hóa. Hiện, lượng ghe tàu tại chợ nổi Cái Răng chỉ còn khoảng 200 - 250 chiếc, thời kỳ “hoàng kim” chợ này có cả nghìn ghe, tàu.
(Còn nữa)