Chiến sự Nga - Ukraine 17-5: Kiev tố Moscow tăng quân bất chấp đàm phán; Nga cáo buộc Anh phá hoại hòa đàm Ukraine

Chiến sự Nga - Ukraine ngày qua tiếp tục nóng với 115 trận giao tranh; Ác liệt chiến trường Donetsk; Ukraine mất liên lạc với một tiêm kích F-16.

Chiến sự Nga - Ukraine ngày quavẫn nóng trên chiến trường dù hai bên đã có cuộc đàm phán đầu tiên sau hơn 3 năm.

Kiev: Nga tăng cường quân bất chấp đàm phán hòa bình

. Hãng thông tấn Ukrinform dẫn thông tin từ Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine rằng trong ngày 16-5 có 115 cuộc giao tranh giữa hai bên trên tiền tuyến, trong đó có 49 trận giao tranh xảy ra ở TP Pokrovsk (tỉnh Donetsk).

Theo bộ này, lực lượng Nga đã phóng 1 tên lửa và thực hiện 47 cuộc không kích, thả 86 quả bom dẫn đường. Ngoài ra, hơn 1.000 máy bay không người lái (UAV) đã được sử dụng và 3.923 cuộc tấn công pháo kích đã được ghi nhận vào các vị trí của Ukraine và khu vực dân sự.

 Binh sĩ Ukraine tham chiến tại tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine) vào tháng 4. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Binh sĩ Ukraine tham chiến tại tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine) vào tháng 4. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

. Phát biểu tại Hội đồng NATO-Ukraine vào ngày 15-5, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi nói rằng Nga đã triển khai tới 640.000 binh sĩ để chiến đấu ở Ukraine.

“Moscow đã biến xung đột ở Ukraine thành một cuộc chiến tranh tiêu hao và đang sử dụng lực lượng kết hợp lên tới 640.000 quân” - ông Syrskyi nói.

“Quân đội của chúng tôi tiếp tục tiến hành chiến dịch phòng thủ hiệu quả, gây ra tổn thất đáng kể cho đối phương” - vị tổng tư lệnh nói thêm.

Theo ông Syrskyi, tổng số binh sĩ Nga tăng khi Moscow tiếp tục tăng cường hoạt động ở nhiều khu vực tiền tuyến.

Tờ Financial Times đầu tuần này dẫn lời các quan chức tình báo Ukraine rằng Nga dường như đang chuẩn bị một cuộc tấn công lớn vào Ukraine bất chấp việc hai bên đang tổ chức đàm phán hòa bình.

Ukraine mất liên lạc với 1 tiêm kích F-16

Không quân Ukraine cho biết đã mất liên lạc với 1 tiêm kích F-16 trong nhiệm vụ đẩy lùi cuộc tấn công trên không của Nga vào ngày 16-5, theo tờ Kyiv Independent.

Theo tuyên bố của Không quân Ukraine, phi công đã chuyển hướng máy bay ra khỏi khu vực đông dân cư và phóng ra ngoài, sau đó phi công được đội tìm kiếm cứu nạn tìm thấy.

Theo dữ liệu sơ bộ, phi công F-16 đã phá hủy 3 mục tiêu trên không của Nga và đang tấn công mục tiêu thứ tư bằng pháo máy bay. Sau một trường hợp khẩn cấp không xác định, liên lạc đã bị mất vào khoảng 3 giờ 30 sáng 16-5 (giờ địa phương), buộc phi công phải nhảy ra ngoài.

Không quân không cung cấp thêm thông tin chi tiết về địa điểm máy bay có thể rơi.

“Tình trạng của phi công rất khả quan, anh ấy an toàn và không gặp nguy hiểm đến tính mạng cũng như sức khỏe” - tuyên bố cho biết thêm.

Không quân Ukraine mất chiếc F-16 đầu tiên trong một vụ tai nạn vào tháng 8-2024, khiến phi công Oleksii Mes thiệt mạng. Một phi công F-16 khác là Pavlo Ivanov đã thiệt mạng trong một nhiệm vụ chiến đấu vào tháng 4 năm nay.

Ukraine chuẩn bị danh sách trao đổi tù binh

Ngày 16-5, đàm phán Nga-Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc với việc hai nước nhất trí trao đổi 1.000 tù binh mỗi bên.

Sau đàm phán, Phó Tổng cục trưởng Tình báo Quốc phòng Ukraine - ông Vadym Skibitskyi cho biết cơ quan này đã bắt đầu lập danh sách những người sẽ được trở về theo chương trình trao đổi “1.000 đổi 1.000”.

“Phía Nga đã đồng ý trao đổi hàng ngàn người. Bắt đầu từ hôm nay, chúng tôi đang lập danh sách những người sẽ được trả về quê hương. Chúng tôi có kinh nghiệm làm việc với phía Nga”- ông Skibitskyi nói.

Theo Kyiv Independent, trao trả tù binh là diễn biến tích cực hiếm hoi trong đàm phán Nga-Ukraine sau khi hai bên không đạt được thỏa thuận nào về lệnh ngừng bắn và Kiev phản đối các yêu cầu của Moscow về lãnh thổ.

Một nguồn tin từ Văn phòng tổng thống Ukraine xác nhận với Kyiv Independent rằng phái đoàn Nga đã yêu cầu Ukraine rút lui khỏi các tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson, mặc dù Nga chưa kiểm soát hoàn toàn bất kỳ tỉnh nào trong số này.

Nguồn tin cho biết “phái đoàn Ukraine cho rằng phái đoàn Nga không có thẩm quyền thực sự”.

“Bây giờ họ cần phải quay trở lại Moscow, chỉ để tìm ra điều họ có thể nói để đáp lại những gì họ nghe được ở đây” - nguồn tin nói.

Theo nguồn tin, trong các cuộc đàm phán, Ukraine đã đề xuất lệnh ngừng bắn ngay lập tức, trao đổi tù nhân toàn diện và tổ chức cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga chỉ trích thủ tướng Anh

Ngày 16-5, Đại sứ quán Nga tại Anh nói rằng tối hậu thư và lời đe dọa trừng phạt của Thủ tướng Anh Keir Starmer chỉ chứng minh rằng London muốn phá hoại việc giải quyết xung đột ở Ukraine, theo đài RT.

 Thủ tướng Anh Keir Starmer. Ảnh: GETTY IMAGES

Thủ tướng Anh Keir Starmer. Ảnh: GETTY IMAGES

Tuần trước, các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Ba Lan đã họp tại Ukraine và cảnh báo sẽ áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Nga nếu Moscow không đồng ý ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày bắt đầu từ ngày 12-5.

“Bây giờ, sau khi đã đưa ra tối hậu thư đó, chúng ta phải chuẩn bị thực hiện, bởi vì nếu Nga không ngồi vào bàn đàm phán, Tổng thống Putin phải trả giá. Rõ ràng là lập trường của Nga là không thể chấp nhận được, và không phải là lần đầu tiên” - ông Starmer nói tại một hội nghị của châu Âu ở Albania hôm 16-5.

Đáp lại, Đại sứ quán Nga tại London lưu ý rằng chính phủ Anh không tham gia vào các cuộc đàm phán giữa các bên tham chiến.

“Tuyên bố vội vàng của thủ tướng Anh cho rằng lập trường của Nga tại các cuộc đàm phán ở Istanbul là không thể chấp nhận được và gây ra sự hoang mang thực sự” - theo tuyên bố của đại sứ quán.

“Anh đứng sau mọi động thái leo thang của phương Tây, từ cung cấp vũ khí tấn công cho quân đội Kiev cho đến sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây chống lại dân thường ở sâu trong lãnh thổ Nga” - tuyên bố nói thêm, lưu ý rằng Anh là nước đầu tiên gửi tên lửa hành trình tầm xa trong nước đến Ukraine.

Theo Đại sứ quán Nga, việc Thủ tướng Starmer đưa ra phát biểu như vậy trong bối cảnh đàm phán đang diễn ra “rõ ràng là nhằm mục đích làm phức tạp hoặc phá hoại thỏa thuận”.

Đại sứ quán Nga cáo buộc Anh cũng đã phá hỏng các cuộc đàm phán hòa bình trước đây.

“London là bên đã nỗ lực đáng kể nhằm phá vỡ tiến trình đàm phán đầu tiên vào năm 2022 và sau đó duy trì xung đột ở mức cao” - theo tuyên bố.

Anh chưa bình luận về tuyên bố của Đại sứ quán Nga.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/chien-su-nga-ukraine-17-5-kiev-to-moscow-tang-quan-bat-chap-dam-phan-nga-cao-buoc-anh-pha-hoai-hoa-dam-ukraine-post850217.html
Zalo