Niềm vui, nỗi buồn ở các khu định canh định cư

Phải hình thành các khu định canh định cư giúp người dân ổn định cuộc sống, có của ăn của để. Đó là trách nhiệm của các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh phải lo, phải trăn trở.

NIỀM VUI, NỖI BUỒN Ở CÁC KHU ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ

(Báo Bình Phước, 15-10-1997)

Phóng sự điều tra: ĐOÀN PHÚ - CẨM DINH

Không có chiếc thảm gấm trải ra đón nhận dân di cư tự do, du canh du cư, kinh tế mới. Chỉ có đất, có rừng, có suối sâu đón họ đến an cư lạc nghiệp. Buồn thay, nay đất dành cho họ đã hết, rừng bị cấm, suối sâu biến thành suối cạn. Thế là đất “hết lành” dân “bản địa” lao đao, dân mới đến khốn đốn. Phải hình thành các khu định canh định cư giúp người dân ổn định cuộc sống, có của ăn của để. Đó là trách nhiệm của các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh phải lo, phải trăn trở. Khảo sát các khu định canh định cư (ĐCĐC) trong 5 huyện, chúng tôi thấy nhiều niềm vui, và cũng không ít cái buồn.

MẸ ÂU CƠ BIẾT CHĂNG?

Bình Phước có diện tích đất tự nhiên 6.813,7km2, trong đó đất nông nghiệp 219.320 ha (chiếm 31,8%), đất lâm nghiệp 328.900 ha (chiếm 47,28%), đất rừng 219.122 ha. Với 560 ngàn người, mật độ dân số trung bình ở Bình Phước là 81 người/km2. Đồng bào dân tộc thiểu số ĐCĐC từ 5-10 năm, hoặc mới đến từ Cao Bằng, Thái Nguyên… hiện nay có 111.842 người, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh.

Với quỹ đất dồi dào, Bình Phước có khả năng tăng diện tích cao su lên 65 ngàn ha, điều 70 ngàn ha, lúa nước 56 ngàn ha… Nhưng thật ra, Bình Phước như miếng bột được chiên mỡ cho thơm, cho hấp dẫn người đói bụng. Còn rất nhiều diện tích đất bưng biền chưa được tận dụng, đất trống đồi trọc, đất cỏ tranh. Thời tiết mấy năm trở lại đây thay đổi đột ngột, nông dân liên tiếp mất mùa, cây trồng không những năng suất thấp lại thêm sản phẩm không có lối ra. Nông dân Bình Phước kêu đói rải rác ở các xã: Tân Lập, Đồng Tâm (Đồng Phú), Đức Hạnh (Phước Long), Đăng Hà (Bù Đăng). Nơi ít cũng 7-8% dân số đói. Số hộ nghèo, thiếu ăn tăng khoảng 2-4%. Trong khi đó, làn sóng di dân vào Bình Phước vẫn tăng nhanh: năm 1995-1996 tăng 9.370 hộ với 40.540 nhân khẩu; 6 tháng đầu năm 1997 tăng 600 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 35% số dân di cư tự do vào Bình Phước. Trước dòng người đổ vào Bình Phước vô tội vạ, tăng thêm gánh nặng về kinh tế - xã hội, gây ra nạn phá rừng làm rẫy, đốt than… tỉnh đã có chính sách ĐCĐC cho hơn 15.000 hộ với 30.000 lao động theo chính sách giãn dân (trước năm 1990), thành lập các khu kinh tế mới, khu ĐCĐC… cho hơn 3.948 hộ với tổng số 18.950 nhân khẩu (từ 1990-1996). Đã có nhiều chính sách được ban hành, nhiều chục tỷ đồng được bỏ ra để xây dựng đường giao thông, trạm y tế, trường học… Vậy mà, Bình Phước vẫn chưa hết gánh nặng phải làm nhằm cải thiện đời sống cho hơn 24.058 hộ với 108.458 nhân khẩu di dân tự do trong 6 năm (1990-1996). Trước vấn nạn này, anh Nguyễn Duy Kim, Phó cục trưởng Cục ĐCĐC đã nói: Chưa ăn nhằm gì, những năm tới, làn sóng di dân sẽ tăng thêm. Chúng tôi phải mở thêm các khu ĐCĐC mới, thực hiện chiến dịch tấn công vào đất trống, đồi trọc, đất bưng biền ven suối… Hiện tại, chúng tôi chỉ dừng ở con số 8 khu ĐCĐC, ổn định được 6.280 hộ và tiếp nhận lao động ngoài tỉnh đến 421 hộ với 1.657 nhân khẩu. Riêng đối tượng là đồng bào dân tộc Sê-tiêng, Tày, Nùng… đã được ĐCĐC 11.032 hộ với 59.131 nhân khẩu, hiện còn du canh du cư 2.479 hộ, 12.209 người. Số hộ chưa được ĐCĐC, theo chúng tôi được biết còn rất nhiều, chiếm trên 50% trong tổng số đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Phước. Hiện tại đời sống của họ ra sao?

NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY…

Chúng tôi đến thăm khu ĐCĐC của đồng bào dân tộc Sê-tiêng ở thôn Thuận Tiến (Thuận Lợi - Đồng Phú). Ở đây có rất nhiều đồng bào xây được nhà ngói dạng bán kiên cố, trong nhà có tivi, có xe gắn máy; vườn tược vài ba mẫu cao su, cà phê, điều, cây ăn trái, dăm con trâu, con bò. Già làng Điểu Khuynh giàu nhất, nhà có 1 chiếc xe Dream, có nhiều rẫy, vườn, và nhiều bò nhất thôn. Điểu Xét (Đổng Búa) biết cách làm ăn nên khấm khá, cho con đi học, thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/năm. Ngược lại, Thị Nắc, Lô Lô đói kém, chạy gạo từng bữa. Họ là những người nghèo nhất thôn, sống khổ nhất. Đỡ buồn cho họ là có gần 20% số hộ đói nghèo tại Thuận Tiến hiện nay đang chờ trợ cấp. 3 khu ĐCĐC: Thuận Lợi, Bưng C (Tân Thành), và xã Đồng Tâm, được đánh giá là khu ĐCĐC đầy triển vọng. Vậy mà trên đường đến thăm các khu ĐCĐC này, chúng tôi bắt gặp nhiều trẻ nhỏ suy dinh dưỡng bụng ỏng đít beo, áo quần cũ rách, trố mắt nhìn xe qua. Vẫn còn “cái bụng chưa no” trong số 12.000 đồng dân tộc Khơ-me, Sê-tiêng… ở Đồng Phú và vẫn còn nhiều trẻ em mù chữ, khát học.

Phải làm thế nào để đồng bào đỡ khổ hơn? Anh Trần Bá Long, Trưởng phòng ĐCĐC của huyện Đồng Phú cho biết: Ngoài nguồn vốn Nhà nước cho vay trồng cây công nghiệp, chăn nuôi, chúng ta phải tìm “đầu ra” cho cây trồng và công tác khuyến nông phải tốt. Phải nói cho đồng bào bỏ cho được cái tính ỷ lại hoặc được giao vốn nhưng không ưng thì làm qua loa.

Còn anh Nguyễn Công Chuyên, Trưởng phòng ĐCĐC Phước Long, có ý kiến rằng: Vốn đầu tư cho các dự án phải đồng bộ, người dân được vay theo thời hạn cây trồng cho thu hoạch. Đất quy hoạch cho các khu ĐCĐC phải có sự thống nhất với đất lâm trường, xã, dân cư địa phương. Đừng để chuyện lỡ rồi nhùng nhằng kéo dài không giải quyết xong như khu ĐCĐC Bình Thắng, Long Hà (Phước Long). Cục trưởng ĐCĐC Hà Văn Thành nêu khái quát: Chúng tôi lo như vậy là hết mức, vì nguồn vốn có hạn. Cục cũng chỉ là người thừa hành, còn cấp trên nữa là tỉnh, bộ. Anh nhắc lại: Dân kêu khổ, nghèo chúng tôi biết và làm hết sức mình, nhưng nguồn vốn có hạn. Chính vì vậy, vẫn còn một số hộ dù đã được ĐCĐC vẫn bỏ đất, để du canh du cư, có hộ ĐCĐC nhưng không có đất sản xuất phải đi rừng đốt than, làm thuê, đi hái măng bán, chạy ăn từng bữa. Điển hình như đồng bào dân tộc thiểu số ở Phước Long đến mùa giáp hạt có hơn 64,2% hộ thiếu ăn. Năm nay cái đói không dừng ở người nghèo, mà có thể chuyển sang đối với các hộ trung bình, những năm trước còn tạm đủ ăn. Phần vì cây trồng thất vụ, sâu bệnh, không biết bán hoặc bán với giá lỗ; đất trồng không còn màu mỡ nữa, và cũng hiếm dần; phần do sinh đẻ nhiều. Hơn nữa, làn sóng di dân vào các buôn sóc, bưng biền ven suối khai hoang, lập vườn đã lấy đi phần nào sự ưu đãi của thiên nhiên.

THỬ BÀN HAI GIẢI PHÁP

Giải pháp của Phước Long là từ nay đến năm 2000 là hình thành mô hình nông thôn kết hợp với kinh tế vườn, khu ĐCĐC cụm xã, liên xã, để mỗi hộ dân có vườn, có đất sản xuất gần nhà, thuận đường giao thông, điện, gần trạm y tế, trường học. Tuy vốn đầu tư lớn nhưng ưu điểm là đưa đồng bào gần với cuộc sống cộng đồng dân cư nông thôn, gắn bó với mảnh đất, khu vườn của mình. Cái khó khăn trước mắt đối với tỉnh nghèo là nguồn vốn ngân sách đầu tư có thỏa đáng, có kịp thời hay không? Cái khó nữa là do phong tục, tập quán của đồng bào thiểu số, trình độ dân trí thấp, không tiếp cận kịp với những cái mới.

Giải pháp thứ hai là từng bước hình thành khu ĐCĐC cho các hộ dân sống rải rác trong rừng, buôn sóc hẻo lánh, tập hợp họ lại để giúp họ vốn, cách làm ăn, mở mang đường giao thông, đưa điện và đưa chữ đến giúp họ. Từng bước hình thành các khu ĐCĐC quy mô nhỏ, hoặc các khu kinh tế mới giữa dân di cư và dân địa phương.

Giải pháp nào cũng có lối ra ưu việt. Nhưng quyết định trên hết vẫn là đồng vốn đầu tư, và sự “cầm cân nảy mực” của những cán bộ đầu ngành trong quá trình dẫn dắt nghèo đi lên để họ đỡ khó, đỡ khổ.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/173150/niem-vui-noi-buon-o-cac-khu-dinh-canh-dinh-cu
Zalo