Tưởng viêm phổi, cụ ông không ngờ nhiễm loại ký sinh trùng này
Một cụ ông (72 tuổi, ở Hòa Bình) vừa được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nguy kịch do nhiễm giun lươn lan tỏa. Đây là một dạng nhiễm ký sinh trùng nặng có thể gây biến chứng nghiêm trọng ở người suy giảm miễn dịch.
Cụ ông nguy kịch vì nhiễm giun lươn lan tỏa
Ông B.V.C (trú tại Hòa Bình) được đưa tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nặng, ý thức lơ mơ, sốt cao liên tục, thở oxy, và thể trạng suy kiệt. Chẩn đoán ban đầu ông C bị viêm phổi, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết. Tuy nhiên, dịch não tủy xét nghiệm cho kết quả dương tính với vi khuẩn E. coli, một loại vi khuẩn Gram âm thường xuất hiện ở đường tiêu hóa, tiết niệu và kết quả soi dịch dạ dày và đờm phát hiện ra ấu trùng giun lươn. Ông C được chẩn đoán nhiễm giun lươn lan tỏa kèm theo nhiễm khuẩn huyết.

Cụ ông nguy kịch vì nhiễm giun lươn lan tỏa.
Được biết, khoảng một tháng trước khi nhập viện, ông C bắt đầu ho nhiều, khó thở, mệt mỏi, sốt kéo dài nhưng chỉ đến bệnh viện khám rồi xin thuốc về uống. Sau 10 ngày tự điều trị tại nhà không hiệu quả, sốt cao liên tục, rét run, ho, khó thở nhiều, ông C mới nhập bệnh viện tuyến tỉnh. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết và điều trị trong 6 ngày nhưng không cải thiện nên được chuyển lên tuyến trên.
Theo BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Người bệnh có nhiều bệnh lý nền mạn tính như tăng huyết áp, suy tim, suy tuyến thượng thận, thoái hóa khớp, đau khớp nhiều năm và có tiền sử sử dụng thuốc corticosteroid kéo dài. Những yếu tố này khiến hệ miễn dịch của bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, bệnh nhân làm nghề nông, thường xuyên tiếp xúc với đất mà không mang đồ bảo hộ, làm tăng nguy cơ nhiễm giun lươn.
Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị tích cực, thở máy, sử dụng kháng sinh và thuốc diệt ký sinh trùng, tuy nhiên, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Nhiễm giun lươn nguy hiểm ra sao?
BS Bắc cho biết, giun lươn là loại ký sinh trùng sống trong đất ẩm, ấu trùng giun lươn có thể xâm nhập vào cơ thể người qua da, đặc biệt ở bàn chân. Sau khi vào cơ thể, ấu trùng di chuyển theo đường máu tới phổi, phá vỡ các mao mạch phổi, đi vào đường hô hấp, theo đờm đi lên họng, nuốt xuống ruột, nơi chúng trưởng thành, đẻ trứng, nở thành ấu trùng theo phân ra môi trường. Một số ấu trùng có thể tiến triển trong ruột thành dạng ấu trùng xâm nhập, xuyên qua thành ruột, tiếp tục chu kỳ tái nhiễm, khiến cho giun lươn có thể tồn tại lâu dài trong cơ thể.
Nhiễm giun lươn có thể tiến triển nghiêm trọng trên người bệnh suy giảm miễn dịch, bao gồm dùng corticosteroid hoặc thuốc ức chế miễn dịch, Người bệnh ghép tế bào gốc, ghép tạng… khiến ấu trùng ồ ạt xâm nhập, lan tỏa trong các cơ quan mà bình thường thường không thuộc vòng đời của ký sinh trùng (ví dụ: hệ thần kinh trung ương, da, gan, tim). Khi ấu trùng giun lươn di chuyển sẽ mang theo các vi khuẩn đường ruột trên bề mặt của nó. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm màng não và sốc nhiễm trùng. Tình trạng bội nhiễm và nhiễm giun lươn lan tỏa thường gây tử vong ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, ngay cả khi đã được điều trị.
BS Bắc cho biết thêm, phần lớn người mắc bệnh giun lươn cấp tính không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt, biểu hiện ban đầu có thể là phát ban ngứa, ở vị trí ấu trùng xâm nhập vào da. Ấu trùng và giun trưởng thành trong đường tiêu hóa có thể gây đau bụng, tiêu chảy và chán ăn. Người mắc bệnh giun lươn mãn tính thường không có triệu chứng, hoặc thỉnh thoảng gặp đau bụng, tiêu chảy và táo bón. Tuy nhiên, ở người có hệ miễn dịch suy giảm như bệnh nhân ung thư, người ghép tạng, hoặc người dùng corticoid kéo dài, giun lươn có thể bùng phát mạnh, gây tổn thương đa cơ quan và đe dọa tính mạng.