'Chìa khóa' nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc hiện đại, xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, cải tiến mẫu mã bao bì... là những giải pháp mà các chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Thiệu Hóa đang triển khai nhằm nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Quy trình tráng bánh tự động, làm ra sản phẩm bánh cuốn Nam Bình được xếp hạng OCOP 3 sao tại xã Thiệu Thành.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được triển khai tại huyện Thiệu Hóa đã phát huy hiệu quả trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Từ đó hình thành và phát triển các sản phẩm đặc trưng có giá trị kinh tế cao, có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong hành trình nâng tầm sản phẩm, các chủ thể đã áp dụng công nghệ, các quy trình sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường, từ đó hình thành nhiều mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, tạo chuyển biến rõ rệt cả về chất lượng sản phẩm lẫn quy mô sản xuất. Các chủ thể cũng xác định khoa học kỹ thuật (KHKT) chính là “chìa khóa” then chốt giúp các sản phẩm OCOP của huyện vươn xa, là một trong những điều kiện để sản phẩm được bày bán tại các siêu thị, hệ thống phân phối. Một số sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao trở lên đã tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng, như: cơm cháy Ánh Dương, dưa vàng Vạn Hà, gạo Vân Đài, bánh đa Ngọc Nhạn, trống đồng Toàn Linh, bánh lá Hoàng Hà...
Chia sẻ về quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm tỏi đen Suzin, chị Hoàng Thị Loan, ở thị trấn Thiệu Hóa, cho biết: "Ban đầu, khi tìm hiểu về quy trình lên men tỏi, tôi dùng nồi cơm điện ủ từ 12 đến 15 ngày. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất thủ công, tôi phải dành nhiều thời gian để điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm cho phù hợp, nếu không tỏi tươi sẽ không thành tỏi đen; không ít lần sản phẩm chất lượng kém, không tiêu thụ được. Vì vậy, khi sản phẩm được nhiều người biết đến và tiêu thụ nhiều hơn, tôi đã mạnh dạn đầu tư gần 2 tỷ đồng để lắp đặt 4 máy sấy lên men, sấy dẻo tự động, tủ mát bảo quản, quạt công nghiệp... Theo chị Loan, sử dụng hệ thống máy móc tự động tiết kiệm được chi phí thuê nhân công, thời gian sản xuất; nhất là nhiệt độ đã được cài đặt sẵn nên sản phẩm làm ra đạt chất lượng như nhau, những củ tỏi có vỏ chuyển màu nâu, tép tỏi màu đen tuyền, vị ngọt, chua dịu, dẻo và có hương thơm dễ chịu. Hiện nay, sản phẩm tỏi đen Suzin của chị Loan đã được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn tại các tỉnh Ninh Bình, Hà Nội... Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP với bao bì, tem mác đúng quy chuẩn, sản phẩm được huyện lựa chọn đưa vào tiêu thụ tại hệ thống Siêu thị The City.
Không chỉ riêng tỏi đen Suzin, nhiều chủ thể khác trên địa bàn huyện cũng đang tích cực ứng dụng KHKT vào sản xuất, từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến, đóng gói đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sự chủ động này không chỉ nâng cao chất lượng, mà còn giúp sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường hiện đại. Ông Đỗ Tuấn Nam, cơ sở sản xuất bánh cuốn Nam Bình được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao tại xã Thiệu Thành, cho biết: “Sau khi chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang áp dụng KHKT với máy tráng bánh tự động, máy xay bột..., cơ sở sản xuất của tôi đã giảm khá nhiều chi phí thuê nhân công tráng bánh. Bên cạnh đó, giải quyết được tình trạng khách hàng phải đợi lâu, không đủ sản phẩm để bán trong những dịp lễ, tết. Với quy trình được tối ưu hóa, bột làm bánh nhuyễn, mịn, bánh được tráng tự động đều, mỏng, mịn, hương vị không bị thay đổi, năng suất tăng gấp 10 lần”.
Hiện nay, huyện Thiệu Hóa có 31 sản phẩm OCOP, trong đó có 5 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, 26 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Ông Trịnh Đức Hùng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thiệu Hóa, cho biết: Sau khi xác định các sản phẩm có thế mạnh để định hướng xây dựng các sản phẩm OCOP, huyện đã khuyến khích các chủ thể ứng dụng KHKT, đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến... Đối với các sản phẩm đã được gắn sao, các chủ thể đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện kiểu dáng, bao bì sản phẩm... bảo đảm thị hiếu và nhu cầu của thị trường. Hằng năm, bên cạnh giám sát, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện còn chú trọng hướng dẫn các chủ thể quảng cáo, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, tham gia hàng chục hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, nhất là hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP và sản phẩm lợi thế của huyện vào hệ thống siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại...
Với sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, cùng sự chủ động, sáng tạo của các chủ thể, sản phẩm OCOP của Thiệu Hóa đang ngày càng khẳng định được vị thế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân.