'Giải mã' những thông điệp từ chuyến công du châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Mỹ sẽ sát cánh cùng các đồng minh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối phó với các mối đe dọa trong khu vực - đó là thông điệp mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth muốn truyền tải tới Nhật Bản và Philippines trong chuyến công du đầu tiên của ông tới châu Á.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr (trái) gặp ông Hegseth ở Manila ngày 28-3

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr (trái) gặp ông Hegseth ở Manila ngày 28-3

Củng cố các mối quan hệ liên minh và đối tác

Chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đến Hawaii, Guam, Philippines và Nhật Bản đã kết thúc vào ngày 30-3 vừa qua. Theo thông tin từ trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ, Người phát ngôn của Lầu Năm Góc Sean Parnell cho biết: “Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới khu vực, Bộ trưởng Hegseth tới Hawaii để gặp gỡ các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự. Sau đó, ông tới Guam để thị sát các cơ sở quân sự. Tiếp đến, ông tới Philippines để thúc đẩy các mục tiêu an ninh với các nhà lãnh đạo Philippines”.

Tại Nhật Bản, Bộ trưởng Hegseth tham dự buổi lễ tưởng niệm 80 năm trận chiến Iwojima và có cuộc gặp với một số lãnh đạo nước này. Lầu Năm Góc cho biết: “Đây là những hoạt động sẽ thúc đẩy nỗ lực liên tục nhằm củng cố các mối quan hệ liên minh và đối tác hướng tới tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Tuy nhiên, đáng chú ý trong chuyến công du lần này, người đứng đầu Lầu Năm Góc không đến Hàn Quốc, một quyết định được cho là có liên quan đến những bất ổn chính trị hiện nay ở quốc gia Đông Á sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol bị luận tội do ban bố lệnh thiết quân luật cuối năm ngoái.

Tờ Straits Times của Singapore cho biết, thời gian gần đây xuất hiện những băn khoăn về việc liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có rút khỏi các hiệp ước an ninh, tương tự như việc ông rút Mỹ khỏi các hiệp ước về thương mại tự do và khí hậu hay không. Bên cạnh đó còn có những lo lắng về mức độ tin cậy và bền vững của Mỹ với tư cách là bên bảo đảm an ninh, trong bối cảnh Washington thúc ép các đồng minh chi mạnh hơn cho quốc phòng sau nhiều thập kỷ dựa vào chiếc ô an ninh của Mỹ.

Nối lại viện trợ quân sự trị giá 500 triệu USD cho Philippines

“Sự khó đoán của ông Trump có tác động theo cả hai hướng. Một mặt, nó có thể tăng cường khả năng răn đe, mặt khác nó cũng có thể làm gia tăng nỗi sợ bị bỏ rơi” - Giáo sư Heng Yee Kuang thuộc Khoa Chính sách công của Đại học Tokyo nhận định.

Trong chuyến công du của mình, Bộ trưởng Hegseth nhấn mạnh rằng, các liên minh luôn vững chắc và là “nền tảng của hòa bình và an ninh”. Ông cho biết Manila và Tokyo là những đối tác quan trọng. Tuy nhiên, quyết định không tới Hàn Quốc của Bộ trưởng Hegseth được Seoul coi là một đòn giáng mới vào liên minh song phương. Đất nước này đã phải nỗ lực để hợp tác với chính quyền của ông Trump sau khi lệnh thiết quân luật ngắn ngủi của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vào ngày 3-12-2024 dẫn đến tình trạng hỗn loạn chính trị trong nước.

Trong khi đó, tại Tokyo vào ngày 30-3, ông Hegseth và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã thể hiện nhiều kết nối với nhau vì cả hai đều là cựu sĩ quan bộ binh. “Chúng tôi không nói cùng một ngôn ngữ, nhưng hiểu những mối đe dọa là gì, tình đồng chí có nghĩa là gì, tình anh em có nghĩa là gì khi chúng tôi sát cánh bên nhau” - ông Hegseth nói. Mô tả Nhật Bản là một “đồng minh mẫu mực”, ông Hegseth nhấn mạnh: “Tổng thống Trump đã nói rất rõ ràng và chúng tôi xin nhắc lại, chúng tôi sẽ đặt nước Mỹ lên trước tiên. Nhưng nước Mỹ trước tiên không có nghĩa là nước Mỹ đơn độc”.

Hai ngày trước đó tại Manila, Bộ trưởng Hegseth đã nói với người đồng cấp Philippines Gilberto Teodoro Jr, rằng Mỹ sẽ khôi phục hoàn toàn gói viện trợ quân sự trị giá 500 triệu USD cho Philippines.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tại Tokyo ngày 30-3

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tại Tokyo ngày 30-3

“Mỹ sẽ không rút đi”

Tiến sĩ Satoru Nagao thuộc Viện nghiên cứu Hudson có trụ sở tại Washington, tin rằng Mỹ sẽ vẫn duy trì cam kết ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. “Mỹ tập trung vào sự cạnh tranh với Trung Quốc. Để ngăn chặn Bắc Kinh, ông Trump phải tăng cường sức mạnh với các đồng minh trong khu vực. Mỹ sẽ không rút đi, bởi điều đó tạo ra khoảng trống” - Tiến sĩ Nagao nói và cho biết điều này đồng nghĩa với việc các đồng minh của Mỹ liên tục phải nỗ lực để chứng minh họ đang đóng góp công bằng cho an ninh khu vực. Mặt khác, các quốc gia sẽ mua thêm vũ khí để trang bị tốt hơn cho khả năng phòng thủ, đồng thời xoa dịu ông Trump bằng các khoản chi quốc phòng lớn.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ không hài lòng về Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ. Ông phàn nàn rằng hiệp ước này yêu cầu Mỹ bảo vệ Nhật Bản, nhưng không yêu cầu Nhật Bản phải làm điều tương tự đối với Mỹ. Ông Donald Trump cho rằng mối quan hệ của Tokyo với Washington đã giúp Nhật Bản kiếm được “một khoản kếch xù”.

Bình luận về phát ngôn nói trên của ông Donald Trump, hôm 7-3, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru nói rằng đây không phải là mối quan hệ trong đó chỉ có Nhật Bản được bảo vệ. Ông cho biết, Nhật Bản không có nghĩa vụ bảo vệ Mỹ, nhưng có nghĩa vụ cung cấp các căn cứ quân sự cho Mỹ. Theo nhà lãnh đạo Nhật Bản, nên có những cuộc đàm phán thích hợp về tầm quan trọng của vấn đề này. Thủ tướng Ishiba Shigeru nói thêm rằng ông không quá ngạc nhiên về những phát ngôn của ông Donald Trump.

Ông Elbridge Colby - ứng viên cho chức Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cho rằng, Nhật Bản (hiện là quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ 10 thế giới) nên tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% tổng sản phẩm quốc nội. Con số này cao hơn mục tiêu hiện tại là 2% vào năm 2027. Nhật Bản hiện được kỳ vọng sẽ hành động nhiều hơn, không chỉ vì an ninh của chính mình mà còn vì khu vực.

Tiến sĩ Minohara từ Viện nghiên cứu các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có trụ sở tại New Zeland cho biết, điều này có nghĩa là Nhật Bản cần khẩn trương xem xét sửa đổi hiến pháp để trao cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản nhiều quyền hơn và chủ động hơn. “Đây có thể là động lực để Nhật Bản xem xét lại cách hiệu chỉnh học thuyết phòng thủ trước tiên của mình” - ông nói.

Ngày 20-3, nhiều cơ quan truyền thông Mỹ đưa tin, Lầu Năm Góc đang cân nhắc dừng kế hoạch mở rộng lực lượng Mỹ tại Nhật Bản (USFJ) vì điều này sẽ tiết kiệm được khoảng 1,1 tỷ USD. Đến ngày 30-3, ông Hegseth đã tìm cách trấn an Tokyo qua cam kết USFJ sẽ được “tái tổ chức thành một sở chỉ huy tác chiến” với nhiều binh lính hơn trên bộ.

Đa dạng hóa chiến lược

Đối với Hàn Quốc, ông Donald Trump đã đe dọa sẽ rút quân đội Mỹ khỏi nước này nếu Seoul không tăng đóng góp tài chính để hỗ trợ lực lượng chung. Hồi tháng 11-2024, Seoul đã đồng ý sẽ trả 1,52 nghìn tỷ won hàng năm (cao hơn gần 10% so với thỏa thuận trước đó) thì con số này vẫn chưa đạt đến mức 10 tỷ USD/năm mà ông Donald Trump yêu cầu.

Tiến sĩ Byun Sang-jeong thuộc Viện Chiến lược an ninh quốc gia Hàn Quốc cho rằng, Seoul phải sẵn sàng cung cấp “một khoản đóng góp bổ sung phù hợp” nếu ông Donald Trump yêu cầu. Bà cho biết có khả năng Seoul sẽ xem xét “triển khai thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (Thaad) phù hợp với chiến lược của ông Trump”. Tuy nhiên, giống như Tiến sĩ Nagao, bà Byun Sang-jeong vẫn lạc quan rằng Mỹ sẽ duy trì hiện diện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. “Ông Trump hiểu được giá trị chiến lược của các căn cứ quân sự Mỹ tại Hàn Quốc” - bà nói.

Các nhà quan sát tin rằng, các quốc gia nên xây dựng quan hệ đối tác chặt chẽ hơn để đề phòng khả năng Mỹ giảm hiện diện trong khu vực. Nhà phân tích địa chính trị người Philippines Robin Garcia nói rằng: “Manila không còn đặt tất cả trứng vào giỏ Mỹ nữa. Chính phủ của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr hiểu rằng mặc dù Washington là đối tác quan trọng, nhưng đa dạng hóa chiến lược là chìa khóa”. Manila đã ký một thỏa thuận tiếp cận có đi có lại với Nhật Bản, cho phép quân đội của cả hai quốc gia huấn luyện trên lãnh thổ của nhau, với các thỏa thuận tương tự đã đạt được với Canada, New Zealand và Pháp. Nước này đã mua tên lửa hành trình từ Ấn Độ và đang có kế hoạch mua tàu chiến từ Hàn Quốc.

“Mỹ vẫn cam kết với khu vực này, nhưng Manila phải có cách tiếp cận chủ động để đảm bảo lợi ích an ninh của mình” - nhà phân tích quốc phòng Don McLain Gill của Đại học De La Salle tại Manila nhận định.

Theo Straits Times/NHK

Hoàng Cường

Theo Straits Times/NHK

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/giai-ma-nhung-thong-diep-tu-chuyen-cong-du-chau-a-cua-bo-truong-quoc-phong-my-post608144.antd
Zalo