Chế độ ăn cho người mắc bệnh lưỡi bản đồ

Lưỡi bản đồ là căn bệnh thường lành tính, không liên quan đến ung thư lưỡi hay nhiễm trùng. Tuy nhiên lưỡi bản đồ dễ nhạy cảm hơn với một số thức ăn như cay, nóng, mặn ngọt…

Nội dung

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh lưỡi bản đồ

2. Các dưỡng chất cần thiết cho người bệnh lưỡi bản đồ

3. Chế độ ăn uống tốt cho người bị lưỡi bản đồ

4. Những thực phẩm người bệnh lưỡi bản đồ cần tránh

Lưỡi bản đồ là một tình trạng viêm miệng lành tính được đặc trưng bởi sự mất biểu mô, đặc biệt là các nhú gai ở mặt lưng của lưỡi. Lưỡi bản đồ gây ra các mảng trên bề mặt lưỡi, tạo ra hình dạng giống như bản đồ. Căn bệnh này còn được gọi là viêm lưỡi di chuyển lành tính vì các dấu hiệu di chuyển xung quanh.

Theo BSCKII. Lê Thị Yến, Khoa Răng, Bệnh viện 108, lưỡi bản đồ là những khoảng lưỡi có màu đỏ, không có nhú lưỡi, thường nhăn và có hình dạng giống như bản đồ địa lý.

Lưỡi bản đồ có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn, nữ bị nhiều hơn so với nam. Đa số các trường hợp phát hiện ngay từ khi còn nhỏ. Phụ nữ có thai hoặc đang trong chu kỳ kinh nguyệt cũng dễ bị bệnh.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh lưỡi bản đồ

Hiện tại không có chế độ ăn đặc biệt nào được chứng minh là có thể chữa khỏi hoặc loại bỏ hoàn toàn bệnh lưỡi bản đồ. Tuy nhiên, chế độ ăn uống vẫn có tác động trong việc quản lý các triệu chứng và duy trì sức khỏe tổng thể cho người bệnh.

Các thực phẩm có tính làm dịu giúp giảm thiểu kích ứng và khó chịu. Một số người bệnh lưỡi bản đồ nhận thấy rằng một số loại thực phẩm hoặc đồ uống nhất định có thể làm trầm trọng thêm cảm giác nóng rát, châm chích hoặc làm cho các mảng trên lưỡi trở nên rõ rệt và khó chịu hơn. Việc theo dõi và tránh những tác nhân này có thể giúp giảm bớt sự khó chịu.

Mặc dù tại một thời điểm nào đó, các chuyên gia cho rằng, thiếu sắt và vitamin B12 cũng đóng vai trò trong tình trạng này nhưng bằng chứng gần đây không ủng hộ điều này. Tuy nhiên, việc duy trì sự cân bằng tốt các chất dinh dưỡng luôn là điều quan trọng để tránh các bệnh khác.

Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là các vitamin nhóm B, vitamin C và sắt có thể hỗ trợ sức khỏe của niêm mạc miệng và quá trình tái tạo tế bào.

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp người bệnh lưỡi bản đồ nhanh hồi phục.

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp người bệnh lưỡi bản đồ nhanh hồi phục.

2. Các dưỡng chất cần thiết cho người bệnh lưỡi bản đồ

Mặc dù bệnh lưỡi bản đồ không có phương pháp điều trị đặc hiệu nhưng một số dưỡng chất có thể đóng vai trò hỗ trợ sức khỏe niêm mạc miệng và giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu mà người bệnh gặp phải.

Vitamin nhóm B

Các vitamin nhóm B, đặc biệt là B12, folate (B9) và niacin (B3) đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của niêm mạc miệng và quá trình tái tạo tế bào. Thiếu hụt các vitamin này có thể liên quan đến các vấn đề ở lưỡi.

Nguồn thực phẩm: Thịt, cá, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm tăng cường vitamin B12; Rau xanh lá đậm, các loại đậu, gan, măng tây giàu folate; Thịt, cá, gia cầm, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều vitamin B3.

Kẽm

Kẽm là một khoáng chất thiết yếu cho chức năng hệ miễn dịch và quá trình lành vết thương. Thiếu kẽm có thể liên quan đến các vấn đề ở niêm mạc miệng.

Kẽm tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể đối phó tốt hơn với các tình trạng viêm nhiễm dù nguyên nhân của lưỡi bản đồ chưa được xác định rõ ràng.

Nguồn thực phẩm giàu kẽm: Hải sản (hàu, tôm, cua), thịt bò, thịt gà, các loại hạt (hạt bí ngô, hạt điều).

Sắt

Sắt cần thiết cho việc vận chuyển oxy trong máu, giúp duy trì sức khỏe của các tế bào, bao gồm cả tế bào niêm mạc miệng. Thiếu sắt có thể gây ra các vấn đề ở lưỡi.

Nguồn thực phẩm giàu sắt: Thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng, rau xanh lá đậm, các loại đậu...

Vitamin C

Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương và hỗ trợ quá trình lành vết thương nhanh hơn.

Nguồn thực phẩm giàu vitamin C: Cam, quýt, bưởi, dâu tây, kiwi, ớt chuông, bông cải xanh...

Acid béo omega-3

Acid béo omega-3 có đặc tính chống viêm, có thể giúp giảm bớt tình trạng viêm nhẹ xảy ra ở lưỡi bản đồ.

Nguồn thực phẩm: Cá béo (cá hồi, cá thu, cá mòi), hạt lanh, hạt chia, quả óc chó...

3. Chế độ ăn uống tốt cho người bị lưỡi bản đồ

Người bệnh lưỡi bản đồ cần tập trung vào chế độ ăn nhạt và thức ăn mềm, dễ nuốt. Khi xuất hiện cảm giác ngứa, đau, nóng hoặc các triệu chứng khó chịu khác có thể dùng thuốc để giảm đau ở vùng bề mặt niêm mạc bị tổn thương theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cần chú ý ăn nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc hỗ trợ sức khỏe răng miệng tổng thể và chức năng miễn dịch.

Trẻ em bị lưỡi bản đồ thường khó ăn uống nên cần được cho ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng. Nên cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng, dễ nuốt như cháo, súp, sữa và nêm nếm nhẹ nhàng để hạn chế tình trạng trẻ phải vận động khoang miệng, ảnh hưởng vết thương. Cho bé ăn thức ăn mát nhưng không quá lạnh vì đồ mát có thể giúp bé bớt cảm giác đau. Nên chia nhỏ bữa ăn và cho trẻ ăn từ từ, uống nhiều nước. Khi ăn xong súc miệng ngậm nước muối ấm pha loãng.

Nên uống nhiều nước hơn bình thường một chút. Uống đủ nước giúp giữ ẩm cho miệng và có thể giảm kích ứng.

Nên hạn chế ăn các loại gia vị cay nóng như ớt, tiêu.

Nên hạn chế ăn các loại gia vị cay nóng như ớt, tiêu.

4. Những thực phẩm người bệnh lưỡi bản đồ cần tránh

Lưỡi bản đồ chỉ gây ra cảm giác khó chịu nhẹ, nhiều nhất là cảm giác nóng rát và hầu như không đau khi ăn đồ cay hoặc đồ có tính acid. Các tổn thương có biểu hiện khác thường có thể là dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng hơn.

Một số người bị lưỡi bản đồ cho biết một số loại thực phẩm hoặc chất nhất định có vẻ gây kích ứng lưỡi hoặc khiến các mảng bám dễ thấy hơn hoặc khó chịu hơn. Việc xác định và tránh các tác nhân kích thích cá nhân này có thể giúp kiểm soát các triệu chứng.

Người bệnh cần tránh tiêu thụ những loại thực phẩm sau:

Thực phẩm có tính acid cao: Trái cây họ cam quýt, cà chua và các sản phẩm từ cà chua, đồ chua có thể gây kích ứng.

Hạn chế ăn các loại gia vị cay nóng như ớt, tỏi, gừng, tiêu và nên ăn nhạt, đồ ăn quá mặn có thể gây khó chịu. Đối với trẻ đang bú mẹ, người mẹ cần hạn chế những thực phẩm và gia vị cay nóng, cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu.

Thực phẩm và đồ uống nóng: Nhiệt độ cao có thể gây kích ứng lưỡi nhạy cảm. Thức ăn nóng, mặn hay các thực phẩm gây cảm giác nóng sẽ càng khiến vết loét ở lưỡi và miệng xót hơn và nặng hơn.

Rượu và đồ uống có gas: Các chất này có thể gây kích ứng niêm mạc miệng nói chung. Cân nhắc hạn chế đồ uống có gas do độ sủi bọt và tính acid có thể gây khó chịu cho một số người.

BSCKII Lê Thị Yến lưu ý, người bệnh nên chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ; tránh ăn những loại đồ ăn cay nóng hay có chứa nhiều gia vị; tránh uống đồ có cồn; bổ sung thêm một số loại thực phẩm như rau xanh, trái cây, đỗ đen, bột sắn trong thực đơn mỗi ngày. Đặc biệt lưu ý uống nhiều nước.

Tốt nhất bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Nếu nhận thấy bất kỳ điều gì bất thường hãy đến gặp bác sĩ ngay.

Thiên Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-cho-nguoi-mac-benh-luoi-ban-do-169250327230655471.htm
Zalo