Chi tiết 'kế hoạch hòa bình' ở Ukraine của ông Trump
Nội dung của 'kế hoạch hòa bình' cho thấy Mỹ có thể gạt đối tác châu Âu sang một bên và nhượng bộ Nga để đẩy nhanh quá trình đàm phán.
Hôm 12/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin thực hiện cuộc điện đàm kéo dài khoảng một tiếng rưỡi. Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergey Naryshkin mô tả cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga là "sâu sắc và có ý nghĩa".
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tóm tắt cho đối tác NATO về những nội dung trong chính sách mới của Mỹ đối với Ukraine.
![Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). (Ảnh: Reuters)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_83_51475499/9d8664795637bf69e626.jpg)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). (Ảnh: Reuters)
Hành động này xảy ra sau vụ rò rỉ thông tin của trang tin tức trực tuyến strana.today thuộc quyền sở hữu từ phía Ukraine. Trang này đã công bố chi tiết "kế hoạch hòa bình 100 ngày" của Mỹ dành cho Ukraine vào tuần trước. Tuy nhiên, kế hoạch vẫn chưa được xác nhận chính thức.
Nhượng bộ lãnh thổ cho Nga?
Nếu thông tin rò rỉ từ strana.today là đáng tin cậy, thì lệnh ngừng bắn ở Ukraine sẽ có hiệu lực vào ngày 20/4. Nó sẽ đóng băng cuộc xung đột dọc theo tiền tuyến ở miền đông Ukraine, nhưng đòi hỏi Kiev phải rút toàn bộ quân đội khỏi khu vực Kursk của Nga.
Kế hoạch này dự kiến buộc Tổng thống Volodymyr Zelensky công nhận chủ quyền của Nga đối với vùng lãnh thổ ở Ukraine do Moskva giành được. Ông Zelensky nhiều lần bác bỏ yêu cầu này.
Tại cuộc họp của Nhóm liên lạc về các vấn đề quốc phòng của Ukraine diễn ra tại trụ sở NATO, ông Hegseth cho rằng việc quay trở lại biên giới trước năm 2014 của Ukraine, trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea là "mục tiêu không thực tế". Điều này, chỉ khiến "kéo dài cuộc xung đột và gây ra nhiều đau khổ hơn".
Vì vậy, rất có thể Mỹ sẽ kêu gọi Ukraine chính thức công nhận những vùng lãnh thổ mà nước này mất vào tay Nga.
Đóng cửa tư cách thành viên NATO?
Ông Hegseth nêu rõ bất kỳ nền hòa bình lâu dài nào cũng phải bao gồm "những đảm bảo an ninh vững chắc để cuộc xung đột không bắt đầu lại".
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, lực lượng này cần có sự hỗ trợ của "quân đội châu Âu và cả ngoài châu Âu". Trang tin strana.today cũng cho biết những lực lượng này sẽ giám sát vùng đệm phi quân sự dọc theo tiền tuyến sau khi lệnh ngừng bắn đạt được.
Ông Hegseth nhấn mạnh thêm Mỹ không "tin tư cách thành viên NATO của Ukraine là kết quả thực tế đối với giải pháp đàm phán" và gợi ý nếu quân đội "triển khai với tư cách lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine tại bất kỳ thời điểm nào, họ nên được triển khai như một phần của nhiệm vụ không thuộc NATO". Ông không giải thích thêm về việc điều này.
Nếu kế hoạch này chính thức thông qua, Ukraine có thể hướng tới sự trung lập nghiêm ngặt trong tương lai.
Ông Trump có "mối quan tâm thực sự" đến hòa bình
Sau cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ với người đồng cấp Nga, ông Trump bày tỏ mong muốn tham gia vào mọi cuộc đàm phán hòa bình.
Tổng thống Zelensky cho biết họ đã có "cuộc đàm phán rất thực chất" và bày tỏ lòng biết ơn đối với "mối quan tâm thực sự" của Tổng thống Mỹ về "cách chúng ta có thể hợp tác để mang lại hòa bình thực sự gần hơn".
![Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ 3.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_83_51475499/19b9e546d7083e566719.jpg)
Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ 3.
Theo thông tin chi tiết bị rò rỉ trên strana.today, cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa ông Putin và ông Zelensky dự kiến diễn ra vào ngày 1/3.
Tổng thống Trump muốn thiết lập hội nghị hòa bình quốc tế trong tương lai gần và sắp xếp kế hoạch hòa bình do cường quốc toàn cầu nổi bật làm trung gian.
Điện Kremlin cho biết ông Putin và ông Trump cũng đồng ý gặp nhau và nhà lãnh đạo Nga mời ông Trump đến thăm Moskva. Tổng thống Trump nói cuộc gặp đầu tiên của họ sẽ sớm diễn ra tại Ả Rập Xê-út.
Mỹ gạt EU ra ngoài lề
Các đối tác NATO của Mỹ dường như không quá bất ngờ trước hành vi mới nhất của ông Trump. Họ hy vọng chi tiết về "kế hoạch hòa bình" của chính quyền Mỹ dành cho Ukraine sớm tiết lộ và thảo luận tại Hội nghị An ninh Munich, bắt đầu vào ngày 14/2.
Tại Liên minh châu Âu (EU) cũng như tại thủ đô Kiev của Ukraine, ngày càng có nhiều lo ngại cuộc đàm phán trong tương lai về kế hoạch hòa bình lâu dài cho Ukraine sẽ bỏ qua EU và quốc gia này.
Theo strana.today, EU được yêu cầu chi trả phần lớn chi phí tái thiết sau cuộc xung đột, lên tới gần 500 tỷ USD nhưng không rõ EU có bao nhiêu tiếng nói chính trị trong vấn đề này.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho hay châu Âu không nên bị ép "ngồi vào bàn của trẻ con". Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cũng cảnh báo về việc đưa ra những quyết định "trên đầu Ukraine".
Chuyên gia chỉ trích "kế hoạch hòa bình" của Mỹ
Nhiều chuyên gia an ninh phương Tây và Ukraine chỉ trích "kế hoạch hòa bình" bị rò rỉ và lập trường công khai của Mỹ. Chuyên gia quân sự người Đức Carlo Masala nói với tờ báo Bild rằng ông Putin thực sự "chiến thắng trong cuộc xung đột này", vì ông ấy đã "thành công trong việc khiến Mỹ rút khỏi cuộc xung đột".
Trong khi đó, nhà cựu ngoại giao Nga Boris Bondarev chỉ trích ông Trump muốn "kết thúc cuộc xung đột nhanh chóng bằng cách trao cho ông Putin những gì ông ấy muốn". Ông Bondarev nói thêm Tổng thống Mỹ và những đồng minh thân cận "không biết gì về ông Putin".
Hạn chót để hoàn tất "kế hoạch hòa bình" diễn ra vào ngày 9/5. Đây cũng là ngày diễn ra lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít tại Nga.