Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần

Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 17-23/5/2025.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN

Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân

Chính phủ có Nghị quyết số 138/NQ-CP ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Nghị quyết yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân; đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân; tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân.

Triển khai một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân

Chính phủ có Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 17/5/2025 ban hành Kế hoạch của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Nhằm khẩn trương triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, cạnh tranh, phá sản doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, thuê nhà, đất là tài sản công; hỗ trợ tài chính, tín dụng; hỗ trợ thuế phí, lệ phí…

Chương trình hành động thực hiện đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 17/5/2025 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết số 66-NQ/TW, Chương trình đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó thực hiện: Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật; tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật…

Chiến lược tổng thể quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống

Chính phủ có Nghị quyết 147/NQ-CP ngày 22/5/2025 ban hành Chiến lược tổng thể quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống. Từng bước xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia có khả năng quản trị hiệu quả các đe dọa này, bảo đảm an toàn cho người dân và xã hội; tích cực, chủ động đưa ra ý tưởng, mô hình... để thúc đẩy hợp tác quốc tế và có đóng góp thiết thực, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong giải quyết các đe dọa an ninh phi truyền thống; góp phần phát triển đất nước bền vững, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Chống buôn lậu, hàng giả: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Chỉ thị nêu rõ, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là công việc rất quan trọng, mang tính lâu dài, cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu cấp ủy các cấp, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là Nhân dân. Nhân dân phải là trung tâm bảo vệ, là chủ thể cùng đấu tranh, phải huy động sức mạnh từ Nhân dân để tạo thành phong trào. Hệ thống tổ chức chính trị ở cơ sở đóng vai trò quyết định; chính quyền cơ sở là nòng cốt trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Công tác này cần phải làm thường xuyên, toàn diện, liên tục, không ngừng nghỉ với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền gắn với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký Công điện số 67/CĐ-TTg ngày 19/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Công điện yêu cầu rà soát tổng thể các luật chuyên ngành, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công để đề xuất phương án phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền cho chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp; thời hạn hoàn thành: ngày 19/5/2025.

Đồng thời, xây dựng các dự thảo Nghị định để thực hiện phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền; thời hạn hoàn thành: ngày 19/5/2025. Lấy ý kiến các địa phương và hoàn thiện gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước ngày 25 tháng 5 năm 2025.

Thủ tướng chỉ đạo triển khai sắp xếp, xử lý trụ sở, cơ sở vật chất khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 68/CĐ-TTg ngày 20/5/2025 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương triển khai sắp xếp, xử lý trụ sở, cơ sở vật chất khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động thực hiện sắp xếp, điều hòa các cơ sở nhà, đất trong nội bộ Bộ, cơ quan trung ương, địa phương để bảo đảm trụ sở làm việc cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong quá trình thực hiện tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; hoàn thành trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính được phê duyệt...

Thủ tướng yêu cầu 100% TTHC liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 69/CĐ-TTg ngày 22/5/2025 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung hoàn thành rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả, minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; tổ chức triển khai thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh, hoàn thành trong năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ ở Bắc Bộ

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 23/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ ở Bắc Bộ.

Công điện yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo, tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ, cảnh báo, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, thiên tai cho các Bộ, ngành, địa phương và Nhân dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó.

Các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng theo dõi sát tình hình, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp để chủ động ứng phó thiên tai; tuyệt đối không được để xảy ra gián đoạn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với thiên tai khi thực hiện việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững.

Để chủ động ứng phó với những khó khăn, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm sản xuất, xuất khẩu sầu riêng ổn định, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tập trung chỉ đạo sản xuất sầu riêng theo Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, bảo đảm cung cầu, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Tích cực thực hiện đàm phán mở cửa các thị trường khác cho sản phẩm sầu riêng của Việt Nam.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, bảo đảm công khai, minh bạch, khả thi, thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam; hướng dẫn quy trình sản xuất sầu riêng an toàn, bền vững (hoàn thành trong quý III/2025)...

Giảm thuế xuất khẩu clanhke xi măng xuống 5%

Theo Nghị định số 108/2025/NĐ-CP ngày 19/5/2025 của Chính phủ, mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clanhke xi măng được giảm từ 10% xuống còn 5% trong thời gian từ nay đến hết năm 2026 nhằm hỗ trợ ngành xi măng trong nước đang gặp nhiều khó khăn.

Cơ cấu tổ chức mới của Thanh tra Chính phủ sau sắp xếp

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2025/NĐ-CP ngày 20/5/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.

Theo quy định, Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ gồm 22 đơn vị trong đó 20 đơn vị hành chính, giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước; 2 đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ.

Quy định về Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 110/2025/NĐ-CP ngày 21/5/2025 quy định Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo Nghị định 110/2025/NĐ-CP, Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình là tập hợp thông tin về nội dung quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 46 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Nội dung thông tin quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình được cập nhật thường xuyên, liên tục vào Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các cấp tổ chức vận hành phần mềm quản lý Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình phục vụ cho hoạt động thu thập, tạo lập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật.

Sửa đổi cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2025/NĐ-CP ngày 22/5/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong đó, Nghị định số 111/2025/NĐ-CP sửa đổi quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3).

Về trích lập Quỹ bổ sung thu nhập và chi thu nhập tăng thêm của đơn vị nhóm 3, theo quy định mới tại Nghị định số 111/2025/NĐ-CP: Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định và tiền lương theo hợp đồng lao động (nếu có).

Về trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi, Nghị định số 111/2025/NĐ-CP quy định mức trích tổng hai quỹ như sau:

Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 2,5 tháng tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân thực hiện trong năm của đơn vị;

Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 2 tháng tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân thực hiện trong năm của đơn vị;

Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 1,5 tháng tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân thực hiện trong năm của đơn vị.

Trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ phát triển KHCN, chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức

Quyết định số 970/QĐ-TTg ngày 19/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý bao gồm: trách nhiệm trong công tác quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; trách nhiệm trong công tác xây dựng, kiện toàn nhân lực thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý; trách nhiệm đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.

Mây Hạ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-noi-bat-tuan-419695-419695.html
Zalo