Cuộc đối đầu công nghệ và chiến thuật không ngừng nghỉ trên bầu trời Ukraine
Đoạn phim ghi lại cảnh chiến đấu cơ của Liên bang Nga bay ở độ cao cực kỳ thấp thả bom thả bom trực tiếp xuống các vị trí của Ukraine đã nhanh chóng thu hút sự chú ý, không chỉ vì hình ảnh ấn tượng.
Theo chuyên trang quân sự Bulrarianmilitary.com ngày 5/4, một đoạn video gây chú ý gần đây xuất hiện trên mạng xã hội, được đăng bởi một người dùng mạng xã hội X có tên Ayden, ghi lại một khoảnh khắc kịch tính trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Đoạn phim cho thấy một máy bay chiến đấu của Liên bang Nga – được xác định tạm thời là Su-34 – bay ở độ cao cực kỳ thấp trên các vị trí của Ukraine, thả bom trực tiếp xuống chiến trường bên dưới.
Chỉ trong vài giây, một hệ thống phòng không của Ukraine lập tức phản ứng, phóng đi một quả tên lửa nhắm vào chiếc máy bay đang rời khỏi hiện trường. Đoạn video kết thúc đột ngột, khiến người xem không rõ kết cục – liệu chiếc máy bay đã thoát được hay bị bắn hạ? Ayden cho rằng đoạn phim được quay bởi các lính đánh thuê người Mỹ đang chiến đấu cùng lực lượng Ukraine, dựa trên chất giọng tiếng Anh Mỹ rõ ràng không có giọng địa phương vang lên trong clip.
Cảnh quay hiếm hoi này – không ghi rõ thời gian và chưa được xác minh – mang đến cái nhìn trực diện về cuộc chiến trên không khốc liệt đang định hình cuộc xung đột giữa Liên bang Nga và Ukraine.
Việc đoạn video xuất hiện đã nhanh chóng thu hút sự chú ý, không chỉ vì hình ảnh ấn tượng mà còn bởi những câu hỏi nó đặt ra liên quan đến công nghệ, chiến thuật và yếu tố con người trong chiến tranh. Thay vì chỉ tập trung vào yếu tố kịch tính hay suy đoán về kết cục, việc phân tích sâu hơn cho thấy một sự kết hợp phức tạp giữa khí tài quân sự và chiến lược.
Trung tâm của đoạn phim (Xem video bên dưới) là chiếc máy bay, được cho là Sukhoi Su-34 – một loại máy bay tiêm kích-ném bom hai động cơ, hai chỗ ngồi, trở thành trụ cột trong lực lượng không quân chiến thuật của Liên bang Nga kể từ khi được đưa vào sử dụng đầu những năm 1990. Với tên gọi NATO là “Fullback”, Su-34 được thiết kế để thay thế các loại máy bay ném bom thời Liên Xô như Su-24, kết hợp khả năng tấn công với hệ thống điện tử tiên tiến và khung thân vững chắc phù hợp với các nhiệm vụ ở độ cao thấp.
Với tốc độ tối đa khoảng 1.200 dặm/giờ (hơn 1.930 km/h) và tầm bay chiến đấu hơn 2.400 dặm (hơn 3.860km) khi mang theo thùng nhiên liệu phụ, Su-34 có thể mang tới 17.600 pound (gần 8 tấn) vũ khí, bao gồm bom không điều khiển, bom dẫn đường chính xác và tên lửa không đối không. Buồng lái bố trí cạnh nhau cho phép phi công và sĩ quan vũ khí phối hợp thực hiện các nhiệm vụ phức tạp, trong khi radar ở đuôi máy bay giúp cảnh báo các mối đe dọa từ phía sau – một tính năng có thể đã đóng vai trò quan trọng trong tình huống được ghi lại.
Điểm nổi bật trong đoạn video là việc máy bay bay ở độ cao rất thấp – một động tác khiến nó nằm trong tầm với của các hệ thống phòng không mặt đất. Su-34 được trang bị để mang theo nhiều loại bom khác nhau, và trong trường hợp này, có vẻ như nó đã sử dụng bom không điều khiển dòng FAB – loại bom nổ mạnh có trọng lượng từ 550 đến hơn 6.600 pound (250kg đến gần 3.000kg)
Dù có sức công phá lớn, các loại bom này thiếu độ chính xác của hệ thống dẫn đường hiện đại, buộc phi công phải bay gần mục tiêu hơn để tăng độ chính xác. Kể từ năm 2023, Liên bang Nga đã cải tiến một số bom FAB bằng bộ điều khiển UMPK, biến chúng thành bom lượn có thể đánh từ khoảng cách xa an toàn hơn, nhưng việc thả trực tiếp như trong đoạn video cho thấy đây có thể là phiên bản cũ không có dẫn đường.
Sự lựa chọn này có thể phản ánh các hạn chế hậu cần, khi được cho là kho vũ khí chính xác của Liên bang Nga đã suy giảm sau nhiều năm tác chiến căng thẳng, hoặc cũng có thể là quyết định chiến thuật có chủ đích nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cụ thể.
Khả năng hoạt động ở độ cao thấp của Su-34 được hỗ trợ bởi radar bám sát địa hình và khung thân gia cố, giúp chịu được hỏa lực cỡ nhỏ và mảnh đạn, tuy nhiên việc bay gần như vậy khiến máy bay đối mặt với nhiều mối đe dọa phòng không – như đoạn phim đã cho thấy rõ.
Về phía Ukraine, phản ứng nhanh chóng của hệ thống phòng không cho thấy sự tinh vi và linh hoạt trong các biện pháp đối phó. Quả tên lửa được phóng lên có thể thuộc về nhiều hệ thống khác nhau trong kho vũ khí của Ukraine.
Các hệ thống phòng không vác vai như Igla thời Liên Xô hoặc Stinger do Mỹ viện trợ là các lựa chọn nhẹ, bắn từ vai, với tầm bắn khoảng 5 km – rất phù hợp để chống lại mục tiêu bay thấp. Ngoài ra, đoạn phim có thể cho thấy tên lửa từ hệ thống tiên tiến hơn như Buk-M1 – một hệ thống tầm trung di động có thể tiêu diệt máy bay ở khoảng cách hơn 30 km, hoặc thậm chí S-300 tầm xa, có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách hơn 145 km.
Chưa thể xác định chính xác hệ thống được sử dụng nếu không có bằng chứng thêm, nhưng phản ứng nhanh cho thấy một mạng lưới phòng thủ được phối hợp tốt, có thể được dẫn đường bởi radar hoặc quan sát từ mặt đất. Hệ thống phòng không của Ukraine đã phát triển đáng kể kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào năm 2022, nhờ sự hỗ trợ từ phương Tây, bao gồm cả hệ thống Patriot của Mỹ, vốn đã chứng minh hiệu quả trong việc đánh chặn máy bay và tên lửa Liên bang Nga.
Việc máy bay Liên bang Nga bay thấp như vậy đặt ra câu hỏi về chiến thuật của họ trong tình huống này. Trong lịch sử, các cuộc ném bom ở độ cao thấp là đặc trưng trong học thuyết của Liên Xô, nhằm tránh bị radar phát hiện và tấn công chính xác vào mục tiêu kiên cố. Ở Syria, nơi Liên bang Nga triển khai Su-34 rộng rãi từ năm 2015, chiến thuật này thường xuyên được sử dụng để tấn công các vị trí của phe nổi dậy, kết hợp với bom không điều khiển để tăng sức hủy diệt. Tuy nhiên, ở Ukraine – nơi phòng không mạnh mẽ hơn nhiều – cách tiếp cận này mang lại rủi ro cao hơn.
Bay dưới 1.000 feet (khoàng 305m) có thể giúp phi công tránh bị radar tầm cao phát hiện do nhiễu từ mặt đất, nhưng đồng thời cũng từ bỏ sự an toàn của khoảng cách xa.
Các nhà phân tích đã lưu ý rằng Liên bang Nga đã từ bỏ các chuyến bay thấp Liên bang Ngay từ đầu cuộc xung đột, sau khi hứng chịu tổn thất nặng nề – Oryx, một tổ chức tình báo mã nguồn mở, ghi nhận ít nhất 36 chiếc Su-34 bị phá hủy cho đến đầu năm 2025. Thay vào đó, Liên bang Nga tăng cường sử dụng bom lượn tấn công từ xa.
Việc quay lại chiến thuật cũ này có thể phản ánh một nhu cầu chiến dịch cụ thể – chẳng hạn như tiêu diệt một vị trí kiên cố của Ukraine đòi hỏi hỏa lực áp đảo tức thời – hoặc có thể là một tính toán sai lầm trong điều kiện áp lực cao.
Việc xác minh tính xác thực của đoạn video là một thách thức lớn. Bài đăng của Ayden trên X không cung cấp ngày tháng hay địa điểm, và đoạn phim quá ngắn – kết thúc trước khi quả tên lửa chạm mục tiêu – khiến không thể rút ra kết luận chắc chắn. Một vài manh mối có thể được rút ra từ cảnh quan địa hình hoặc âm thanh động cơ máy bay, nhưng cần đối chiếu với các khu vực giao tranh đã biết hoặc những đoạn video trước đó để xác minh.
Các trường hợp trước đây về việc nhận nhầm hoặc dàn dựng đoạn phim trong cuộc xung đột này – chẳng hạn như một đoạn clip năm 2022 từ trò chơi mô phỏng chiến đấu Digital Combat Simulator bị ghi chú sai thành chiến đấu thật – cho thấy cần phải hết sức thận trọng. Cho đến khi có thêm dữ liệu, đoạn video này vẫn chỉ là một khoảnh khắc hấp dẫn nhưng chưa được xác thực, tính xác thực của nó phụ thuộc vào việc điều tra thêm.
Nhìn rộng ra, sự việc phản ánh các xu hướng lớn hơn trong cuộc chiến trên không tại Ukraine. Liên bang Nga bước vào cuộc xung đột với ưu thế về số lượng, với hơn 300 máy bay chiến đấu hiện đại, bao gồm khoảng 125 chiếc Su-34, theo số liệu từ Jane’s World Air Forces.
Tuy nhiên, không quân Liên bang Nga đã gặp khó khăn trong việc giành ưu thế, khi mất hàng chục máy bay trước các hệ thống phòng không Ukraine – điều này được ghi nhận bởi tổ chức Oryx và xác nhận bởi Bộ Tổng tham mưu Ukraine, cơ quan tuyên bố hơn 350 máy bay Liên bang Nga đã bị bắn hạ tính đến cuối năm 2024.
Trong khi đó, Ukraine đã dựa vào sự kết hợp giữa các hệ thống thời Liên Xô và vũ khí do phương Tây cung cấp để giữ vững phòng tuyến – một sự kiên cường buộc Liên bang Nga phải thích nghi. Việc Liên bang Nga đưa vào sử dụng bom lượn và tấn công tầm xa là một sự điều chỉnh như vậy, giúp giảm tiếp xúc với hỏa lực từ mặt đất. Tuy nhiên, đoạn video này cho thấy sự quay lại với phương pháp cũ nhiều rủi ro hơn.
Để so sánh, Không quân Mỹ với các máy bay F-15E Strike Eagle – tương đương Su-34 về vai trò – chủ yếu sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác như JDAM, được phóng từ độ cao an toàn, một điều xa xỉ mà Liên bang Nga có thể không còn khả năng thực hiện do kho vũ khí chính xác bị cạn kiệt. Về mặt lịch sử, Su-34 có nguồn gốc từ thời kỳ cuối của Liên Xô, với chuyến bay đầu tiên vào năm 1990 và chính thức hoạt động từ năm 2014. Nó được thiết kế để linh hoạt, có khả năng tấn công mục tiêu mặt đất, tàu chiến và máy bay địch – một năng lực đã được rèn giũa tại Syria, nơi nó thực hiện hơn 5.000 phi vụ đến năm 2018, theo Bộ Quốc phòng Liên bang Nga.
Tại Ukraine, những tổn thất – 11 chiếc được Oryx xác nhận trong năm 2022 – đã cho thấy điểm yếu của Su-34 trước các hệ thống phòng không hiện đại, hoàn toàn trái ngược với thành công của nó ở Syria trước những đối thủ trang bị kém hơn.
Hệ thống S-300 của Ukraine, được thừa hưởng từ Liên Xô, và các hệ thống hiện đại hơn như Patriot với tầm bắn trên 145 km, đại diện cho một bước tiến vượt bậc so với những gì Liên bang Nga từng đối mặt trong các cuộc xung đột trước đây. Trận chiến công nghệ này – giữa một chiếc tiêm kích có tuổi đời nhưng vẫn đáng gờm và một mạng lưới phòng không ngày càng hiện đại – chính là đại diện cho động lực chiến tranh trên không ở Ukraine.
Cuối cùng, đoạn video này không chỉ là một khoảnh khắc lan truyền ngắn ngủi. Nó là một cửa sổ mở ra cuộc đối đầu công nghệ và chiến thuật không ngừng nghỉ đang định hình bầu trời Ukraine – nơi mỗi bên đều đẩy đến giới hạn: Liên bang Nga bằng sức mạnh thuần túy, Ukraine bằng sự sáng tạo và hỗ trợ từ đồng minh.