Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/4/2025

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/4/2025.

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP ngày 29/4/2025 quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.

Nghị định này quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (gọi là Cơ chế thử nghiệm) đối với việc triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới thông qua ứng dụng giải pháp công nghệ (gọi là giải pháp công nghệ tài chính).

Các giải pháp công nghệ tài chính (viết tắt là giải pháp Fintech) được tham gia thử nghiệm tại Cơ chế thử nghiệm bao gồm: a) Chấm điểm tín dụng; b) Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); c) Cho vay ngang hàng.

Đối tượng áp dụng gồm: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (không áp dụng đối với điểm c nêu trên); các công ty công nghệ tài chính; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khách hàng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến Cơ chế thử nghiệm.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng

Theo Nghị định, mục tiêu của Cơ chế thử nghiệm nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng, qua đó hiện thực hóa mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng minh bạch, thuận tiện, an toàn, hiệu quả với chi phí thấp.

Tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm đánh giá rủi ro, chi phí, lợi ích của giải pháp Fintech; hỗ trợ xây dựng, phát triển các giải pháp Fintech phù hợp với nhu cầu thị trường, khung khổ pháp lý, quy định quản lý. Hạn chế rủi ro xảy ra đối với khách hàng khi sử dụng các giải pháp Fintech do tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm cung cấp.

Kết quả triển khai thử nghiệm giải pháp Fintech được sử dụng làm căn cứ thực tiễn để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, quy định quản lý liên quan nếu cần thiết.

Nguyên tắc xét duyệt tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm

Để đảm bảo tính công bằng, khách quan, công khai và minh bạch, việc xét duyệt các tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm được thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản như sau:

Quá trình xét duyệt tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm đảm bảo tính minh bạch về tiêu chí và điều kiện, quy trình đánh giá, lựa chọn.

Việc được tham gia Cơ chế thử nghiệm không đồng nghĩa với việc tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm sẽ đáp ứng các điều kiện kinh doanh và đầu tư khi pháp luật có quy định.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty Fintech không có nhu cầu tham gia Cơ chế thử nghiệm hoặc chưa được xét duyệt tham gia Cơ chế thử nghiệm hoạt động và tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành về doanh nghiệp, đầu tư và pháp luật khác có liên quan.

Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa 02 năm

Nghị định nêu rõ, thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa 02 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm. Thời gian thử nghiệm có thể được gia hạn theo quy định.

Thời hạn của Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm không vượt quá thời hạn (nếu có) của Giấy phép thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm.

Việc triển khai thử nghiệm các giải pháp Fintech được giới hạn trên lãnh thổ Việt Nam, không được thực hiện thử nghiệm xuyên biên giới.

Phạm vi thử nghiệm

Tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm chỉ được cung cấp các giải pháp Fintech trong phạm vi được quy định tại Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.

Tùy thuộc vào giải pháp Fintech và đề xuất cụ thể của tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm tại Hồ sơ đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm, ý kiến của các bộ, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định phạm vi thử nghiệm của giải pháp Fintech thử nghiệm tại Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.

Công ty cho vay ngang hàng chỉ được thực hiện cung ứng giải pháp cho vay ngang hàng trong phạm vi thử nghiệm tại Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm được Ngân hàng Nhà nước cấp cho Công ty cho vay ngang hàng theo quy định tại Nghị định này. Công ty cho vay ngang hàng tham gia Cơ chế thử nghiệm không được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác không được nêu tại Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm, không được tự cung cấp biện pháp bảo đảm cho khoản vay của khách hàng, hoạt động với tư cách là khách hàng và cung ứng giải pháp cho vay ngang hàng cho công ty cầm đồ.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 162/2024/QH15 ngày 27 tháng 11 năm 2024 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035

Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành và Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình

Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành và Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 114/NQ-CP về kế hoạch triển khai Nghị quyết số 162/2024/QH15 ngày 27 tháng 11 năm 2024 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Kế hoạch được ban hành nhằm triển khai nghiêm túc, có chất lượng và hiệu quả Nghị quyết số 162/2024/QH15, nâng cao công tác quản lý, điều hành và thực hiện Chương trình. Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc tổ chức triển khai Nghị quyết số 162/2024/QH15 đảm bảo đồng bộ, kịp thời, thống nhất.

Yêu cầu đặt ra là bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 162/2024/QH15 để xây dựng giải pháp, cơ chế quản lý, điều hành Chương trình; bảo đảm việc thực hiện Nghị quyết nghiêm túc, hiệu quả, chất lượng và đúng mục tiêu của Chương trình đã được Quốc hội thông qua.

Xác định nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan chủ Chương trình là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan có nội dung thực hiện thuộc Chương trình là các bộ, cơ quan trung ương và cơ quan thực hiện Chương trình ở địa phương là Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 162/2024/QH15.

5 nhóm nội dung thực hiện

Nghị quyết nêu rõ 5 nhóm nội dung thực hiện gồm:

1. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành và Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

2. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nội dung, nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 162/2024/QH15 của Quốc hội theo đúng quy định.

3. Rà soát, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý, điều hành và hướng dẫn thực hiện Chương trình (tại Phụ lục I và Phụ lục II kèm theo).

4. Tổ chức phê duyệt, triển khai thực hiện Chương trình theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở các cấp, các ngành trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình bảo đảm đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã được phê duyệt.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ Chương trình

Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động, tích cực triển khai Nghị quyết này theo nhiệm vụ được phân công, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ Chương trình chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan: Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình; Quyết định phê duyệt Chương trình; ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách trung ương thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật; ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về phát triển văn hóa toàn diện các cấp bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, miền, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tổ chức chính quyền địa phương.

Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, kiện toàn hoặc thành lập mới Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia để chỉ đạo thực hiện Chương trình.

Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Nội vụ, Công Thương, Y tế, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Môi trường, Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ cụ thể thuộc Chương trình, căn cứ chức năng quản lý, nhiệm vụ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương, quy định tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình; Bộ tiêu chí quốc gia về phát triển văn hóa toàn diện các cấp giai đoạn 2025 - 2030; rà soát, xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, kiến nghị, đề xuất các chính sách đặc thù (nếu có).

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình và đơn vị điều phối, giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và các quy định pháp luật liên quan.

Đồng thời xây dựng kế hoạch và ưu tiên cân đối, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình. Ban hành quy định về lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng nội dung, nhiệm vụ để thực hiện Chương trình trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, tiêu chí của Chương trình./.

Theo vtcnews

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-30-4-2025-5045702.html
Zalo