Châu Âu tìm kiếm sự thống nhất về vấn đề Ukraine
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực đảm bảo sự tham gia trong tiến trình đàm phán về cuộc xung đột tại Ukraine, trong bối cảnh Mỹ thông báo một nhóm quan chức cấp cao của nước này chuẩn bị tổ chức các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Nga và Ukraine tại Saudi Arabia.

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) ở Munich, Đức ngày 14-2. Ảnh: Getty images
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12-2 có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm thúc đẩy các nỗ lực đàm phán chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua. Sau đó, vào ngày 15-2, các nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước đã tiếp tục trao đổi để tổ chức các cuộc đàm phán tại Saudi Arabia vào tuần tới để chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh tiềm năng giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Putin.
Giới chức Mỹ ngày 15-2 cho biết Ngoại trưởng nước này Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff dự kiến sẽ đến Saudi Arabia để đàm phán với các đại diện của Nga và Ukraine. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về những cuộc gặp này chưa được công bố. Trong thông báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Tammy Bruce cho biết ông Rubio đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và tái khẳng định cam kết của Tổng thống Trump trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột ở Ukraine.
Tổng thống Ukraine Zelensky ngày 15-2 xác nhận rằng Kiev không được mời tham gia các cuộc thảo luận giữa các phái đoàn của Washington và Moscow, dự kiến diễn ra tại Saudi Arabia vào tuần tới. "Có thể có điều gì đó trên bàn đàm phán, nhưng không phải trên bàn của chúng tôi. Tôi chưa thấy bất kỳ lời mời, thông báo hay tài liệu nào liên quan đến Ukraine", ông Zelensky nói với các phóng viên bên lề Hội nghị An ninh Munich. "Chúng tôi không nhận được bất kỳ văn bản hay lời mời nào", ông Zelensky nhấn mạnh. "Và thật kỳ lạ khi tôi phải lên tiếng trong tình huống này, nếu trước đó không có bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa chúng tôi và các đối tác chiến lược của mình".
Liên quan tới vấn đề này, kênh Fox News trích lời một quan chức cấp cao giấu tên của Ukraine cũng cho biết Kiev "không được mời cũng như không được thông báo" về cuộc đàm phán sắp tới giữa Mỹ và Nga tại Saudi Arabia. Trong khi Politico cho biết "không có kế hoạch" để đại diện từ các cường quốc châu Âu khác tham gia, hãng tin Bloomberg cũng đưa tin rằng các quan chức châu Âu thậm chí còn chưa được thông báo. Thông tin được đưa ra giữa lúc có lo ngại Ukraine và châu Âu có thể bị gạt ra ngoài cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua giữa Moscow và Kiev sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin.
Tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra từ ngày 14 đến 16-2 tại Munich, thủ phủ của bang Bavaria (Bayern), miền Nam nước Đức, các ngoại trường G7 nhấn mạnh cam kết hợp tác để đạt được một nền hòa bình lâu dài tại Ukraine, qua đó kiến tạo tương lai phát triển và thịnh vượng cho Ukraine. Đồng thời, các ngoại trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng các bảo đảm an ninh nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột tái diễn. G7 đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine vào tháng 2-2022, đồng thời áp dụng một số biện pháp hạn chế kinh tế nhằm vào Nga, bao gồm đóng băng tài sản và kiểm soát xuất khẩu. Tuyên bố mới nhất của G7 để ngỏ khả năng áp dụng thêm các biện pháp nhằm gia tăng sức ép, tùy thuộc vào diễn biến tình hình sau tháng 2 này.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte nhấn mạnh châu Âu cần đưa ra những đề xuất phù hợp để đạt được hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine, nếu các nước châu lục này muốn tham gia vào tiến trình hòa bình do Mỹ dẫn dắt. Trả lời báo giới, ông Rutte giải thích: "Nếu châu Âu muốn có tiếng nói, chúng ta cần thể hiện vai trò của mình một cách rõ ràng". Dự kiến, vào ngày 17-2, ông Rutte sẽ tới Paris để tham dự cuộc họp do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì, nhằm thảo luận về lập trường chung của châu Âu đối với vấn đề Ukraine. Văn phòng Tổng thống Pháp xác nhận các cuộc thảo luận đang diễn ra về khả năng tổ chức cuộc họp không chính thức giữa các nhà lãnh đạo châu Âu. Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc châu Âu tăng cường vai trò trong NATO và phối hợp với Mỹ để đảm bảo tương lai cho Ukraine.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 14-2 đã khẳng định tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cần tham gia vào quá trình đàm phán hòa bình, trong đó châu Âu có vai trò vô cùng quan trọng. Ông Vương Nghị cũng có cuộc gặp riêng rẽ với người đồng cấp Ukraine Andrii Sybiha bên lề hội nghị này, trong đó tái khẳng định cam kết của Trung Quốc thúc đẩy hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục kêu gọi châu Âu tăng cường năng lực phòng thủ của chính mình, nhấn mạnh rằng lục địa này không thể chỉ trông cậy vào Washington. Ông đề xuất thành lập một lực lượng quân sự chung của châu Âu để đảm bảo an ninh khu vực. Phát biểu tại hội nghị nói trên, Tổng thống Zelensky khẳng định Ukraine sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra mà không có sự tham gia của nước này. Ông nhấn mạnh: "Không có quyết định nào về Ukraine mà không có Ukraine. Không có quyết định nào về châu Âu mà không có châu Âu."
Trong khi đó, cũng tại hội nghị nói trên, đặc phái viên của Mỹ về Ukraine và Nga, ông Keith Kellogg, cho biết mặc dù châu Âu không tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán sắp tới, nhưng vẫn có thể đóng góp ý kiến. Truyền thông phương Tây dẫn 4 nguồn tin châu Âu cho biết Mỹ đã gửi một tài liệu bao gồm danh mục câu hỏi để tham vấn với các quốc gia châu Âu về khả năng đóng góp nhằm đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb ngày 15-2 xác nhận: "Mỹ đã gửi danh mục câu hỏi cho châu Âu về những việc có thể thực hiện được. Điều này sẽ buộc châu Âu phải cân nhắc và quyết định xem liệu có phản hồi hay không, cũng như liệu họ có đưa câu trả lời chung hay không". Một nhà ngoại giao châu Âu thạo tin về tài liệu này nêu rõ: "Mục tiêu là đánh giá quan điểm của các đồng minh châu Âu về một khuôn khổ đàm phán tiềm năng nhằm chấm dứt xung đột, đồng thời xác định mức độ tham gia của cả châu Âu và Mỹ trong tiến trình này".