Tạm thời giữ nguyên số lượng cán bộ, công chức cấp tỉnh, dừng sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

Chính phủ yêu cầu chấm dứt việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; trường hợp các cán bộ không chuyên trách có đủ chuyên môn, trình độ có thể đưa về công tác tại thôn, tổ dân phố.

Nội dung thông tin có trong Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14-4-2025 phê duyệt Đề án Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (gọi là Đề án).

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ được hưởng chế độ, chính sách phù hợp khi thực hiện sắp xếp bộ máy. Ảnh tư liệu

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ được hưởng chế độ, chính sách phù hợp khi thực hiện sắp xếp bộ máy. Ảnh tư liệu

* Phương án tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Theo Đề án, phương án tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh gồm: tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cấp xã gồm: xã, phường (trong đất liền) và đặc khu (ở hải đảo); bỏ ĐVHC cấp huyện.

Chính quyền địa phương cấp tỉnh gồm có HĐND và UBND. HĐND tỉnh thành lập 3 ban là Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - ngân sách, Ban Văn hóa - xã hội (đối với tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có thể thành lập thêm Ban Dân tộc).

HĐND thành phố trực thuộc trung ương thành lập 4 ban (Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - ngân sách, Ban Văn hóa - xã hội và Ban Đô thị) theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.

Nhập nguyên trạng các cơ quan thuộc HĐND, cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính khác thuộc UBND ở ĐVHC cấp tỉnh mới hình thành sau sắp xếp. Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc HĐND, UBND cấp tỉnh thì việc tổ chức các cơ quan này do chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định phù hợp với quy định của luật và hướng dẫn của Chính phủ.

* Trước mắt, giữ nguyên số lượng cán bộ, công chức, viên chức

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp tỉnh sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản bố trí theo đúng quy định.

Sau khi chính quyền địa phương cấp tỉnh sau sắp xếp đi vào hoạt động, Chính phủ đề nghị Bộ Chính trị giao Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Đảng ủy Chính phủ và các cơ quan liên quan căn cứ dân số, diện tích, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh để xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế cho các địa phương.

Về phương án bố trí đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, Chính phủ đề nghị Bộ Chính trị giao Ban Tổ chức Trung ương tham mưu, hướng dẫn bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh (Đảng, đoàn thể, HĐND, UBND cấp tỉnh và các ban chuyên môn của cơ quan Đảng, đoàn thể) của các địa phương sau sáp nhập, đặc biệt là nhân sự bố trí đối với cấp trưởng và định hướng giải quyết đối với số lượng cấp phó dôi dư sau sáp nhập các tỉnh, thành phố.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh và các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trước mắt, giữ nguyên số lượng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; sau khi các cơ quan này đi vào hoạt động ổn định, giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm, xác định biên chế các địa phương trình cấp có thẩm quyền giao biên chế của cả hệ thống chính trị ở các địa phương.

Chính quyền địa phương cấp xã (xã, phường, đặc khu) gồm có HĐND và UBND. HĐND cấp xã thành lập 2 ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - xã hội.

Đề án cũng nêu rõ bỏ toàn bộ ĐVHC cấp huyện, tổ chức sắp xếp lại các ĐVHC cấp xã để hình thành các ĐVHC cấp xã có quy mô lớn hơn so với cấp xã hiện nay; đồng thời chuyển toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay về cho xã, phường, đặc khu thực hiện. Theo đó, Chính phủ dự kiến UBND cấp xã tổ chức tối đa bốn phòng chuyên môn và tương đương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo (đặc khu).

Đối với ĐVHC cấp xã giữ nguyên trạng (không sắp xếp) thì có thể không tổ chức Phòng chuyên môn. Chính phủ dự kiến bố trí tăng thêm một phó chủ tịch UBND và một số công chức cho UBND cấp xã nơi không tổ chức phòng chuyên môn và giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định cụ thể đối với từng ĐVHC cấp xã trên địa bàn.

Đối với trường hợp sắp xếp từ 2 ĐVHC cấp xã trở lên thành một ĐVHC cấp xã mới, định hướng tổ chức tối đa bốn Phòng chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp xã...

* Chấm dứt sử dụng cán bộ không chuyên trách xã, người đủ trình độ về tổ dân phố

Về biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, Đề án nêu quy mô ĐVHC cấp xã lớn hơn so với hiện nay và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã tăng lên (thực hiện toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay).

Theo đó, Chính phủ dự kiến trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện và cán bộ, công chức của cấp xã hiện có trước sắp xếp để bố trí cho các ĐVHC cấp xã mới (sau sắp xếp).

Thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn năm năm cơ bản theo đúng quy định.

Bộ Nội vụ căn cứ dân số, diện tích, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã cho các địa phương.

Kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố. Thực hiện chính sách nghỉ việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà không bố trí công tác theo quy định.

Dự kiến mỗi xã có khoảng 32 biên chế

Căn cứ dân số, diện tích, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các ĐVHC cấp xã, Chính phủ định hướng giao tổng biên chế chính quyền địa phương cấp xã cho các địa phương (dự kiến bình quân khoảng 32 biên chế/cấp xã).

Trên cơ sở đó, giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định số lượng biên chế đối với chính quyền địa phương từng ĐVHC cấp xã trên địa bàn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Cán bộ, công chức được bố trí làm việc tại ĐVHC cấp xã mới sau sắp xếp được bảo lưu chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ hiện hưởng (nếu có) trong thời gian sáu tháng. Sau thời gian này sẽ thực hiện chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ phù hợp với quy định mới.

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202504/tam-thoi-giu-nguyen-so-luong-can-bo-cong-chuc-cap-tinh-dung-su-dung-nguoi-hoat-dong-khong-chuyen-trach-o-cap-xa-961193f/
Zalo