Chế độ ăn tốt cho người bị chấn thương dây chằng chéo sau

Chấn thương dây chằng chéo sau khiến người bệnh gặp nhiều trở ngại trong hoạt động hằng ngày. Ngoài chế độ nghỉ ngơi và tập luyện riêng biệt, chế độ ăn mỗi ngày đóng vai trò quan trọng giúp rút ngắn quá trình phục hồi.

Nội dung

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bị chấn thương dây chằng chéo sau

2. Các dưỡng chất cần thiết cho người bị chấn thương dây chằng chéo sau

3. Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị chấn thương dây chằng chéo sau

Dây chằng chéo sau nằm bên trong đầu gối, ngay phía sau dây chằng chéo trước. Đây là một trong nhiều dây chằng nối xương đùi với xương chày (xương ống chân). Dây chằng chéo sau giữ cho xương chày không bị dịch chuyển về phía sau so với xương đùi.

Dây chằng chéo sau bị tổn thương và căng giãn quá mức, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn khi vận động và thường xuyên bị đau nhức. Một số loại thực phẩm có thể làm chậm quá trình chữa lành và thậm chí làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn, trong khi những loại khác có thể giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bị chấn thương dây chằng chéo sau

Dinh dưỡng có thể giúp tối ưu hóa quá trình phục hồi chấn thương dây chằng chéo sau.

Dinh dưỡng có thể giúp tối ưu hóa quá trình phục hồi chấn thương dây chằng chéo sau.

Những gì người bệnh ăn và uống có tác động đáng kể đến cách cơ thể hồi phục khi bị chấn thương dây chằng chéo sau. Nếu bị chấn thương dây chằng chéo sau, cần phẫu thuật hoặc đang hồi phục sau phẫu thuật, dinh dưỡng có thể giúp tối ưu hóa quá trình phục hồi.

Cơ thể bao gồm một cơ chế tích hợp tuyệt vời cho phép phục hồi sau bất kỳ hình thức chấn thương nào, kể cả phẫu thuật. Với việc nghỉ ngơi, dinh dưỡng và cung cấp nước hợp lý, cơ thể có thể phục hồi nhanh chóng và hiệu quả.

Chiến lược dinh dưỡng để phục hồi chấn thương dây chằng chéo sau nên bao gồm các loại thực phẩm và chất bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp cơ thể chữa lành sau chấn thương dây chằng chéo sau.

2. Các dưỡng chất cần thiết cho người bị chấn thương dây chằng chéo sau

Protein: Protein rất cần thiết để xây dựng lại và sửa chữa các mô, tạo ra các tế bào máu mới và đẩy nhanh quá trình phục hồi. Nên tiêu thụ protein trong vòng 30 phút sau khi tập luyện hoặc vật lý trị liệu, vì nó giúp tái tạo các mô bị tổn thương.

Canxi: Canxi rất cần thiết để duy trì xương chắc khỏe và có thể giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành. Tiêu thụ thực phẩm giàu canxi như rau xanh, các sản phẩm từ sữa có thể giúp củng cố vùng bị ảnh hưởng và ngăn ngừa tổn thương thêm.

Chất xơ: Chất xơ rất quan trọng cho nhu động ruột thường xuyên. Điều này rất quan trọng sau phẫu thuật vì nhiều người bị táo bón do dùng thuốc giảm đau sau phẫu thuật. Chất xơ có nhiều trong các loại rau, trái cây và các loại ngũ cốc nguyên hạt.

Chất béo lành mạnh: Chứa vitamin, chất xơ và chất béo lành mạnh cung cấp cho cơ thể năng lượng và hỗ trợ chức năng tế bào khỏe mạnh. Các nguồn tốt là dầu ô liu, dầu dừa, cá béo, các loại hạt và hạt…

Vitamin và khoáng chất: Các vitamin như A, C, E, K là các chất chống oxy hóa hỗ trợ quá trình chữa bệnh, phục hồi hỗ trợ hồi phục chấn thương dây chằng chéo. Chất chống oxy hóa được cho là có thể làm giảm những nguy cơ và tổn thương của stress oxy hóa gây nên cho cơ thể. Nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất collagen, rất quan trọng trong việc sửa chữa dây chằng. Các nguồn tốt là thực phẩm có nguồn gốc thực vật, đặc biệt là trái cây và rau quả.

Nước: Uống đủ nước là điều cần thiết cho quá trình chữa lành, vì nó giúp vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy đến vùng bị thương. Nước cũng giúp giảm viêm, sưng tấy và hỗ trợ tiêu hóa. Hãy đặt mục tiêu uống ít nhất 8-10 ly nước mỗi ngày.

3. Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị chấn thương dây chằng chéo sau

Thực phẩm nên ăn

Việt quất là một trong những loại quả mọng người bị chấn thương dây chằng chéo nên ăn.

Việt quất là một trong những loại quả mọng người bị chấn thương dây chằng chéo nên ăn.

Ăn nhiều trái cây và rau quả: Ăn nhiều loại trái cây và rau quả có nhiều chất chống oxy hóa và giàu chất xơ như quả mọng (dâu tây, việt quất, quả mâm xôi…), các loại trái cây có múi (quýt, camh, chanh, bưởi…), trái bơ, kiwi và các loại rau lá xanh đậm (bông cải xanh, cải bó xôi..), ớt chuông.

Ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt bao gồm yến mạch, gạo, quinoa, bánh mì nguyên hạt sẽ cung cấp cho cơ thể chất xơ và carbohydrate. Carbohydrate cung cấp cho cơ thể năng lượng cần thiết trong suốt quá trình chữa bệnh.

Protein nạc: Nên ăn đủ protein, chẳng hạn như thịt gà, cá, đậu, sữa chua Hy Lạp, phô mai, đậu phụ, thịt bò nạc xay và trứng.

Thực phẩm có omega-3: Các thực phẩm giàu acid béo omega-3 sẽ tham gia vào quá trình tái tạo collagen sau chấn thương, ngăn chặn tình trạng viêm, cải thiện hiệu quả tình trạng giãn dây chằng đầu gối. Những loại thực phẩm chứa lượng acid béo omega-3 dồi dào là cá hồi, cá thu, cá mòi…

Sữa: Nên chọn sữa phù hợp với từng giai đoạn để nhanh chóng bình phục, chẳng hạn như sữa có bổ sung điện giải, sữa bột tách bơ, ít béo; Chọn sữa dễ tiêu hóa như giàu chất xơ hòa tan FOS và chất béo hòa tan như Omega-3, Omega-6…; Sữa giàu dinh dưỡng như protein và vitamin A, B, C, E và canxi.

Thực phẩm nên tránh

Người bị chấn thương dây chằng chéo sau không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn.

Người bị chấn thương dây chằng chéo sau không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn.

Thực phẩm chế biến sẵn: Những loại thực phẩm chế biến và đóng gói sẵn như mì ăn liền, xúc xích, thực phẩm đóng hộp, khoai tây chiên, kẹo, bánh quy… đều không tốt cho sức khỏe. Vì các thực phẩm này chứa nhiều lượng đường tinh luyện, chất béo bão hòa và muối cao, chất bảo quản, chất tạo màu, phụ gia, dầu mỡ… Tất cả đều có khả năng gây độc hại cho cơ thể của người bệnh.

Thực phẩm đông lạnh: Những thực phẩm đông lạnh không những làm mất dưỡng chất mà còn không có lợi cho quá trình phục hồi cơ thể của người bị giãn dây chằng. Vì thế, nên tránh bổ sung các loại thực phẩm đông lạnh như đồ hộp.

Thực phẩm chứa chất kích thích: Người bệnh giãn dây chằng nên đặc biệt tránh xa những thực phẩm chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê, nước tăng lực… Đây đều là những thức uống gây tác động tiêu cực đến sức khỏe, ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi của dây chằng. Các thực phẩm chứa chất kích thích có thể cản trở giấc ngủ, đây là thời điểm cơ thể hồi phục tốt nhất. Giấc ngủ hỗ trợ phục hồi cơ bắp, giảm viêm và giúp cảm thấy sảng khoái và tràn đầy năng lượng suốt cả ngày.

Điều chỉnh chế độ ăn uống là một phần quan trọng để đẩy nhanh quá trình chữa lành nếu bị chấn thương dây chằng chéo sau. Bằng cách lựa chọn thực phẩm phù hợp, người bị chấn thương dây chằng chéo sau có thể giảm viêm, cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết để chữa lành dây chằng bị rách và thúc đẩy sự phát triển của mô khỏe mạnh.

Người bị chấn thương dây chằng chéo hãy tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ trị liệu để lập kế hoạch bữa ăn hỗ trợ quá trình điều trị. Cùng với vật lý trị liệu và chăm sóc chỉnh hình, chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp trở lại hoạt động bình thường sớm hơn.

Bác sĩ Phan Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-tot-cho-nguoi-bi-chan-thuong-day-chang-cheo-sau-169240919095044156.htm
Zalo