Hà Nội cần có chính sách hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến dược liệu
Huyện Sóc Sơn và Ba Vì là hai huyện có rừng, điều kiện khí hậu thích hợp cho sự phát triển của các loại cây dược liệu nhưng việc phát triển còn manh mún, tự phát, chưa đúng với thế mạnh, tiềm năng.

Thu hoạch bông kim ngân hoa. (Ảnh minh họa. Thanh Sang/TTXVN)
Người tiêu dùng hiện rất ưa chuộng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ thiên nhiên, nhất là các sản phẩm có liên quan đến sức khỏe.
Trong khi đó, Hà Nội lại có thế mạnh để phát triển các vùng sản xuất cây dược liệu lớn, đa dạng và phong phú.
Tuy nhiên, công nghệ chế biến dược liệu ở Hà Nội còn hạn chế, cần có chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, sản xuất dược liệu cũng như cung cấp nguồn giống cây dược liệu năng suất và chất lượng cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 250 ha trồng cây dược liệu, tập trung chủ yếu tại các huyện, thị xã Sóc Sơn, Phú Xuyên, Đông Anh, Sơn Tây, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ba Vì. Các chủng loại cây dược liệu tương đối đa dạng, như cà gai leo, kim ngân hoa, đinh lăng, chè hoa vàng, hoa nhài...
Nguồn gene dược liệu được trồng trên địa bàn Hà Nội khá đa dạng, với hơn 170 nguồn gene, được gieo trồng tập trung ở huyện Sóc Sơn và huyện Ba Vì. Riêng trên địa bàn huyện Ba Vì hiện có hơn 500 loài dược liệu quý và đặc hữu, như tam thất, diệp hạ châu… Đặc biệt, các loài dược liệu quý mọc tự nhiên trên núi đá được y học đánh giá cao đang dần cạn kiệt cần được bảo tồn như hà thủ ô đỏ, cây huyết dòng, cây bổ máu…
Huyện Sóc Sơn và Ba Vì là hai huyện có rừng, điều kiện khí hậu thích hợp cho sự phát triển của các loại cây dược liệu như khôi tía, trà hoa vàng, thìa canh, kim ngân hoa, đương quy, cát cánh, sachi, bạc hà, tàu bay, đinh lăng, trà hoa cúc Nhật, mộc hoa, nhân trần… Tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu của Hà Nội còn manh mún, tự phát, chưa đúng với thế mạnh, tiềm năng. Phát triển cây dược liệu của Hà Nội chưa gắn với chế biến, sản xuất, chủ yếu bán thô nên hiệu quả chưa cao.
Anh Hàn Văn Tư (ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội), cho biết trước kia, các loại cây sử dụng làm thuốc thường được dùng tươi hoặc phơi khô, nấu lấy nước tắm hoặc uống. Còn ngày nay, cây thuốc lấy ở rừng về được sơ chế thành năm loại gồm: thuốc khô, cao, thuốc nhỏ, thuốc đắp, thuốc bột. Các cơ sở chế biến đã có nhiều cải tiến, nâng cấp sản phẩm khi sơ chế, đóng gói… Những bài thuốc dân tộc này rất quý, đã được minh chứng trong chữa bệnh nên được nhiều người biết đến.
Theo ông Ngô Văn Dụng, xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn), nhờ trồng cây dược liệu theo sự hướng dẫn, giám sát và bao tiêu luôn sản phẩm của Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn mà gia đình ông không phải lo đầu ra cho sản phẩm, lại còn cho thu nhập cao gấp 3 lần so với trồng cây khác, đạt 420 triệu đồng/ha/năm.
Bà Nguyễn Thị Tuyền, Giám đốc Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn, cho biết không chỉ trồng các cây dược liệu truyền thống, huyện Sóc Sơn còn mạnh dạn đưa giống cây dược liệu mới vào trồng, như cây ngưu bàng có xuất xứ từ Nhật Bản. Củ ngưu bàng được thu mua để làm xì dầu và thực phẩm, với giá 90.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân 400 kg/sào, trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận thu được khoảng 20 triệu đồng/sào. So với canh tác lúa và một số cây trồng truyền thống khác, giá trị cao gấp hàng chục lần.
Bà Nguyễn Thị Tuyền cho biết để mở rộng vùng nguyên liệu, đưa các sản phẩm dược liệu xuất khẩu ra nước ngoài, Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn đã xây dựng thành công mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ. Nhiều sản phẩm chế biến của hợp tác xã còn xuất khẩu sang Nhật Bản, được thị trường Nhật Bản đánh giá cao.
Hiện nay, nhiều sản phẩm từ cây dược liệu của Hà Nội đã được xuất khẩu sang các nước Hà Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... được người tiêu dùng ưa thích và đánh giá rất cao như trà hoa vàng Hakoda, trà thảo mộc chất lượng cao, bột rau má, bột diếp cá, cà gai leo...
Để phát huy được thế mạnh cây dược liệu, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay, để người dân mở rộng diện tích trồng cây dược liệu thì phải tính đến bài toán tiêu thụ. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách cho cây dược liệu phát triển; trong đó có cơ chế về xây dựng vùng sản xuất an toàn gắn với tiêu thụ, chế biến. Đồng thời, có khảo sát cụ thể để đưa những cây dược liệu phù hợp về trồng và phát triển.
Ông Nguyễn Trung Thành chia sẻ Khánh Thượng cũng như nhiều xã khác của huyện Ba Vì đều có thế mạnh để phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, dù nguồn dược liệu có phong phú, đa dạng đến đâu nhưng nếu không được gìn giữ, bảo tồn thì nguồn tài nguyên quý này cũng cạn kiệt. Vì vậy, việc bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu cần được đặc biệt quan tâm. Thời gian tới, xã Khánh Thượng mong muốn mở rộng, đa dạng các loại cây dược liệu, trồng thay thế các rừng keo, bạch đàn kém năng suất...
Đồng quan điểm này, bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ và dược liệu Việt Nam (huyện Đông Anh), đề nghị ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ các đơn vị tham gia trồng cây dược liệu đầu tư, phát triển cơ sở sơ chế, chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung theo hướng hiện đại; trong đó hướng ưu tiên là đầu tư nhà máy sản xuất thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hóa mỹ phẩm, sản phẩm thực dưỡng...; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm…

Một vườn cây dược liệu. (Ảnh minh họa. Lê Xuân/TTXVN)
Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, cho biết là một trong những địa phương có nguồn cây dược liệu lớn, phong phú, đa dạng, Hà Nội xác định thế mạnh là phát triển các vùng chuyên canh; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, từng bước đưa dược liệu trở thành một trong những cây trồng chủ lực.
Hà Nội sẽ hỗ trợ xây dựng các mô hình cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhất là hỗ trợ hình thành các vùng chuyên canh tập trung để trồng cây dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO tại các vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, với quy mô 400 ha vào năm 2025 và 1.000 ha vào năm 2030. Để bảo tồn và phát triển bền vững các giống cây dược liệu, thành phố đã ban hành Kế hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024-2025.
Thành phố Hà Nội ưu tiên phát triển 16 loại cây dược liệu, gồm trà hoa vàng, kim ngân hoa, đinh lăng, cà gai leo, xạ đen, râu mèo, sâm bố chính, hương nhu, cỏ ngọt, thanh hao, húng quế, bạc hà, cúc chi, nghệ vàng, gừng, đông trùng hạ thảo.
Hà Nội đang tăng cường phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, đầu tư công nghệ sản xuất giống; xây dựng quy trình trồng cho năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh từ nguồn gene quý, lợi thế của từng địa phương; thực hiện nuôi trồng, thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn GMP-WHO nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, từ khâu nuôi trồng đến khai thác, chế biến sâu./.