Giá vàng miếng đắt chưa từng có 108 triệu đồng/lượng
Lúc 14h50 chiều nay 15/4, giá vàng trong nước chưa ngừng tăng, đẩy miếng đạt 108 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn là 107 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, giá vàng miếng được Doji và SJC niêm yết ở ngưỡng 105,5 - 108 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với đầu giờ sáng nay.
Còn giá vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu tương ứng ở mức 104,1 - 107 triệu đồng/lượng và tại Doji là 102,8 - 106 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán.
Đây là mức đắt nhất trong lịch sử giá vàng. Trước đó, nhiều chuyên gia dự báo giá vàng trong nước có thể sớm đạt kỷ lục chưa từng có là 110 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng đắt chưa từng có 108 triệu đồng/lượng. (Ảnh minh họa: VnEconomy)
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân nhận định, giá vàng trong nước sẽ tăng theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên, giá vàng không tăng một mạch mà sẽ có những nhịp tăng giảm đan xen. "Tôi cho rằng giá vàng có thể vọt lên mốc 110 triệu đồng/lượng sớm hơn dự báo của tôi trước đó. Khi giá vàng đã ở mức 107 triệu đồng/lượng thì chỉ cần hai phiên tăng mạnh là đạt mốc 110 triệu đồng/lượng", ông Huân nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia Phan Dũng Khánh lý giải: “Vàng là sản phẩm không quốc tịch, có giá trị trên toàn thế giới. Do đó, giá vàng trong nước chịu tác động nhiều bởi giá thế giới. Với tốc độ biến động như hiện nay, chúng ta không biết được đâu mới là đỉnh của giá vàng. Vì thế, việc giá vàng trong nước có thể lên tới 110 triệu đồng/lượng là rất dễ xảy ra”.
Ông Khánh nói thêm, đà tăng của giá vàng đang được thúc đẩy bởi xu hướng giảm giá của đồng USD, cùng với việc các ngân hàng trung ương quay lại mua tích trữ, dù không mạnh mẽ như giai đoạn trước.
“Giá vàng trong nước có thể tăng nhanh hoặc chậm hơn một chút so với giá thế giới chứ khó có thể ngược chiều giảm”, ông Khánh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi), cho biết, việc giá vàng thế giới liên tục lập kỷ lục không chỉ phản ánh lo ngại về lạm phát hay rủi ro địa chính trị mà còn là hệ quả của những bất ổn sâu rộng trong nền kinh tế - tài chính toàn cầu. Thời gian tới, giá vàng thế giới sẽ vẫn tiếp tục xu hướng đi lên.
Đối với giá vàng trong nước, theo ông Huy, giá vẫn tiếp tục đi lên nhưng chịu sự điều tiết vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước, nên mức tăng có thể sẽ không giống như vàng thế giới.
"Chính vì vậy, nhà đầu tư cần tỉnh táo, không chạy theo đám đông và có chiến lược phân bổ tài sản dài hạn hợp lý. Vàng chỉ nên chiếm tối đa 10% trong tổng danh mục, đa dạng hóa kênh đầu tư, sản xuất kinh doanh trong kỷ nguyên vươn mình", ông Huy đưa ra lời khuyên.