Phán quyết gây ra cơn địa chấn trên chính trường Pháp

Nữ chính trị gia Marine Le Pen đã bị một tòa án Pháp cấm tham gia tranh cử trong 5 năm sau khi bị kết tội biển thủ tiền. Phán quyết này gây chấn động dư luận khi bà đang là ứng cử viên tiềm năng cho cuộc đua tranh cử Tổng thống Pháp vào năm 2027.

Bà Marine Le Pen rời tòa trước khi nghe tuyên án

Bà Marine Le Pen rời tòa trước khi nghe tuyên án

Bà Le Pen và 20 người khác thuộc đảng Tập hợp dân tộc (RN) bị cáo buộc biển thủ hơn 4 triệu euro tiền quỹ của Nghị viện châu Âu trong hơn 11 năm để trả lương cho nhân viên đang làm việc cho RN tại Pháp. Theo phán quyết của tòa, bà Le Pen đã sử dụng 4 nhân viên của đảng làm trợ lý Quốc hội, bao gồm trợ lý cá nhân và vệ sĩ, đồng thời sử dụng sai mục đích tiền của Liên minh châu Âu cho đảng của mình. Các bị cáo nói rằng số tiền này được sử dụng hợp pháp và các cáo buộc đã định nghĩa quá hẹp về công việc của một trợ lý nghị viện.

Bà Le Pen cũng bị kết án 4 năm tù (trong đó có 2 năm quản thúc tại gia, 2 năm hưởng án treo, nhưng chưa thi hành án trong thời gian kháng cáo) và khoản tiền phạt 100.000 euro. Đảng RN của bà cũng phải nộp phạt 2 triệu euro cho số tiền 4,1 triệu euro mà đảng này bị cáo buộc biển thủ. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Benedicte de Perthui cho biết, hành động của bà Le Pen là “một cuộc tấn công nghiêm trọng và lâu dài vào các quy tắc của nền chủ châu Âu, đặc biệt là ở Pháp”.

Xuất hiện trên kênh truyền hình Pháp TF1 vào tối 31-3 sau phiên tòa, bà Le Pen chỉ trích phán quyết này là một “quyết định hoàn toàn mang tính chính trị” nhằm ngăn cản bà tham gia cuộc bầu cử Tổng thống năm 2027. Bà nói rằng hàng triệu người dân Pháp “đang phẫn nộ” và nhấn mạnh phán quyết này đã hoàn toàn vi phạm nguyên tắc pháp quyền, đồng thời cho biết quyền được “kháng cáo hiệu quả” của bà theo Công ước nhân quyền châu Âu đã bị từ chối. Bà Le Pen tuyên bố sẽ kháng cáo và yêu cầu quá trình tố tụng phải diễn ra trước chiến dịch tranh cử năm 2027. Bà sẽ không đủ điều kiện làm ứng cử viên cho đến khi có phán quyết cuối cùng.

Bà Le Pen cho rằng tòa án không nên tước quyền tranh cử của bà khi bà vẫn còn cơ hội kháng cáo. Phán quyết này cho thấy rõ ràng tòa đang “cố tình ngăn cản” bà trở thành tổng thống. “Nếu đây không phải là một quyết định mang tính chính trị, tôi không biết cái gì mới là chính trị nữa” - bà Le Pen phát biểu trên TF1. Bà gọi phán quyết này là “một ngày định mệnh đối với nền dân chủ của chúng ta”, nhưng tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi con đường đầy chông gai để tiến tới vị trí tổng thống.

Phán quyết của tòa đối với bà Le Pen không chỉ là một cú sốc pháp lý mà còn tạo ra cơn địa chấn chính trị ở Pháp, làm suy yếu một trong những ứng viên hàng đầu có thể kế nhiệm Tổng thống Macron. Tác động của vụ án lớn đến mức ngay cả một số đối thủ của bà Le Pen cũng cho rằng tòa án đã đi quá xa. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đánh giá vụ án sẽ ảnh hưởng đến cử tri như thế nào. Việc bà Le Pen bị loại khỏi cuộc đua có thể khiến nhóm cử tri ủng hộ trung thành, giống như cách Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng những rắc rối pháp lý để vận động tranh cử. Nhưng cũng có thể bà Le Pen sẽ bị gạt ra ngoài lề, chấm dứt tham vọng chính trị của nữ chính trị gia kỳ cựu này. Bà Le Pen đã gọi vụ kiện chống lại bà là một “cuộc săn phù thủy”.

Ngay trong ngày 31-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng việc tòa ra phán quyết đối với bà Le Pen là một “vấn đề rất lớn”. “Bà ấy đã bị cấm tranh cử trong 5 năm trong khi bà ấy là ứng cử viên hàng đầu” - ông Donald Trump phát biểu với các phóng viên tại Phòng Bầu dục. Jordan Bardella, học trò của bà Le Pen và là người kế nhiệm bà làm Chủ tịch đảng RN đã phát động một bản kiến nghị để kêu gọi sự ủng hộ bà. Ông Bardella kêu gọi người dân Pháp ký vào bản kiến nghị và thể hiện thông qua “cuộc vận động hòa bình và rộng khắp”. Ông cũng cho rằng không chỉ bà Le Pen “bị lên án một cách bất công mà cả nền dân chủ Pháp cũng đang bị hành quyết”.

Các đồng minh cánh hữu châu Âu của bà Le Pen cũng lập tức lên tiếng bảo vệ bà sau quyết định này. “Tôi là Marine” - ông Viktor Orban, Thủ tướng Hungary đăng trên mạng xã hội X thể hiện sự ủng hộ bà Le Pen, trong khi nhà lãnh đạo cực hữu người Italia Matteo Salvini cũng lên tiếng chỉ trích quyết định này.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chỉ trích các cuộc tấn công nhằm vào các chính trị gia cực hữu ở châu Âu, bao gồm cả quyết định của tòa án về việc tổ chức lại cuộc bầu cử Tổng thống Romania, trong đó một ứng cử viên cực hữu bất ngờ giành chiến thắng. Các quan chức Mỹ, đáng chú ý nhất là Phó Tổng thống JD Vance, đã công khai ủng hộ các nhóm cực hữu ở châu Âu, bao gồm cả đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức chống nhập cư ở Đức.

Ngay khi phiên tòa tuyên án đối với bà Le Pen, điện Kremlin cho biết bản án của bà cho thấy châu Âu đang “phá hoại các chuẩn mực dân chủ”. Vào thời điểm bà Le Pen bị xét xử, ngay cả các cựu Bộ trưởng Pháp cũng lên tiếng phản đối việc bà bị mất quyền tranh cử Tổng thống. Bộ trưởng Tư pháp Pháp Gerald Darmanin trước đó đã đăng trên mạng xã hội X rằng sẽ “vô cùng sốc” nếu bà Le Pen bị cấm tham gia bầu cử.

Bản án của bà Le Pen là bản án mới nhất trong một loạt vụ bê bối về tài chính liên quan đến các chính trị gia Pháp. Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng bị kết án vì tội tham nhũng và sử dụng ảnh hưởng để thu lợi trong thời gian tại nhiệm. Ông Sarkozy đã bị kết án vào năm 2021 với mức án tù 3 năm, trong đó có 2 năm được hoãn thi hành án. Ông không phải ngồi tù nhưng bị buộc phải đeo vòng điện tử để giám sát.

Theo CNN

Thu Nguyên

Theo CNN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phan-quyet-gay-ra-con-dia-chan-tren-chinh-truong-phap-post608145.antd
Zalo