Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hiểu biết cán bộ và kinh nghiệm trong tinh gọn bộ máy
Ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ. Trong đó, hiểu biết cán bộ là một nhiệm vụ lớn được Bác đặt ra. Trong quá trình tổ chức sắp xếp lại bộ máy gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hiện nay, việc nắm rõ và vận dụng chỉ dẫn của Bác về hiểu biết cán bộ là một giải pháp hữu hiệu để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Từ chỉ dẫn của Bác về hiểu biết cán bộ…
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”. Cán bộ luôn được Đảng và Bác xác định là “gốc” của mọi công việc. Chính vì vậy, công tác cán bộ được coi là một công việc hệ trọng của Đảng.
Bàn về chính sách cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ 5 việc cần chú ý. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là phải hiểu biết cán bộ, tiếp theo là khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ và phê bình cán bộ.
Với Bác, muốn hiểu biết cán bộ thì trước hết, người làm công tác cán bộ phải “tự biết mình” bởi “Đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình”. Đồng thời, Bác cũng chỉ ra những “chứng bệnh” cần tránh khi xem xét cán bộ là: Tự cao tự đại; ưa người ta nịnh mình; do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người; đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau. Nói tóm lại, Người yêu cầu người làm công tác cán bộ: “Phải sửa chữa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”.
Từ việc có đội ngũ những người làm công tác cán bộ thực sự xứng tầm, Bác tiếp tục chỉ dẫn phương pháp, cách làm để có thể hiểu biết cán bộ. Theo Bác: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ”, “Ai mà hay khoe khoang công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt”, “Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”.
Dù năm tháng đã qua đi nhưng những chỉ dẫn được Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại vẫn mang tính thời đại sâu sắc.
…đến cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận đã đạt được, Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ như: nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh, tình trạng vừa thừa vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, cào bằng, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến; tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu… vẫn xảy ra. Thay vì làm lợi cho Tổ quốc, không ít cán bộ lại trở thành gánh nặng, cản trở sự phát triển của đất nước. Chính bởi vậy, việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, loại bỏ những vị trí và con người không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả là yêu cầu cấp thiết được đặt ra.
Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị không chỉ là vấn đề giảm về quy mô hay số lượng mà quan trọng hơn là tạo ra sự thay đổi thực sự về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Suy cho cùng, đích đến của chúng ta là xây dựng được đội ngũ cán bộ thực sự vì nước, vì dân, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, năng lực để gánh vác nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, một thách thức không nhỏ đặt ra là việc giảm biên chế ở không ít nơi vẫn mang tính chất cơ học, chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại hoàn thành công việc; việc xem xét cán bộ có nơi còn mang tính bề ngoài mà thiếu chiều sâu. Do vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, việc quán triệt, vận dụng các chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hiểu biết cán bộ được nêu ở trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị phải thực hiện trong thời gian tới là hết sức nặng nề. Bởi vậy, ngay sau khi có được bộ máy mới tinh gọn, chúng ta cần bắt tay ngay vào việc nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ. Để làm được điều này, trước hết cần đầu tư nâng cao chất lượng cơ quan và đội ngũ tham mưu, giúp việc về công tác tổ chức cán bộ; bảo đảm đội ngũ những người làm công tác cán bộ phải luôn luôn thấm nhuần tính Đảng, thực sự liêm, chính, chí công vô tư, có “con mắt tinh đời” trong đánh giá cán bộ, là “bộ óc” minh mẫn của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy, nhất là những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải thực sự công bằng, khách quan trong công tác đánh giá, nhận xét cán bộ, kiên quyết đấu tranh với các hành vi sai lệch, nhất là các “chứng bệnh” được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra ở trên để có thể hiểu rõ cán bộ, trọng dụng hiền tài.