Bị cha đẻ của thuyết quyền lực mềm chỉ trích, nỗ lực cải tổ chính quyền của Tổng thống Donald Trump có giúp Mỹ 'lật ngược thế cờ'?
Theo chuyên gia, việc cắt giảm viện trợ nước ngoài chắc chắn sẽ làm suy yếu năng lực ngoại giao của Washington và tác động tức thời đến quan hệ Mỹ - Trung Quốc, tạo thế có lợi cho Bắc Kinh.

Việc cải tổ chính quyền liên bang có thật sự giúp Mỹ tập trung nhiều nguồn lực hơn vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc - một ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Donald Trump? (Nguồn: SCMP)
Trong sáu thập kỷ qua, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) vẫn luôn phát huy vai trò là công cụ quyền lực mềm của Washington. Cơ quan này quản lý hàng tỷ USD viện trợ tài chính được phân phối trên toàn thế giới - khoảng 71,9 tỷ USD, chiếm hơn 40% viện trợ nhân đạo toàn cầu, chỉ tính riêng trong năm 2023. Thông qua các chương trình của USAID tại 177 quốc gia, thị trường xuất khẩu của Mỹ vì thế cũng được mở rộng.
Các cường quốc như Trung Quốc cũng theo cách làm này khi thành lập các cơ quan tương tự để thực hiện các sáng kiến thể hiện quyền lực mềm của riêng quốc gia mình.
Nhưng sau khi ông Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai với động thái gây sốc là đóng cửa USAID cũng như đóng băng hầu hết viện trợ nước ngoài để xem xét trong 90 ngày, những nỗ lực gia tăng quyền lực mềm của Washington đột ngột bị dừng lại.
Làm suy yếu quyền lực mềm của Washington
Việc giải thể USAID là một phần trong cuộc cải tổ lớn nhằm tinh giản bộ máy chính phủ và điều chỉnh chi tiêu của cơ quan này phù hợp với các ưu tiên của chính quyền. Theo các kênh thông tin, USAID sẽ tiếp tục chức năng của mình như một cơ quan viện trợ, nhưng sẽ bị cắt giảm đáng kể nguồn tài trợ và lực lượng lao động.
Động thái này đã gây ra tình trạng mất việc làm trên diện rộng, theo đó 1 triệu công viên chức được yêu cầu từ chức hoặc có nguy cơ bị sa thải, trong khi các cơ quan nghiên cứu hàng đầu như Viện Y tế quốc gia và Quỹ Khoa học quốc gia được yêu cầu xem xét lại các khoản tài trợ và cắt giảm nhân viên.
Với việc rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris ngay trong ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Donald Trump chính thức đưa quốc gia phát thải lớn nhất thế giới đứng ngoài các nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Quyết định rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ quan mà ông Trump đã nhiều lần chỉ trích về cách xử lý đại dịch Covid-19 cũng được xét trên nhận định là không phù hợp với các ưu tiên của đất nước.
Giới phân tích cho rằng, việc chấm dứt đột ngột viện trợ nước ngoài cũng như sự xáo trộn về chính sách ở Washington có khả năng làm suy yếu sức mạnh mềm và vị thế toàn cầu của nước Mỹ, đồng thời tạo cơ hội cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại nhận định, việc cải tổ chính quyền liên bang có thể cho phép Mỹ tập trung nhiều nguồn lực hơn vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc - một ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump.
Việc đóng băng viện trợ nước ngoài và xóa bỏ USAID đáng chú ý là phù hợp với các đề xuất được đưa ra trong Dự án 2025 - một "chương trình nghị sự cực hữu" cho nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump tại Nhà Trắng do nhóm nghiên cứu cánh hữu Heritage Foundation biên soạn vào năm 2023.
Theo đó, Project 2025 kêu gọi chính quyền mới thực hiện “những bước đi táo bạo” vào “ngày đầu tiên” để “thay đổi quy mô và mục đích sử dụng danh mục viện trợ nhân đạo của USAID” nhằm đối phó tốt hơn với Bắc Kinh.
“Mục đích chung của cuộc cải tổ lần này là giảm thiểu lãng phí và nâng cao hiệu quả, và không còn nghi ngờ gì nữa, Bắc Kinh chắc chắn là ưu tiên trong việc phân bổ lại các nguồn lực ngoại giao và an ninh của Washington trong tương lai”, Wu Xinbo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế tại Đại học Fudan ở Thượng Hải cho biết.
Cũng theo ông Wu, trong khi Tổng thống Mỹ và những người ủng hộ ông tuyên bố rằng mục tiêu là giảm thiểu lãng phí tài nguyên, thì “mặt khác, các nguồn lực này có khả năng sẽ được chuyển hướng đến khu vực cạnh tranh với Trung Quốc”.
Viện trợ nước ngoài từ lâu vốn được coi là nền tảng của “quyền lực mềm” - một thuật ngữ được nhà khoa học chính trị Joseph Nye đưa ra lần đầu tiên vào năm 1990 để định nghĩa khả năng của một quốc gia trong việc gây ảnh hưởng lên một quốc gia khác mà không cần dùng đến sự ép buộc. Không giống như “quyền lực cứng” – sử dụng các biện pháp quân sự và kinh tế – quyền lực mềm không chỉ được các quốc gia ưa chuộng mà còn được vận dụng thông qua các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế khác.
Kể từ khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp đình chỉ viện trợ nước ngoài trong vòng 90 ngày hôm 20/1, giới phân tích đã lo ngại rằng cường quốc số một thế giới có thể mất vị thế trên trường quốc tế khi các cường quốc đối thủ như Trung Quốc và Nga cố gắng lấp đầy khoảng trống.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin NBC News, Joseph Nye cho biết, ông tin rằng ông chủ Nhà Trắng không hiểu gì về quyền lực mềm.
“Quyền lực là khả năng khiến người khác làm những gì bạn muốn và bạn có thể làm theo 3 cách: sự ép buộc; dùng tiền; hoặc tạo sự hấp dẫn - tương ứng với cây gậy, củ cà rốt và mật ong. Và Tổng thống Trump không hiểu gì về mật ong”, cha đẻ của thuyết quyền lực mềm nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio - người được bổ nhiệm làm Quyền Giám đốc USAID, đã tìm cách xoa dịu những lo ngại về tương lai của cơ quan này. Ông hứa sẽ duy trì các chương trình liên quan đến "dịch vụ y tế, thực phẩm, nơi trú ẩn và hỗ trợ sinh kế".
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức, ông Rubio đã trao đổi với nhân viên Đại sứ quán ở Guatemala rằng Mỹ “sẽ không từ bỏ viện trợ nước ngoài”, theo tờ The New York Times.
Cố vấn cấp cao cho Tổng thống Donald Trump, tỷ phú Elon Musk, lãnh đạo của Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE), đã đưa ra kế hoạch đóng cửa nhiều cơ quan liên bang hơn, bao gồm cả Bộ Giáo dục. Một loạt các vụ kiện đã được các công đoàn và nhóm tổng chưởng lý hơn 10 bang Dân chủ đệ trình lên tòa án để đáp trả động thái này.
Trên thế giới, các quốc gia, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ cũng đang theo dõi chặt chẽ những thay đổi chính sách mạnh mẽ đang diễn ra tại Washington và phân tích những tác động tiềm tàng có thể xảy đến. Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo vào tuần trước cho biết ông sẽ “tìm cách làm rõ chính xác những gì sẽ bị ảnh hưởng” khi ông gặp Ngoại trưởng Marco Rubio bên lề Hội nghị An ninh Munich.
Theo cổng thông tin GMA Network có trụ sở tại Manila, USAID đã hỗ trợ 39 tổ chức và dự án tại Philippines với khoản hỗ trợ tài chính lên tới 47 triệu USD.
Tạo lợi thế cho Bắc Kinh
Li Wei, Giáo sư về Quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho biết trong khi đảng Cộng hòa và phe bảo thủ từ lâu đã kêu gọi cắt giảm bộ máy hành chính liên bang, thì điều ngạc nhiên là ông Trump lần đầu tiên nhắm vào USAID - cơ quan vốn có “tuổi đời” hơn 60 năm.
“Nhìn chung, viện trợ từ lâu đã là một công cụ quan trọng của chính sách đối ngoại”, chuyên gia Li nói. “Việc cắt giảm viện trợ nước ngoài chắc chắn sẽ làm suy yếu năng lực ngoại giao của Washington và tác động tức thời đến quan hệ Mỹ - Trung Quốc, tạo thế có lợi cho Bắc Kinh”.
Hiện tại, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn giữ im lặng về động thái giải thể USAID của chính quyền Mỹ.
Dù vậy, tại một cuộc họp báo vào tuần trước, các quan chức của Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc - được thành lập năm 2018 để quản lý việc phân phối viện trợ nước ngoài - đã cố gắng mô tả đất nước Đông Bắc Á này là đối tác ổn định của các nước đang phát triển trong thời điểm bất ổn ở Washington.
“Trung Quốc luôn thực hiện những gì chúng tôi cam kết và giữ lời hứa”, Phó Giám đốc Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc Hu Zhangliang nói trong cuộc phỏng vấn với Phoenix TV, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ cung cấp viện trợ “trong khả năng tốt nhất” cho các quốc gia đang phát triển.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz đã bác bỏ ý tưởng rằng việc xóa bỏ USAID sẽ tạo ra cơ hội cho Trung Quốc và Nga, nói rằng cơ quan này đã không hành động vì lợi ích chiến lược của Mỹ, “ví dụ như việc đẩy lùi Bắc Kinh”.
Mỹ muốn “toàn tâm toàn ý” cạnh tranh với Trung Quốc
Chuyên gia Wu Xinbo nhận định, việc đối phó với Bắc Kinh rõ ràng là ưu tiên của Tổng thống Trump cùng các trợ lý. Cả ông Rubio và ông Waltz trước đây đều kêu gọi Tổng thống cần nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Ukraine để Mỹ có thể “toàn tâm toàn ý” cạnh tranh với Trung Quốc.
Chỉ vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức, Ngoại trưởng Marco Rubio đã có cuộc họp với người đồng cấp của Nhật Bản, Australia và Ấn Độ trong khuôn khổ cuộc họp đầu tiên của nhóm Bộ tứ (Quad) sau khi Mỹ có chính quyền mới với mục đích đối phó lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Giáo sư Li Wei bình luận, vẫn còn quá sớm để nói rằng cuộc cải tổ chính quyền liên bang “chưa từng có” này sẽ thay đổi động lực giữa Bắc Kinh và Washington như thế nào.

Với việc Tổng thống Trump đóng cửa USAID cũng như đóng băng hầu hết viện trợ nước ngoài để xem xét trong 90 ngày, những nỗ lực gia tăng quyền lực mềm của Washington đột ngột bị dừng lại. (Nguồn: TNS)
“Các cuộc cải cách nếu thành công thì có thể phục hồi thị trường trong nước bằng cách cắt giảm các cơ quan chính phủ và chi tiêu dư thừa, và điều đó sẽ giúp Mỹ cạnh tranh hơn và mang lại những thay đổi mới trong cán cân quyền lực với Trung Quốc”.
Trong khi đó, các nhà quan sát tại Mỹ lại cho rằng, quá trình cải tổ sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn. “Nếu mục tiêu chính là Trung Quốc, thì có lẽ ... điều này sẽ phản tác dụng”, Zhiqun Zhu, Phó Giáo sư Khoa học chính trị và Quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell ở Pennsylvania cho biết.
“Ví dụ, nếu hiện tại Trung Quốc không phải là thành viên của WHO, thì Mỹ sẽ khó có thể thực hiện được ảnh hưởng của mình trong tổ chức toàn cầu này, chứ đừng nói đến việc đưa một người Mỹ vào vị trí lãnh đạo”, ông Zhiqun Zhu dẫn chứng, ám chỉ đến thông tin việc chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc một kế hoạch cải tổ WHO, bao gồm việc đưa một người Mỹ vào vị trí đứng đầu tổ chức đa phương này.
Andrew Mertha, Giám đốc Chương trình nghiên cứu về Trung Quốc tại khoa Nghiên cứu quốc tế nâng cao tại Đại học Johns Hopkins (Washington, Mỹ) cho biết ngay cả khi USAID được sáp nhập với Bộ Ngoại giao, theo đề xuất của Ngoại trưởng Rubio, thì “vẫn sẽ có sự giám sát chặt chẽ hơn vì chuyên môn hành chính và nhiệm vụ tổ chức không dễ dàng thay thế cho nhau”.
Theo ông Mertha, các hành động đơn phương và ý tưởng khiêu khích khác của ông Trump cũng sẽ làm xói mòn quyền lực mềm của Mỹ - bao gồm việc kiểm soát Greenland, Canada và Kênh đào Panama, áp thuế quan lên các đồng minh và đối thủ cạnh tranh, và lời đề nghị của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Quan chức này khẳng định, với việc Tổng thống Trump giải thể USAID, cũng như những nỗ lực đơn phương khác nhằm định vị lại nước Mỹ trong trật tự toàn cầu, điều này sẽ nhanh chóng làm cạn kiệt thiện chí quốc tế, để lại những khoảng trống mà Trung Quốc có thể dễ dàng lấp đầy".