Chia sẻ tình yêu, niềm tự hào về Thủ đô
Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; trong đó, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh trong nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa tổ chức cuộc thi 'Sứ giả du lịch' cho học sinh trung học cơ sở. 100% trường đã tổ chức cuộc thi, từ đó chọn ra những nhân tố xuất sắc nhất tham gia chung kết cuộc thi của các quận, huyện.

Học sinh quận Long Biên tự tin thể hiện kiến thức về lịch sử, văn hóa Thủ đô trong cuộc thi.
Những em học sinh tự tin nói về văn hóa, lịch sử Thủ đô; vào vai những hướng dẫn viên du lịch chia sẻ với cộng đồng về những địa danh du lịch đáng tự hào của Hà Nội… khi tham gia cuộc thi nêu trên. Cuộc thi thu hút hàng nghìn học sinh trên khắp địa bàn thành phố tham gia, lan tỏa phong trào tìm hiểu về Thủ đô. Tình yêu, niềm tự hào về Thủ đô thân yêu từ đó được nhân lên.
Trong chương trình Chung kết cuộc thi “Sứ giả du lịch” do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm vừa tổ chức vào những ngày đầu tháng 4, Ban giám khảo và khán giả ngạc nhiên trước phần trình bày của học sinh các trường trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn. Ở phần thi “Xử lý tình huống”, khi nhận câu hỏi về giới thiệu cho khách du lịch các hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội truyền thống, các em học sinh đến từ đội Văn Minh đã khiến khán giả trầm trồ bởi phần trả lời bằng song ngữ Anh-Việt. Các em giới thiệu khái quát các hoạt động mua sắm, trang trí nhà cửa trước Tết; các phong tục trong ngày Tết và mùa lễ hội sau Tết. Ở mỗi nội dung, các em đều lồng ghép những địa danh du lịch trên địa bàn. Thí dụ như sắm Tết không thể không nói đến chợ Đồng Xuân, phố Hàng Mã; các phong tục nấu bánh chưng, cúng Giao thừa, phong tục chúc Tết, xông đất, mừng tuổi; ở những địa danh du xuân, các em giới thiệu chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn… Trong những hoạt động vui chơi ngày Tết, tham gia lễ hội, các em đều nói đến cách ứng xử văn minh nơi công cộng. Phần thi “Em làm hướng dẫn viên du lịch” cũng hấp dẫn không kém khi các em trình bày một cách tự tin, đầy cảm hứng về những địa danh du lịch của quận Hoàn Kiếm nói riêng, Hà Nội nói chung. Đặc biệt, các phần thi cập nhật những kiến thức mới về số hóa trên địa bàn Hoàn Kiếm như ứng dụng Ẩm thực Hoàn Kiếm, Du lịch Hoàn Kiếm…
Cuộc thi “Sứ giả du lịch” thu hút đông đảo các em học sinh quận Long Biên với 100% trường THCS trên địa bàn tham gia để chọn ra bốn đội lọt vào chung kết. Long Biên là địa bàn giàu truyền thống văn hóa, với hệ thống di tích, di sản dày đặc, trong đó có bốn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Múa hát Ải Lao, Lễ hội đình Lệ Mật, Lễ hội đình Trường Lâm, kéo co ngồi đền Trấn Vũ. Bởi thế, khi tham gia cuộc thi, các em học sinh có rất nhiều lựa chọn để giới thiệu. Học sinh đến từ đội Đông Đô chọn chủ đề trang phục truyền thống để từ đó nói lên lịch sử, văn hóa, ứng xử của người Hà Nội. Đội Hà Nội chọn nói về văn hóa Hà Nội thông qua hành trình trên một con tàu trở về truyền thống, qua đó giới thiệu di sản kéo co ngồi - một “đặc sản” văn hóa của Long Biên và một số nét văn hóa độc đáo khác…
Kết cấu của cuộc thi “Sứ giả du lịch” được đánh giá là đòi hỏi kiến thức khá sâu so với lứa tuổi các em học sinh, gồm bốn phần thi: Trò chơi dân gian, Tìm hiểu kiến thức về Hà Nội, Em làm hướng dẫn viên du lịch và Xử lý tình huống. Riêng phần thi Em làm hướng dẫn viên du lịch, các em có thể lựa chọn một trong các chủ đề: Lịch sử, danh lam-thắng cảnh, ẩm thực, trang phục truyền thống, làng nghề truyền thống, văn hóa truyền thống…
Để có thể thực hiện tốt phần thi trên sân khấu trực tiếp, các em vừa phải tìm hiểu kiến thức, vừa phải luyện tập công phu. Thay vì phần “Giới thiệu đội hình” như một số cuộc thi, phần thi Trò chơi dân gian được nhiều chuyên gia đánh giá là một sáng tạo của Ban tổ chức, giúp các em học sinh gắn bó hơn với văn hóa dân gian. Các địa phương tổ chức hiệu quả cuộc thi là các quận, huyện: Ba Đình, Hoàng Mai, Thanh Oai, Ứng Hòa…
Chia sẻ về ý nghĩa cuộc thi, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên Đào Thị Hoa cho biết: “Cuộc thi giúp các em có thêm hiểu biết, tự hào về lịch sử, văn hóa, danh nhân của Hà Nội; đồng thời, các em có cơ hội tham gia, tìm hiểu, trải nghiệm các trò chơi dân gian như: Kéo co, nhảy dây, đánh chuyền… và được đóng vai hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về Hà Nội, xử lý các tình huống giả định để góp phần xây dựng văn hóa, du lịch Hà Nội. Cuộc thi trang bị thêm cho các em kỹ năng cần thiết để bước tới tương lai”.