Châu Âu liệu có tung 'cú đấm trực diện' vào làn sóng thuế quan từ Mỹ?
Châu Âu khẳng định họ muốn đàm phán trước những đòn thuế quan dồn dập từ Mỹ. Song nếu không thành công, lục địa già có thể phản ứng vượt xa những gì họ từng làm trước đây.

Từ khi nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp ra các quyết định thuế quan mới. Ảnh: Reuters.
Liên minh châu Âu, xét về tổng thể, là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Do đó, thông báo thuế đối ứng từ Nhà Trắng là một đòn giáng cho khối 27 quốc gia thành viên, song cũng trao cho lục địa già một đòn bẩy.
Vài giờ sau thông báo từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, giới lãnh đạo châu Âu tuyên bố họ sẽ hành động. Các lựa chọn mở gồm áp đặt rào cản thương mại với công ty dịch vụ của Mỹ, đặc biệt các gã công nghệ khổng lồ, đồng thời hoàn thiện danh mục thuế quan cao có hiệu lực sớm nhất vào giữa tháng 4.
Theo New York Times, các nhà hoạch định chính sách có thể bổ sung quy định trong những tuần tới, đối phó với thuế ôtô và thuế bổ sung 20% mà Mỹ áp đặt lên châu Âu.
Từ đối tác thành rạn nứt xuyên Đại Tây Dương
Liên minh châu Âu được xây dựng dựa trên thương mại tự do và hợp tác, nên đang tìm cách thảo luận tích cực với Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ tỏ ra không mấy mặn mà hay mong muốn giải quyết vấn đề nhanh chóng. Đôi khi, rất khó liên lạc với các thành viên nội các của ông Trump, thậm chí họ còn hủy họp với các đối tác châu Âu. Trong khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick đã trao đổi với ủy viên thương mại châu Âu, chưa rõ ông Lutnick có ảnh hưởng thế nào tới kết quả cuối cùng.
Cùng lúc đó, Nhà Trắng dường như đã quen chỉ trích EU. Ông Trump không gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kể từ khi nhậm chức, khẳng định EU được thành lập để “làm hại” Mỹ. Trong thông báo tại Vườn Hồng về mức thuế quan mới, ông nói EU đã lừa dối nước Mỹ “theo cách thảm hại”. Tới ngày 2/4, ông Lutnick nói châu Âu từ chối nhập thịt bò Mỹ vì “thịt bò của chúng ta rất ngon, còn thịt bò của họ chả ra sao”.

Châu Âu là thị trường quan trọng với Mỹ và ngược lại. Ảnh: Reuters.
Làn sóng thuế đối ứng là động thái mới nhất từ ông Trump với mong muốn thay đổi cách thức hoạt động của các liên minh với Mỹ. Nhà Trắng đang gây sức ép buộc châu Âu chi nhiều hơn cho quốc phòng và không còn hết mình hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga, theo cách chấn động khắp châu lục.
Chiến tranh thương mại ngày càng sâu sắc đang biến quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương thành rạn nứt xuyên Đại Tây Dương. Thông báo mới nhất có thể dẫn tới những hậu quả sâu rộng làm thay đổi mãi mãi mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu lâu năm.
Mỹ "thân lừa ưa nặng"
Ngược lại, quan hệ kinh tế với EU cũng rất quan trọng với Mỹ. Riêng EU chiếm gần 1/5 lượng hàng nhập khẩu của Mỹ và người tiêu dùng châu Âu là thị trường lớn cho các dịch vụ của Mỹ.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nói rõ họ muốn tái sắp xếp hệ thống thương mại toàn cầu, do đó Brussels phải nắm bắt các công cụ mang lại cho họ lợi thế trong các cuộc thảo luận.
Các quan chức châu Âu đã lập kế hoạch với nhiều sản phẩm vật lý để đáp trả khoản thuế thép và nhôm. Họ cũng đang suy tính áp thuế lên nhiều hàng hóa khác để trả đũa cho thuế ôtô và thuế đối ứng từ Mỹ. Tuy nhiên, đòn bẩy của châu Âu cũng có hạn: Châu Âu bán cho người Mỹ nhiều hàng hóa hơn là mua.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực dịch vụ, vị thế này đảo ngược. Người tiêu dùng châu Âu là thị trường khổng lồ cho các sản phẩm công nghệ Mỹ, từ công cụ tìm kiếm tới dịch vụ đám mây. Năm 2023, Liên minh châu Âu thâm hụt gần 120 tỷ USD với Mỹ trong lĩnh vực này.

Châu Âu có khả năng sẽ hành động quyết đoán hơn nếu Mỹ không chịu xuống nước. Ảnh: Reuters.
Brussels hiện có nhiều sức ép trong lĩnh vực dịch vụ thương mại, nhưng mạnh mẽ nhất là “vũ khí” mới có tên là Cơ chế chống cưỡng ép. Cơ chế này được tạo ra năm 2021 và mới có hiệu lực từ năm 2023, cho phép Liên minh châu Âu áp đặt “nhiều biện pháp trả đũa khác nhau” với đối tác thương mại có hành vi cưỡng ép.
Các biện pháp này gồm áp thuế, hạn chế thương mại trong lĩnh vực dịch vụ và siết chặt quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại, đồng nghĩa EU có thể nhắm vào các công ty công nghệ lớn như Google. Một số nhà ngoại giao châu Âu cho biết hoàn toàn có khả năng dùng công cụ này nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang.
Một quan chức Pháp nói các dịch vụ trực tuyến có thể nằm trong tầm ngắm, và các quan chức Đức cũng đề cập đến việc cần tăng sức ép lên Mỹ.
EU cần thảo luận nội bộ trước khi kích hoạt Cơ chế chống cưỡng ép, đồng thời phải đàm phán với đối tác thương mại trước. Theo bà Joanna Redelbach, cố vấn pháp lý tại công ty luật Van Bael & Bellis, 6 tháng là khoảng thời gian nhanh nhất để áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Tuy vậy, Cơ chế chống cưỡng ép là công cụ răn đe rất mạnh, khiến cuộc chiến thương mại leo thang trong khi châu Âu muốn xoa dịu căng thẳng. Bên cạnh đó, châu Âu cũng đang thiếu các giải pháp thay thế nội địa như công cụ tìm kiếm hay điện toán đám mây.
“Họ phải tính toán kỹ lưỡng”, ông Jorn Fleck - Giám đốc cấp cao tại Trung tâm châu Âu thuộc Atlantic Council - nhận định.
Dù vậy, châu Âu rõ ràng không còn nhiều lựa chọn dễ dàng. “Nếu muốn ngăn chặn leo thang toàn diện, chúng ta cần thấy tiến triển trong vòng 2-4 tuần tới”, ông Mujtaba Rahman - Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu tại tổ chức Eurasia Group - cho biết.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: Chính quyền Trump dường như không chịu các biện pháp nhẹ nhàng, đàm phán hay thuyết phục - những chiến thuật mà EU đã thử - mà lại phản ứng với sự cứng rắn.
“Phải đấm thẳng vào chính quyền này”, ông Mujtaba Rahman nói. “Và cú đấm đó phải trúng đích”.