Chị em học làm món ăn theo hướng dẫn của Hải Thượng Lãn Ông

Phụ nữ Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã khéo léo biến những món ăn dân dã trong cuốn 'Nữ công thắng lãm' của Đại danh y Lê Hữu Trác thành các món ngon bổ dưỡng, mang đậm hương vị quê hương.

“Nữ công thắng lãm” là tác phẩm được Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác viết vào năm 1760 nhưng phải đến năm 1971 mới được ông Lê Trần Đức (Viện Nghiên cứu Đông y) dịch phiên âm và phụ giải, Nhà Xuất bản Phụ nữ xuất bản. Quyển sách chỉ mới xuất bản được phần chế biến món ăn cổ truyền, còn phần về ngành nghề mà phụ nữ nông thôn thường làm như: trồng dâu, nuôi tằm, chăn nuôi, dệt vải... đã bị thất lạc.

 Cuốn sách "Nữ công thắng lãm" của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác do Nhà Xuất bản Phụ nữ phát hành.

Cuốn sách "Nữ công thắng lãm" của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác do Nhà Xuất bản Phụ nữ phát hành.

Trong tác phẩm đã xuất bản có tổng cộng 152 món ăn được Đại danh y Lê Hữu Trác ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ, trong đó nhiều nhất là các món bánh với 82 loại, mứt 35 loại, xôi 16 loại, đồ ăn chay và tương mỗi thứ 9 loại. Phần lớn các món ăn đều được Hải Thượng Lãn Ông hướng dẫn cụ thể từ việc lựa chọn nguyên liệu ban đầu, cách sơ chế, tẩm ướp, vệ sinh, bảo quản...

Với các món ăn, Hải Thượng Lãn Ông cũng đề cập tới phương thức chế biến, hầu hết đều dễ làm và rất khoa học, có tính đại chúng cao. Nguyên liệu để làm ra các sản phẩm đều là những thứ gần gũi, gắn bó mật thiết với cuộc sống hằng ngày như lúa, ngô, khoai, sắn, đậu, lạc, vừng... Đặc biệt, trong “Nữ công thắng lãm”, các món ăn được Lê Hữu Trác ghi chép rất đa dạng, phong phú, ngoài những món ăn bản địa của vùng đất Hương Sơn thì cũng có cả những món ăn của các địa phương khác như cơm lam, cốm vòng, tương Nhật Bản...

Từ những giá trị mà cuốn sách “Nữ công thắng lãm” mang lại, vừa qua, Hội LHPN huyện Hương Sơn đã tổ chức hội thi chế biến các món ăn cổ truyền gắn với các vị thuốc. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi kỷ niệm 300 năm ngày sinh Đại danh y Lê Hữu Trác.

 Các đội dự thi đều chỉn chu trong việc lựa chọn nguyên liệu, tỉ mỉ, công phu trong chế biến các món ăn.

Các đội dự thi đều chỉn chu trong việc lựa chọn nguyên liệu, tỉ mỉ, công phu trong chế biến các món ăn.

Với yêu cầu các món ăn phải đúng theo phong cách cổ truyền Việt Nam, 11 đội thi đến từ Hội LHPN các xã, thị trấn và Hội Phụ nữ Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại tổng hợp Quý Gia đã tìm hiểu kỹ cuốn sách “Nữ công thắng lãm”. Từ đó, lên thực đơn chỉn chu với các món ăn được kết hợp giữa ẩm thực truyền thống và các vị thuốc bồi bổ sức khỏe. Nguyên liệu chế biến được các đội sử dụng chủ yếu là sản phẩm hữu cơ, sản phẩm OCOP, đặc sản truyền thống của địa phương.

 Mâm cơm của đội Hải Thượng giành giải nhất hội thi.

Mâm cơm của đội Hải Thượng giành giải nhất hội thi.

Chị Nguyễn Thị Minh Tâm - Đội trưởng đội Hải Thượng (Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại tổng hợp Quý Gia) chia sẻ: “Sau khi đọc và tìm hiểu về cuốn “Nữ công thắng lãm” của Hải Thượng Lãn Ông, chúng tôi đã mang tới hội thi thực đơn gồm 8 món mặn và 1 món tráng miệng. Tất cả các món ăn đều được làm từ những sản vật quê hương như: gà nướng bùn khoáng, chân dê hầm đinh lăng, cá mát kho sung… Với cách chế biến khéo léo, tỉ mỉ, chú trọng hương vị, màu sắc, mâm cơm của đội thi Hải Thượng đã may mắn giành giải nhất”.

Trong cuốn sách “Nữ công thắng lãm”, Hải Thượng Lãn Ông đã thể hiện sự tỉ mỉ, am tường trong các khâu chế biến món ăn truyền thống. Đặc biệt, hầu như mọi sản phẩm khi chế biến đều luôn được Đại danh y Lê Hữu Trác nhấn mạnh phải vệ sinh sạch sẽ, bảo đảm an toàn cho người dùng. Từ tinh thần đó, những mâm cơm của các đội thi không chỉ đáp ứng yêu cầu ngon, đẹp mắt mà trên hết đều được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 Mâm cơm chay của đội Hương vị tình thân đạt giải nhì tại hội thi.

Mâm cơm chay của đội Hương vị tình thân đạt giải nhì tại hội thi.

Chị Nguyễn Thị Huyền - Chủ tịch Hội LHPN xã Quang Diệm cho biết: “Tham gia hội thi, đội Hương vị tình thân (gồm xã Quang Diệm, Sơn Giang, Sơn Lĩnh) đã mang tới mâm cơm chay với nhiều món như: giò chay, sườn chay, đậu phụ sốt cà chua, mít kho… Các nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng, kết hợp hài hòa để tạo nên những món ăn không chỉ ngon miệng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn có tác dụng tốt cho sức khỏe, thể hiện đúng tinh thần của cuốn sách “Nữ công thắng lãm”.

 Những mâm cơm được các đội thi chế biến tỉ mỉ, hấp dẫn, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Những mâm cơm được các đội thi chế biến tỉ mỉ, hấp dẫn, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cụ thể hóa những món ăn trong cuốn sách “Nữ công thắng lãm” bằng việc tổ chức hội thi chế biến các món ăn cổ truyền gắn với các vị thuốc, Hội LHPN Hương Sơn đã tạo ra một sân chơi bổ ích cho chị em, giúp mọi người có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và cùng nhau nâng cao chất lượng bữa ăn gia đình.

Đồng thời, thể hiện niềm tự hào về sự khéo léo, đảm đang của phụ nữ Việt Nam khi phát huy giá trị văn hóa ẩm thực cổ truyền. Đặc biệt, giúp hội viên phụ nữ và người dân hiểu rõ hơn về tấm lòng của Hải Thượng Lãn Ông đối với các món ăn dân dã và thể hiện cái nhìn tiến bộ, văn minh, nhân đạo của Đại danh y dành cho người phụ nữ.

Việc tìm hiểu và chế biến các món ăn cổ truyền không chỉ là cách để hậu thế tưởng nhớ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác mà còn là cơ hội để truyền dạy những giá trị truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Hy vọng rằng, từ những hoạt động này, mỗi gia đình sẽ có bữa cơm ấm cúng, nơi các thành viên cùng nhau chia sẻ các câu chuyện về văn hóa dân tộc, qua đó, cùng nỗ lực, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước.

Chị Uông Thị Kim Yến - Chủ tịch Hội LHPN huyện Hương Sơn

Anh Thùy

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/chi-em-hoc-lam-mon-an-theo-huong-dan-cua-hai-thuong-lan-ong-post279371.html
Zalo