'Cháy hàng' vòng vàng Na Tra 4.000 USD

Sau khi 'Na Tra: Ma Đồng Náo Hải' (Na Tra 2) lập kỷ lục phòng vé ở Trung Quốc, vòng tay vàng lấy cảm hứng từ nhân vật hoạt hình Na Tra được người tiêu dùng săn đón.

 Vòng tay Na Tra bằng vàng đang được xem như một khoản đầu tư của người trẻ.

Vòng tay Na Tra bằng vàng đang được xem như một khoản đầu tư của người trẻ.

Ra mắt ngày 29/1, Na Tra: Ma Đồng Náo Hải (Na Tra 2) nhanh chóng khuynh đảo phòng vé Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán. Bộ phim thu về 3 tỷ NDT (khoảng 423 triệu USD) chỉ trong cuối tuần đầu tiên và tiếp tục vượt mốc 1 tỷ USD tại thị trường nội địa, xác lập kỷ lục mới trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc.

Không chỉ gây sốt trên màn ảnh, Na Tra 2 còn tạo ra trào lưu trong ngành hàng xa xỉ. Mẫu vòng tay vàng lấy cảm hứng từ bộ phim, do thương hiệu trang sức cao cấp đến từ Hong Kong (Trung Quốc) Luk Fook Jewellery chế tác, đang trở thành món phụ kiện được săn đón.

Sản phẩm này ra mắt từ 5 năm trước, cùng phần phim đầu tiên, với trọng lượng 60 g và mức giá ban đầu 4.000 USD. Hiện tại, do giá vàng tăng mạnh, chiếc vòng đã leo lên khoảng 5.700 USD, theo Jing Daily.

Người dùng trên Xiaohongshu săn vòng tay từ nhiều cửa hàng khác nhau.

Người dùng trên Xiaohongshu săn vòng tay từ nhiều cửa hàng khác nhau.

Cơn sốt vòng vàng

Bên cạnh ý nghĩa văn hóa, vòng tay Na Tra còn được xem là một kênh đầu tư tiềm năng. Nhu cầu tăng cao khiến nhiều người hâm mộ đổ xô tìm mua trên các nền tảng giao dịch đồ cũ, trong khi các nhà sản xuất tung ra phiên bản tương tự để tận dụng sức nóng của thị trường.

Tại các cửa hàng vàng, những mẫu vòng tay lấy cảm hứng từ phim được sản xuất với trọng lượng tùy chỉnh 30-60 g, có giá bán dao động từ 20.000-30.000 NDT (khoảng 2.700-4.100 USD), đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua

Trên mạng xã hội Trung Quốc, cơn sốt vòng tay Na Tra không chỉ dừng lại ở trào lưu mua sắm. Nhiều người trẻ đưa việc sở hữu chiếc vòng vàng này vào danh sách mục tiêu tài chính của năm, thậm chí ghi lại hành trình tiết kiệm tiền mua vòng qua các vlog cá nhân.

 Tận dụng sức nóng, nhiều cửa hàng bán vàng sản xuất mẫu vòng giống Na Tra.

Tận dụng sức nóng, nhiều cửa hàng bán vàng sản xuất mẫu vòng giống Na Tra.

Phim Na Tra 2 dựa trên thần thoại Trung Hoa, song tác phẩm giải trí còn chứa đựng những thông điệp sâu sắc về xã hội. Trong phim, nhân vật Na Tra, vị thần trẻ tuổi khao khát được công nhận, đã phát hiện các vị thần bị tha hóa trước các cuộc đấu tranh quyền lực. Không chịu đựng sống trong thế giới thần tiên bị quyền lực chi phối, vị thần này đã vùng lên.

Chủ đề này nhanh chóng chạm đến tâm lý giới trẻ Trung Quốc, phản ánh những bức bối về sự bất bình đẳng xã hội, môi trường làm việc căng thẳng và hạn chế trong khả năng thăng tiến.

Ngoài nội dung, bộ phim còn trở thành biểu tượng của niềm tự hào dân tộc, được mệnh danh là “niềm hy vọng của hoạt hình Trung Quốc”. Nhiều khán giả ủng hộ bằng cách xem lại nhiều lần, thậm chí mua nhiều vé để thể hiện sự đồng hành với điện ảnh nước nhà.

Thị trường xa xỉ gắn liền văn hóa

Sức ảnh hưởng của Na Tra 2 cũng giúp Pop Mart, công ty chuyên sản xuất đồ chơi nghệ thuật (art toy) tại Trung Quốc, đạt doanh số đột biến. Bộ sưu tập Nezha: The Devil Child Rages Across the Sea: Innate Bond Series nhanh chóng cháy hàng chỉ sau 2 ngày phát hành, với hơn 30.000 đơn bán trực tuyến.

Theo Báo cáo Thị trường Xa xỉ Trung Quốc 2024 của Bain & Company, lĩnh vực xa xỉ tại Trung Quốc đang chững lại khi nhiều thương hiệu gặp khó khăn trong việc duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, sự thành công của vòng tay Na Tra cho thấy những tiềm năng chuyển mình của thị trường.

 Các nhân vật art toy Na Tra từ Pop Mart ghi nhận lượt mua tăng đột biến. Ảnh: Pop Mart.

Các nhân vật art toy Na Tra từ Pop Mart ghi nhận lượt mua tăng đột biến. Ảnh: Pop Mart.

Xu hướng này phản ánh sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng xa xỉ của giới trẻ Trung Quốc. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tính biểu tượng văn hóa, câu chuyện đằng sau sản phẩm và giá trị đầu tư. Những món đồ có sự kết nối mạnh mẽ với văn hóa đại chúng, như vòng tay Na Tra, không chỉ hấp dẫn về mặt thẩm mỹ mà còn mang ý nghĩa sưu tầm, tài sản.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, các thương hiệu xa xỉ cần thay đổi chiến lược nếu muốn duy trì sức hút. Cách tiếp cận dựa trên văn hóa, đổi mới sáng tạo và giá trị sản phẩm có thể giúp thương hiệu tồn tại và phát triển.

Thay vì chạy theo những xu hướng nhất thời, các nhãn hàng nên đầu tư vào câu chuyện thương hiệu, sự liên kết với văn hóa địa phương và tính độc đáo của sản phẩm, nhằm kích thích cảm xúc người tiêu dùng và tạo dựng sự kết nối bền vững với thị trường.

Như Phương

Ảnh: Xiaohongshu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chay-hang-vong-vang-4000-usd-cua-na-tra-2-post1531215.html
Zalo