Chiếc xe đạp của ba

Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng Ô Lâu hiền hòa, thơ mộng. Trong những tháng năm chiến tranh, quê tôi bị tàn phá nặng nề. Đất nước thống nhất, người dân rơi vào cảnh đói nghèo, cơ cực. Tôi là con thứ 6 và sau tôi còn 3 đứa em. Nhà đông con, ngoài vài sào ruộng khoán, đất khô được hợp tác xã phân chia để trồng lúa và hoa màu thì chẳng có nguồn thu nhập nào khác. Sống trong cảnh thiếu ăn, thiếu mặc nhưng ba tôi vẫn quyết tâm không để con cái thất học.

Gánh gồng trên vai cả đàn con nhỏ, ba mẹ tôi suốt ngày lam lũ. Tôi nhớ, năm 1980, lúc tôi 7 tuổi, ba mua được chiếc xe đạp cũ từ một người quen. Chiếc xe trở thành phương tiện đi lại và làm ăn của cả nhà. Trên chiếc xe đạp ấy, ba tôi ngược xuôi không biết bao nhiêu vòng để mưu sinh. Được người bạn ở xã khác cách nhà tôi 30 cây số cho thuê đất, trên chiếc xe cọc cạch, ba đèo mẹ đến trồng sắn; dăm ba ngày lại đạp xe xem sắn đã mọc chưa, rồi làm cỏ, bón phân. Mỗi mùa thu hoạch, ba lại chất vào bao, cột sau yên xe, chở 5 chuyến mới hết. Trời mùa hè, nhìn áo ba ướt đẫm mồ hôi, tôi thương ba vô cùng. Năm 1981, anh trai đầu trúng tuyển bộ đội lên đường nhập ngũ, chị gái lớn học xong lớp 9 nghỉ ở nhà giúp ba mẹ làm ruộng, chăn trâu, 7 anh chị em còn lại đều ở tuổi đi học. Mọi việc nặng trong nhà một mình ba cáng đáng.

Minh họa: Sỹ Hòa

Gò lưng trên từng vòng xe cọc cạch, ba chở anh em tôi đến trạm xá xã mỗi lần ốm đau; ba chở mẹ đi chợ chiều, chợ sáng để bán các loại rau màu, nông sản mua thức ăn cho cả gia đình. Tôi nhớ có lần, sang cánh đồng làng bên cắt cỏ về cho trâu, khi đang lúi húi cắt, ba bất ngờ bị chó cắn vào chân. Vết cắn khá sâu, có chảy máu. Ba nhai lá cỏ đắp lên vết thương rồi nhanh chóng cột cỏ lên xe, đạp về nhà. Tối hôm đó, ba lên cơn sốt. Cả nhà tôi rất lo lắng. Sợ gặp phải chó dại nên ba quyết định đạp xe vào trung tâm y tế thành phố để tiêm phòng. Ba dậy từ 5 giờ sáng đạp xe đi tiêm thuốc. Cả đi và về gần 100 cây số. Vậy mà ba vẫn kiên trì để tiêm thuốc cho đủ liều…

Quần quật suốt ngày, cơm vẫn không đủ ăn… Vậy mà chưa bao giờ tôi thấy ba to tiếng mắng nạt anh em tôi. Tính ba điềm đạm, chịu khó và giàu lòng thương người. Cả xóm tôi lúc đó chỉ có khoảng 5 nhà có xe đạp. Vì thế, mỗi lần nhà ai có việc cần đi xa và gấp, ba đều lấy xe đạp chở giúp.

Có một kỷ niệm khó quên đối với tôi những ngày gian khó bên ba. Đó là năm tôi học lớp 12 trường huyện, tôi đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Tỉnh mời học sinh và phụ huynh đến dự lễ phát thưởng. Giấy mời là 8 giờ. Trên chiếc xe đạp, ba và tôi thay nhau đạp và xuất phát từ 5 giờ sáng. Ba tính, từ nhà tôi đến trung tâm văn hóa tỉnh chừng 52 cây số, mất khoảng 2,5 tiếng đồng hồ. Nào ngờ, giữa đường, chiếc xe trở chứng, trật xích liên tục. Mỗi lần trật xích, hai ba con cho xe vào lề đường rồi ba đặt xích vào ổ đĩa. Bàn tay ba dính đầy dầu nhớt, vai áo ướt đẫm mồ hôi. Vào đến nhà văn hóa thì trễ 30 phút. Tôi chưa kịp ngồi thì đã nghe ban tổ chức đọc danh sách những học sinh tiếp theo và có tên mình. May quá… Từ trên sân khấu, tôi đưa mắt nhìn ba. Gương mặt lem luốc những vệt dầu nhớt chưa kịp lau của ba nhìn tôi nở nụ cười mãn nguyện, hai mắt ba ngấn lệ. Có lẽ, ba khóc vì vui mừng không để mất dịp quan trọng của con; ba khóc vì đang xúc động với thành tích học tập của một đứa học trò trường huyện như tôi…

Thời gian trôi qua, anh em tôi giờ đây đã lớn khôn, trưởng thành. Mẹ tôi đã mất, ba cũng gần 90 tuổi… Cuộc sống đổi thay nhiều nhưng có một điều, tuổi thơ tôi lớn lên cùng chiếc xe đạp của ba thì mãi đong đầy kỷ niệm. Chiếc xe ấy cũ kỹ, phai màu theo thời gian, vẫn được ba cất giữ như là kỷ vật. Mỗi lần trở về nhà, nhìn chiếc xe đạp, tôi lại nhớ như in tấm lưng ướt đẫm mồ hôi và những vòng xe tất bật của ba. Nhớ về những tháng ngày cùng ba đi qua cái thời thiếu đói để càng trân trọng hơn giá trị cuộc sống hiện tại.

Mỗi lần chông chênh trên đường đời, chính hình ảnh ba trên chiếc xe đạp năm xưa đã tiếp thêm động lực cho tôi. Tôi sẽ kể lại cho các con của mình những ngày gian khó mà nặng tình yêu thương thế nào, để các con tôi có thêm điểm tựa mà trưởng thành hơn trong nhịp sống đô thị hối hả này….

Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!

Trần Văn Toản

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/172438/chiec-xe-dap-cua-ba
Zalo