Chế biến sâu - câu chuyện nâng tầm giá trị cà phê

Ở địa phương có diện tích, sản lượng cà phê lớn nhất Việt Nam, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở Đắk Lắk đã đẩy mạnh chế biến sâu, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tuy vậy, lĩnh vực chế biến sâu cà phê xuất khẩu vẫn còn dư địa rất lớn cần các nhà đầu tư vào khai thác, nâng tầm giá trị loại nông sản tỷ đô này.

Một trong những doanh nghiệp tiên phong trong chế biến sâu tại Đắk Lắk là Công ty cổ phần Cà phê An Thái, chuyên sản xuất xuất khẩu cà phê hòa tan, cà phê hạt rang nguyên chất và cà phê sữa 3 trong 1. Doanh nghiệp này đã đầu tư vào trang thiết bị hiện đại, ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu từ các hợp tác xã, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến tạo thành chuỗi giá trị bền vững trong nông nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc công ty chia sẻ: “Chú trọng đến các giải pháp chế biến sâu và trong đó cũng nhấn mạnh vai trò ý nghĩa của liên kết chuỗi, bởi vì có sự liên kết chuỗi một cách chặt chẽ hợp lý thì phát huy được vai trò để tạo nên một giá trị của sản phẩm chung”.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp phát triển cà phê chất lượng cao, chế biến sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp phát triển cà phê chất lượng cao, chế biến sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Đối với Công ty TNHH MTV Minudo Farm – Care, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, ngay từ khi thành lập đã chọn phát triển cà phê chất lượng cao, chế biến sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Trải qua nhiều khó khăn, đến nay, công ty đã gặt hái được những thành công nhất định khi các lô hàng cà phê được nhiều khách hàng Nhật Bản tìm mua.

Ông Lê Đình Tư, Giám đốc công ty nhìn nhận: “Đó là một cuộc cách mạng rất lớn đối với Việt Nam trong suốt hành trình 6 năm rồi. Đến bây giờ, ngoài việc bán cà phê nhân xanh chúng ta tạo ra các sản phẩm đầu cuối. Nó tăng giá trị cực kỳ cao, tối thiểu là tăng gấp đôi so với bán hàng thương mại và bán nguyên liệu, chúng ta có rất nhiều cơ hội đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa”.

Gần đây, thương hiệu cà phê MISS EDE đã xuất khẩu container cà phê xay thành sản phẩm đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ. Để đạt được điều này, doanh nghiệp đã phải đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn của thị trường khó tính.

Đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng các tiêu chuẩn chế biến sâu đòi hỏi nguồn vốn khá lớn.

Đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng các tiêu chuẩn chế biến sâu đòi hỏi nguồn vốn khá lớn.

Ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE cho rằng, các doanh nghiệp ở Đắk Lắk có rất nhiều lợi thế khi có sẵn vùng nguyên liệu, việc cần làm đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn ổn định và xây dựng được thương hiệu. Điều này còn góp phần giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đầu tư:

Cũng theo ông Hữu: “Vốn là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên đó không phải là yếu tố quan trọng nhất. Bởi vì, khi chúng ta có một lợi thế cạnh tranh nào đó về vùng trồng hoặc về nhận diện thương hiệu thì chúng ta có thể sử dụng nó để huy động vốn. Khi chất lượng đã ổn định, vùng trồng bền vững đã được xác nhận và giá trị thương hiệu đã thuyết phục được người tiêu dùng. Thì khách hàng sẵn sàng trả trước toàn bộ tiền nhập hàng, thay vì phải đặt vào rủi ro phải nhập hàng trước và chờ khách hàng trả tiền sau. Khi chúng ta có những lợi thế đó thì sẽ không quá phụ thuộc vào vốn”.

Để thúc đẩy chế biến sâu, Đắk Lắk đã có nhiều chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 20 dự án chế biến cà phê, với tổng vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Riêng năm 2024, UBND tỉnh đã phê duyệt Danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư của tỉnh đến năm 2025, gồm 36 dự án thuộc các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực nông nghiệp và chế biến các sản phẩm nông nghiệp có 8 dự án, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Dư địa trong lĩnh vực chế biến sâu ngành hàng cà phê còn rất lớn. Chất lượng sản phẩm ổn định và xây dựng được thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được nguồn vốn đầu tư.

Dư địa trong lĩnh vực chế biến sâu ngành hàng cà phê còn rất lớn. Chất lượng sản phẩm ổn định và xây dựng được thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được nguồn vốn đầu tư.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Chúng tôi tiếp tục triển khai tốt chế biến sâu, phấn đấu từ 15-20% sản phẩm cà phê được chế biến sâu. Trong quá trình triển khai, chúng tôi sẽ tập trung vào các cụm, khu công nghiệp, để kêu gọi các doanh nghiệp thu hút vào sản xuất tại các cụm, khu công nghiệp của tỉnh. Từ đó chế biến sâu đối với các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh và xuất khẩu làm gia tăng giá trị cho người nông dân cũng như các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn”.

Là tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê hàng đầu Việt Nam, với diện tích lên đến 212.000 ha, sản lượng trên 520.000 tấn/năm, nhưng tỷ lệ cà phê được chế biến sâu để phục vụ xuất khẩu ở Đắk Lắk còn hạn chế. Dư địa trong lĩnh vực, ngành hàng này còn rất lớn. Chính sách đã có, những hướng đi mới cũng đã được mở ra, tin rằng sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư vào Đắk Lắk nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững trong những năm tới.

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/che-bien-sau-cau-chuyen-nang-tam-gia-tri-ca-phe-post1162853.vov
Zalo