Bầu cử Đức 2025 còn 2 ngày: Ai sẽ tranh cử và những vấn đề chính là gì?

Đức sẽ tiến hành tổng tuyển cử vào Chủ nhật, ngày 23/2, sau khi cuộc bầu cử đột xuất được triệu tập vào tháng 12 năm ngoái vì sự tan rã của chính phủ liên minh do Thủ tướng Olaf Scholz lãnh đạo.

Các vấn đề chính đối với cử tri trong cuộc bầu cử quốc hội này sẽ là tình hình kinh tế, vấn đề di cư và cuộc chiến Nga - Ukraine. Theo các chuyên gia, chiến thắng của CDU, đảng đã lãnh đạo nước Đức trong 16 năm cho đến năm 2021 dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel, là kết quả dễ đoán.

 Các cử tri sẽ bầu ra 630 đại biểu cho Quốc hội Đức. Ảnh: Deutschland.de

Các cử tri sẽ bầu ra 630 đại biểu cho Quốc hội Đức. Ảnh: Deutschland.de

Tại sao lại phải tổ chức bầu cử đột xuất ở Đức?

Vào tháng 11 năm 2024, liên minh cầm quyền của Đức, một liên minh ba bên giữa SPD, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP), đã sụp đổ sau những bất đồng về nền kinh tế yếu kém của đất nước, khiến ông Scholz phải sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner thuộc đảng FDP.

Đến tháng 12, một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đã được tổ chức tại Quốc hội Đức, và ông Scholz đã không thể vượt qua, mở đường cho cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 23 tháng 2.

Những đảng chính nào trong cuộc bầu cử?

Nước Đức có hai nhóm đảng chính là Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz và liên minh bảo thủ CDU/CSU.

Trong những năm gần đây, các đảng này đã mất đi sự ủng hộ, trong khi các đảng nhỏ hơn từ cả hai phía của quang phổ chính trị, bao gồm Đảng Xanh và đảng cực hữu AfD, đã nổi lên mạnh mẽ.

Bên cạnh những đảng này, FDP, một đảng chính trị trung hữu theo chủ nghĩa tự do mới và đảng dân túy thiên tả Sahra Wagenknecht Alliance (BSW) cũng đang tham gia tranh cử.

 CDU đang dẫn đầu trong cuộc thăm dò trước bầu cử với 30%. Ảnh: Wahirecht.de

CDU đang dẫn đầu trong cuộc thăm dò trước bầu cử với 30%. Ảnh: Wahirecht.de

Hai ứng viên chính là ai và đề xuất những gì?

Olaf Scholz, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD)

Ông Scholz, 66 tuổi, Thủ tướng Đức hiện tại, sẽ tái tranh cử sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 12/2021. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Scholz đã giành được một số thành công, song vẫn bị đánh giá không đạt được kỳ vọng. Tính đến tháng 1, chỉ có 31% người dân cho biết họ chấp thuận ông Scholz làm nhà lãnh đạo đất nước, theo nhóm thăm dò Statista.

Friedrich Merz, Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU)

Friedrich Merz, 69 tuổi, lãnh đạo đảng CDU, là một gương mặt quen thuộc trong khối bảo thủ khi ông gia nhập nhóm thanh niên của đảng khi còn trẻ và từng bước thăng tiến trong hàng ngũ.

Từ năm 2000 đến năm 2002, ông Merz giữ chức lãnh đạo đảng nhưng mất vị trí này vào tay bà Merkel, người sau này trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước Đức và có thời gian tại vị lâu nhất.

Cho đến nay, ông Merz đã hứa sẽ ngăn chặn di cư bất hợp pháp, cam kết “không khoan nhượng” đối với tội phạm và cho biết ông sẽ đảo ngược việc hợp pháp hóa cần sa.

Với việc đảng CDU hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, ông Merz được cho là sẽ giành chiến thắng và trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức.

 Các ứng viên thủ tướng từ mỗi đảng trong cuộc bầu cử lần này. Ảnh: CC/Wiki

Các ứng viên thủ tướng từ mỗi đảng trong cuộc bầu cử lần này. Ảnh: CC/Wiki

Hệ thống bầu cử của Đức hoạt động như thế nào?

Cuộc tổng tuyển cử được tổ chức bốn năm một lần, lần này ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 9 năm 2025. Vào Chủ nhật, công dân Đức sẽ bỏ phiếu hai lần: một lần cho một thành viên hội đồng địa phương và lần thứ hai, cho một đảng.

Hệ thống này có nghĩa là bên cạnh bầu chọn đại biểu hội đồng địa phương, cử tri còn sẽ bầu đại biểu vào Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag).

Vòng bỏ phiếu thứ hai được coi là quan trọng nhất và được đưa tin rộng rãi nhất vào đêm bầu cử, vì nó quyết định số ghế mà một đảng sẽ nhận được tại Bundestag, qua đó có thể tìm ra được thủ tướng mới.

Có 630 ghế, so với 733 ghế trước đây sau sửa đổi vào năm 2023, trong quốc hội được bầu ra và sẽ được phân bổ theo tỷ lệ trong cuộc bỏ phiếu thứ hai.

Khi nào cử tri đi bỏ phiếu?

Các điểm bỏ phiếu sẽ mở cửa từ 8 giờ sáng theo giờ địa phương đến 6 giờ chiều vào Chủ nhật. Kết quả ban đầu dự kiến sẽ có trong vòng nửa giờ sau khi điểm bỏ phiếu đóng cửa và kết quả cuối cùng thường được xác định qua đêm.

Thường thì một chính phủ liên minh có khả năng sẽ được thành lập vì hiếm khi một đảng giành được đa số tuyệt đối (quá bán). Lần duy nhất một đảng duy nhất giành được đa số tuyệt đối là trong nhiệm kỳ quốc hội từ năm 1957 đến năm 1961 khi CDU/CSU giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Tây Đức.

Bất kỳ đảng nào giành được nhiều phiếu bầu nhất sẽ đề cử một ứng cử viên làm thủ tướng, và Bundestag mới sẽ bỏ phiếu. Ứng cử viên phải giành được đa số tuyệt đối để tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo mới của đất nước.

Những vấn đề chính là gì?

Ukraine

Hầu hết các đảng chính, bao gồm SPD, CDU và Đảng Xanh đều ủng hộ việc cung cấp viện trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, nhưng ông Scholz đã có cách tiếp cận thận trọng hơn một chút so với những người khác và cũng nhấn mạnh đến nhu cầu ngoại giao.

Ngược lại, AfD và BSW đã kêu gọi chấm dứt việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và nối lại quan hệ với Nga. Đức là quốc gia ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Ukraine nhiều thứ hai sau Hoa Kỳ.

Theo Chính phủ Đức, vào năm 2024, Đức đã cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá khoảng 7,1 tỷ euro (7,4 tỷ đô la). Tuần trước, hãng truyền thông Đức ZDF đã công bố một cuộc thăm dò cho thấy 67% người Đức ủng hộ việc chính phủ hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Kinh tế

Vấn đề có nên cải cách để cho phép tăng chi tiêu công hay không là vấn đề trọng tâm của cuộc bầu cử này. Theo luật pháp Đức, nhà nước chỉ được chi tiêu số tiền bằng số tiền thuế thu được.

Hiện nay, Đảng Xanh và Đảng SPD đã kêu gọi cải cách biện pháp hạn chế nợ để có thể chi tiêu công nhiều hơn. Ông Merz đã ra hiệu cởi mở với điều này nhưng vẫn thận trọng.

Đảng AfD và FDP là những đảng bảo vệ kiên quyết việc giới hạn vay nợ công. AfD cũng muốn Đức ngừng sử dụng đồng euro, tái sử dụng đồng mark Đức và có khả năng rời khỏi Liên minh châu Âu.

Di cư

Hầu như tất cả các bên đều kêu gọi áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn về vấn đề di cư sau một số vụ tấn công vào đám đông, chẳng hạn như vụ việc xảy ra vào tháng 12 khi một bác sĩ tâm thần người Ả Rập lái xe đâm vào một khu chợ Giáng sinh, khiến năm người thiệt mạng.

CDU đã kêu gọi kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn và hạn chế việc đoàn tụ gia đình và nhập tịch cho người tị nạn. Đảng cực hữu AfD đã kêu gọi đóng cửa biên giới và tước bỏ quyền đoàn tụ gia đình của những người xin tị nạn.

SPD đã thúc đẩy việc thực thi kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn và trục xuất những người đã nhập cảnh vào đất nước bằng các phương tiện bất hợp pháp, ví dụ như bằng thuyền. Tuy nhiên, đồng thời, họ cũng muốn đưa thêm nhiều lao động có tay nghề nước ngoài vào.

Đảng Xanh là tiếng nói duy nhất duy trì chính sách tị nạn mở và thúc đẩy các sáng kiến cứu hộ trên biển do nhà nước hậu thuẫn, đơn giản hóa việc đoàn tụ gia đình và thúc đẩy sự hòa nhập của người tị nạn vào xã hội Đức.

Hoàng Hải (theo DW, AJ, Guardian)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bau-cu-duc-2025-con-2-ngay-ai-se-tranh-cu-va-nhung-van-de-chinh-la-gi-post335543.html
Zalo