Apple có kế hoạch ra mắt iPhone 2 lần mỗi năm?
Theo The Information, Apple đang lên kế hoạch chia nhỏ lịch ra mắt iPhone thành hai đợt mỗi năm, một thay đổi chiến lược có thể gây chấn động toàn bộ ngành công nghiệp smartphone.
Cuộc chơi mới đang được định hình?
Cụ thể, bắt đầu từ năm sau, Apple được cho là sẽ chỉ ra mắt các mẫu cao cấp iPhone 18 Pro và iPhone 18 Pro Max vào mùa thu như thường lệ (tức là khoảng tháng 9).
Trong khi đó, phiên bản iPhone 18 tiêu chuẩn và model kế nhiệm của dòng giá rẻ iPhone 16e sẽ được lùi lại tới mùa xuân năm sau. Đặc biệt, chiếc iPhone màn hình gập, vốn đã được đồn đoán từ lâu cũng có thể xuất hiện vào cùng thời điểm.
Nếu điều này trở thành sự thật, Apple không chỉ định hình lại chu kỳ sản phẩm của chính mình, mà còn buộc các đối thủ Android phải điều chỉnh lại các đợt ra mắt thiết bị chủ lực.
Hiện tại, các hãng như Samsung, Google hay Xiaomi thường chọn thời điểm ra mắt flagship vào khoảng tháng 2 - 3, hoặc căn sát thời gian Apple ra mắt iPhone để tối ưu hiệu ứng cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu iPhone được phát hành làm hai đợt, chiến lược “lên sóng cùng Apple” có thể trở nên rủi ro hơn bao giờ hết.
Các nhà sản xuất Android có thể sẽ buộc phải tránh đối đầu trực tiếp với Apple hoặc tranh thủ khoảng trống giữa hai đợt phát hành để tung sản phẩm nhằm tối ưu hiệu ứng truyền thông. Đây cũng là thời điểm mà các hãng sẽ phải tính toán lại nguồn lực R&D, chiến dịch marketing và cả lịch trình ra mắt phụ kiện, hệ sinh thái đi kèm.

Apple có thể chia thành 2 đợt ra mắt iPhone mỗi năm. Ảnh: TIỂU MINH
Apple có lợi thế gì khi thay đổi cuộc chơi?
Việc kéo dài chu kỳ truyền thông iPhone thành hai mùa phát hành giúp Apple duy trì sự chú ý của thị trường trong thời gian dài hơn, thay vì dồn toàn bộ vào đợt ra mắt tháng 9.
Về bản chất, đây là chiến lược làm mới thị trường, giữ cho dòng iPhone luôn hiện diện trong tâm trí người tiêu dùng, đồng thời tận dụng tối đa đà tăng trưởng ở cả mùa xuân lẫn mùa thu.
Hơn nữa, sự chia tách này còn giúp Apple linh hoạt hơn trong việc phân khúc người dùng: dòng Pro cho nhóm khách hàng sớm và chịu chi, còn dòng tiêu chuẩn và giá rẻ phục vụ nhóm đại trà vào thời điểm dễ tiếp cận hơn về giá cả.
Người dùng Việt được lợi gì?
Với người dùng iPhone tại Việt Nam, thay đổi này có thể mang đến nhiều lựa chọn linh hoạt hơn. Thay vì phải đưa ra quyết định vào tháng 9, thời điểm thường gắn với giá cao và hàng khan hiếm, người dùng có thể cân nhắc chờ đến mùa xuân để mua iPhone với mức giá “mềm” hơn hoặc chọn phiên bản phù hợp hơn với nhu cầu.
Khoảng trống giữa hai mùa iPhone cũng mở ra cơ hội cho các mẫu Android tầm trung và cận cao cấp, đặc biệt tại thị trường Việt Nam, nơi người dùng thường rất nhạy cảm với giá cả.

Chiến lược mới của Apple có thể khiến các hãng Android tái định hình lại kế hoạch sản xuất và ra mắt sản phẩm. Ảnh: TIỂU MINH
Nếu các hãng như Samsung, Xiaomi hay OPPO tận dụng tốt thời gian này để ra mắt sản phẩm, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn đáng giá.
Tuy nhiên, chiến lược mới của Apple cũng khiến người dùng khó đoán định thời điểm nên nâng cấp thiết bị. Trước đây, tháng 9 là cột mốc rõ ràng để chờ đợi iPhone mới. Giờ đây, thông tin bị phân tán thành hai đợt, đòi hỏi người mua phải cân nhắc kỹ càng hơn trước khi “xuống tiền”.
Việc iPhone màn hình gập được ra mắt vào mùa xuân có thể đánh dấu bước ngoặt lớn trong chiến lược thiết kế của Apple.
Điều này có thể khiến các hãng Android phải tái định vị phân khúc gập, vốn đang là lợi thế tạm thời của họ. Apple không thường là người đi trước về công nghệ phần cứng, nhưng lại rất giỏi biến nó thành tiêu chuẩn mới sau khi ra tay.
Nếu chiến lược chia đôi chu kỳ iPhone thành công, Apple sẽ không chỉ làm mới cách bán smartphone của riêng mình, mà còn tạo áp lực thay đổi lên toàn ngành di động. Sự cạnh tranh không còn xoay quanh một mùa cao điểm, mà sẽ kéo dài quanh năm với cường độ truyền thông cao, nhịp phát hành dày và yêu cầu đổi mới liên tục.