Căng thẳng Trump - Zelensky leo thang sau màn đấu khẩu

Mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang căng thẳng, khi ông Trump chỉ trích gay gắt người đồng cấp Ukraine về cách xử lý cuộc xung đột với Nga. Những lời chỉ trích này liệu có làm trì hoãn tiến trình hòa bình hay sẽ tạo cơ hội mới cho đàm phán?

Tại sao căng thẳng Trump - Zelensky leo thang?

Ông Trump đã gọi ông Zelensky là “nhà độc tài” không qua bầu cử, đồng thời cáo buộc Ukraine nhận tiền viện trợ của Mỹ rồi kéo Washington vào một cuộc xung đột bất tận. Phát biểu này được đưa ra sau khi ông Zelensky bác bỏ tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng rằng Ukraine là bên khơi mào xung đột với Nga và chỉ trích việc Kiev bị loại khỏi cuộc đàm phán Nga - Mỹ tại Riyadh, Ả rập Xê út.

Hôm 19/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng tải một thông điệp chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Ukraine Zelensky trên mạng xã hội, gọi ông là một “diễn viên hài khá thành công”, khi thuyết phục chính quyền nhiệm kỳ trước của Mỹ “chi 350 tỷ USD để tham gia vào một cuộc chiến không thể thắng và hoàn toàn không cần phải bắt đầu”. Cuộc khẩu chiến này tiếp tục kéo dài suốt cả ngày và leo thang căng thẳng hơn khi ông Trump phát biểu tại Miami vào tối cùng ngày.

Ông Zelensky cần hành động nhanh chóng. Nếu không, ông ấy sẽ không còn đất nước để lãnh đạo. Ông ấy từ chối tổ chức bầu cử và tỷ lệ ủng hộ rất thấp. Ý tôi là, làm sao tỷ lệ ủng hộ ở Ukraine có thể cao được khi mọi thành phố đều bị tàn phá? Điều này thật vô lý.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các cáo buộc của Tổng thống Trump được cho là lặp lại quan điểm lâu nay của Nga về cuộc xung đột Ukraine, khi Tổng thống Zelensky ban hành thiết quân luật và ngừng các cuộc bầu cử theo kế hoạch.

Đáng chú ý, bài đăng trên mạng xã hội của ông Trump hôm 19/2 không phải là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Mỹ công khai chỉ trích ông Zelensky. Trong nhiều năm qua, ông Trump luôn hoài nghi về ông Zelensky, thường xuyên đặt câu hỏi về các quyết định của nhà lãnh đạo Ukraine. Đặc biệt, trong vụ luận tội đầu tiên của mình, ông Trump từng thúc giục ông Zelensky mở cuộc điều tra nhằm vào đối thủ chính trị Joe Biden.

Ông Trump thậm chí đã cùng lúc kết hợp những chỉ trích nhắm vào cả Tổng thống Zelensky và người tiền nhiệm - cựu Tổng thống Mỹ Biden. Trong bài phát biểu tại Miami, ông Trump bóng gió rằng Tổng thống Ukraine đã nhận được “lợi ích không cân xứng” từ Mỹ dưới thời chính quyền Biden.

Nếu các bạn làm việc với chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden thêm một năm nữa, các bạn sẽ ở trong Thế chiến thứ ba. Nhưng bây giờ điều đó sẽ không xảy ra.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bình luận của ông Trump diễn ra ngay sau khi ông Zelensky nói với các phóng viên ở Kiev rằng, nhà lãnh đạo Mỹ đang sống trong một “không gian thông tin sai lệch”, chỉ trích Washington loại Kiev khỏi các cuộc đàm phán với Nga tại Ả rập Xê út trong tuần này.

Trong một cuộc trò chuyện riêng với các phụ tá tại bang Florida, ông Trump cho biết, ông muốn phản ứng trực tiếp. Điều này dường như là nguyên nhân dẫn đến bài đăng đầy giận dữ của ông trên mạng xã hội Truth Social và sau đó là những phát biểu trước hàng trăm khán giả tại hội nghị đầu tư ở Miami, do quỹ đầu tư quốc gia Ả rập Xê út tài trợ. Trong khi đó, theo hãng tin Al Jazeera, lý do Tổng thống Trump làm như vậy là vì ông ấy nổi tiếng với tính khí nóng nảy. Ông ấy vốn đã không hài lòng về những bình luận mà Tổng thống Zelensky đưa ra trước đó.

Về phía Ukraine, Tổng thống Zelensky cho rằng, nỗ lực chấm dứt xung đột mà Tổng thống Mỹ Trump đang hướng tới có vẻ rất giống với những gì Nga mong muốn. Các thành viên trong chính quyền Trump đã loại trừ khả năng Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và khẳng định rằng, quân đội Mỹ sẽ không can thiệp để bảo vệ an ninh của Ukraine khi chiến sự kết thúc. Vì vậy, ông Zelensky cho biết, ông không thể im lặng trước những quan điểm này.

Trong suốt nhiều tháng qua, Tổng thống Zelensky đã cố gắng tránh rạn nứt hoàn toàn với ông Trump. Ông đã tổ chức cuộc gặp với ông Trump trước cuộc bầu cử năm ngoái để xoa dịu những nghi ngờ về sự tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột. Họ gặp nhau tại Trump Tower ở Manhattan, nơi ông Trump cho biết ông có “mối quan hệ rất tốt” với ông Zelensky, nhưng cũng đồng thời khẳng định ông có “mối quan hệ rất tốt” với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.

Thật khó dự đoán cuộc khẩu chiến công khai giữa ông Trump và ông Zelensky sẽ ảnh hưởng thế nào đến kết quả các cuộc đàm phán bởi hành vi khó lường của Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, trong một diễn biến liên quan, Mỹ đã hủy bỏ cuộc họp báo được lên kế hoạch giữa ông Zelensky và ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề Ukraine, như một dấu hiệu cho thấy căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang.

Báo hiệu sự thay đổi chính sách của Mỹ

Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang trải qua những thay đổi đáng chú ý, đặc biệt là trong cách tiếp cận với cuộc xung đột Ukraine. Mặc dù ông Trump vẫn duy trì quan hệ với các đồng minh truyền thống ở châu Âu, nhưng những chỉ trích gay gắt đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và thái độ gần gũi hơn với Nga cho thấy một chiến lược mới đang được hình thành.

Điều này không chỉ phản ánh sự thất vọng của ông Trump với cách thức quản lý cuộc chiến trước đó, mà còn là nỗ lực tìm kiếm một phương án hòa bình mà không có sự can thiệp quân sự từ Mỹ. Liệu ông Trump có thể đạt được mục tiêu này và thay đổi hoàn toàn cục diện xung đột, hay các đồng minh phương Tây sẽ tiếp tục giữ vai trò then chốt trong việc giải quyết vấn đề Ukraine?

Theo hãng tin CNN, rất ít nhà lãnh đạo nước ngoài có thể dự đoán và ứng phó với sự thay đổi tâm trạng của Tổng thống Trump. Sự thất thường này từng dẫn đến việc hủy bỏ các chuyến công du, các cuộc gọi điện thoại đột ngột bị cắt ngang và các quyết định thuế quan cứng rắn. Tuy nhiên, cho đến nay, sự thất thường của ông Trump vẫn chưa dẫn đến sự thay đổi toàn diện trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Mặc dù ông vẫn duy trì quan hệ với các đồng minh lâu năm ở châu Âu, ông Trump lại có xu hướng gần gũi hơn với Nga.

Nhiều người ủng hộ ông Trump cho rằng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lẽ ra phải hiểu được phản ứng quyết liệt của nhà lãnh đạo Mỹ. Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, trong cuộc trò chuyện với tờ Daily Mail chia sẻ rằng, nếu ông Zelensky nghĩ rằng việc chỉ trích Tổng thống Trump trên các phương tiện truyền thông có thể thay đổi suy nghĩ của ông ấy, thì đó là chiến lược sai lầm.

Đồng quan điểm, một số nhà phân tích của Trung tâm Á - Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương chia sẻ với hãng tin Al Jazeera rằng, Tổng thống Zelensky có thể đã mắc sai lầm khi trực tiếp phản hồi những chỉ trích từ Tổng thống Trump. Các chuyên gia này lưu ý rằng, mối quan hệ giữa Mỹ và Ukraine, dù căng thẳng, vẫn chỉ là một yếu tố nhỏ trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao rộng lớn hơn giữa Washington và Moscow.

Như chúng ta đều biết, Tổng thống Trump từ lâu đã có thói quen gán biệt danh cho các nhân vật trong nước và quốc tế, đôi khi là những cái tên hoa mỹ hoặc thậm chí là để chê bai. Chúng ta cũng thấy rằng, ông Trump không thích ai phản bác lại ông. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky, một người khá nhanh nhạy, luôn sẵn sàng đáp trả khi bị xúc phạm hoặc tấn công. Vì vậy, khi ông Trump bị phản bác, ông ấy càng thêm tức giận và lời lẽ trở nên nặng nề hơn.

Ông John Herbst - Giám đốc Trung tâm Á - Âu, Hội đồng Đại Tây Dương.

Giải thích về những tuyên bố công khai của ông Trump, các quan chức Nhà Trắng khẳng định, mục tiêu chính của Tổng thống Mỹ là chấm dứt cuộc chiến kéo dài ba năm ở Ukraine, cuộc xung đột mà ông cho là đã bị chính quyền tiền nhiệm quản lý yếu kém.

Theo các quan chức này, sau nhiều năm chiến sự, đã đến lúc phải tìm cách kết thúc cuộc xung đột. Ông Trump cũng nói rõ mục tiêu duy nhất của ông là cứu sống hàng triệu người. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ông Trump sẽ đạt được mục tiêu này như thế nào khi ông tiếp tục chỉ trích ông Zelensky và có vẻ đồng tình với quan điểm của Nga.

Các đồng minh đảng Cộng hòa của ông Trump ở Washington hôm 19/2 cho rằng, tổng thống có thể đang ấp ủ cho một kế hoạch lớn. Thượng Nghị sĩ Kevin Cramer nhận định, ông Trump có thể đang “chuẩn bị một cuộc đàm phán” với Tổng thống Putin, qua những phát ngôn liên quan đến nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky. Còn Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tin rằng, ông Trump và đội ngũ cố vấn đang nỗ lực đạt hòa bình cho Kiev.

Chúng ta cần cho Tổng thống Trump không gian để hành động. Ông ấy đang thiết lập một chiến lược cấp độ cao, mục tiêu là khiến cả hai bên đến và chấm dứt xung đột, vì điều này sẽ phục vụ lợi ích của Mỹ và cả thế giới. Tôi nghĩ vấn đề này như một quá trình hòa giải hoặc trọng tài. Khi bắt đầu một cuộc hòa giải, bạn không thể đưa hai bên vào phòng ngay từ lần gặp đầu tiên, mà phải làm việc riêng biệt. Vì vậy, khi ông Zelensky phàn nàn rằng ông ấy không được mời tham gia cuộc họp tại Ả rập Xê út, tôi nghĩ đó là sự hiểu lầm.

Ông Mike Johnson - Chủ tịch Hạ Viện Mỹ.

Tuy nhiên, để đạt được bất kỳ thỏa thuận nào chấm dứt cuộc xung đột, ông Trump vẫn cần sự hợp tác từ ông Zelensky. Nếu ông Trump thực sự muốn tránh sự tham gia của quân đội Mỹ, nhà lãnh đạo này sẽ phải kêu gọi các đồng minh châu Âu tăng cường lực lượng gìn giữ hòa bình của chính họ - điều mà một số quốc gia đã từng đề xuất.

Một số cố vấn của ông Trump nhận định, có chiến lược đằng sau những lời chỉ trích của ông. Một nguồn tin thân cận với ông Trump chia sẻ, mục đích của việc chỉ trích Ukraine là để gây áp lực lên châu Âu yêu cầu họ chi nhiều tiền hơn cho việc bảo vệ Ukraine. Một cố vấn khác đồng tình cho rằng, nếu các quốc gia châu Âu phản ứng mạnh mẽ như Đan Mạch - tăng mạnh chi tiêu quốc phòng lên hơn 3% GDP, đó sẽ là một chiến thắng lớn.

Hội nghị khẩn cấp của các nhà lãnh đạo châu Âu tại Paris tuần này do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì cho thấy các phát biểu của ông Trump đang thu hút sự chú ý. Tổng thống Macron cảnh báo rằng, Nga có thể gây ra mối đe dọa lớn đối với châu Âu và không thể coi thường những kịch bản xấu nhất. Nhà lãnh đạo Pháp, cùng với Thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ đến Washington vào tuần tới để gặp ông Trump. Nội dung các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào vấn đề Ukraine và việc tăng đóng góp cho NATO để tương xứng với cam kết của Mỹ.

Tương lai Ukraine trong kế hoạch của Tổng thống Trump

Ba năm kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022, cuộc xung đột hiện nay đã bước vào giai đoạn căng thẳng mới. Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu thực hiện những động thái có thể thay đổi cục diện, với khả năng gạt Ukraine sang một bên. Theo tờ India Today, các đề xuất của ông Trump bao gồm việc Ukraine nhượng đất, chặn tư cách thành viên NATO và một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Ukraine. Những kế hoạch này khiến các nhà lãnh đạo châu Âu và nhiều chuyên gia quân sự lo ngại. Vậy liệu một thỏa thuận hòa bình có gần kề khi cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ tư, hay kế hoạch của ông Trump sẽ dẫn đến một tương lai khó đoán cho Ukraine?

Theo các nguồn tin thân cận với nhóm của Tổng thống Trump, thỏa thuận hòa bình được đề xuất có thể dẫn đến những thay đổi lớn đối với Ukraine và châu Âu. Một trong những điều kiện quan trọng là việc Ukraine từ bỏ quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập từ năm 2014 và cả những khu vực đang tranh chấp trong cuộc chiến. Kế hoạch cũng đề cập đến việc thành lập một khu phi quân sự, do lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu giám sát, có thể bao gồm cả quân đội Anh, trong khi không có sự tham gia của lực lượng NATO.

Thỏa thuận còn yêu cầu ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO, một động thái có thể khiến Kiev dễ bị đe dọa quân sự trong tương lai. Trước khả năng này, hãng tin NBC News tiết lộ, Mỹ đang xem xét một cam kết an ninh về việc cấp tư cách thành viên NATO tự động cho Ukraine nếu Nga vi phạm thỏa thuận hòa bình.

Bên cạnh đó, một thỏa thuận thương mại lớn giữa Ukraine và Mỹ có thể được thiết lập, trong đó Washington đảm bảo an ninh cho Kiev, nhưng đổi lại, giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng của quốc gia Đông Âu, đặc biệt là lithium.

Một trong những điểm gây tranh cãi nhất là ý tưởng yêu cầu Ukraine bồi thường cho Mỹ về viện trợ quân sự trong nhiều năm qua. Tổng thống Trump đã đề xuất rằng, Ukraine nên chuyển nhượng trữ lượng khoáng sản trị giá tới 500 tỷ USD để trả nợ cho Mỹ.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã cảnh báo rằng, thỏa thuận mà Tổng thống Trump đề xuất nhằm chấm dứt chiến sự ở Ukraine “gần như đầu hàng” trước các mục tiêu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời cảnh báo rằng quá trình này có thể dẫn đến việc Mỹ rời khỏi NATO.

Theo tờ The Telegraph của Anh, hiện đang có một số ý kiến lo ngại rằng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể bị mất chức sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng, Kiev nên tổ chức bầu cử. Việc ông Zelensky rời nhiệm sở có thể thay đổi đáng kể kết quả của cuộc xung đột và ảnh hưởng đến khả năng đạt được các đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Sau ba năm giao tranh, cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Lực lượng Nga hiện kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine ở phía Đông và phía Nam, tương đương diện tích tiểu bang Ohio của Mỹ. Nỗ lực hòa giải của Tổng thống Trump đã bắt đầu nhưng các bước đi vẫn còn gây tranh cãi. Theo các nhà phân tích, để đạt được giải pháp lâu dài, cả Ukraine và Nga cần điều chỉnh lập trường cứng rắn. Nếu không có chiến lược hòa giải rõ ràng, xung đột sẽ tiếp diễn, ảnh hưởng đến an ninh châu Âu và thế giới. Quan trọng hơn, bất kỳ giải pháp nào cũng phải công bằng và bền vững, chứ không chỉ là giải pháp tạm thời nhằm đạt được thắng lợi chính trị ngắn hạn.

Ngọc Mai

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/cang-thang-trump-zelensky-leo-thang-sau-man-dau-khau-304667.htm
Zalo