Châu Âu âm thầm thuyết phục Ukraine chấp nhận thực tế về Crimea?

Khi Mỹ gây sức ép buộc Ukraine nhượng bộ để đạt thỏa thuận hòa bình, châu Âu chọn cách ủng hộ công khai nhưng vẫn âm thầm tìm cách thuyết phục Kiev chấp nhận thực tế để tránh một kết cục bất lợi.

Trong bối cảnh các nỗ lực đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine bước vào giai đoạn nhạy cảm, các nhà lãnh đạo châu Âu đang tìm cách duy trì thế cân bằng ngoại giao mong manh: vừa công khai ủng hộ Tổng thống Volodymyr Zelensky, vừa âm thầm thúc đẩy ông xích lại gần hơn với những điều khoản đang được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất.

Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp tại Vatican. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp tại Vatican. Ảnh: Reuters

Công khai ủng hộ Ukraine

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer là hai trong số những nhà lãnh đạo châu Âu lên tiếng mạnh mẽ nhất bảo vệ lập trường của Ukraine. Cả hai đều ủng hộ yêu cầu của Kiev về một lệnh ngừng bắn vô điều kiện, điều mà ông Macron khẳng định trong tuần này là “Nga phải chấp nhận”.

Thủ tướng Anh Starmer công khai bác bỏ lập luận của ông Trump rằng Ukraine đang cản trở tiến trình hòa bình. Ông cũng từ chối công nhận Crimea là lãnh thổ Nga. Anh cũng vừa công bố gói trừng phạt mới, cấm xuất khẩu phần mềm năng lượng và các thiết bị công nghệ, bao gồm cả tay cầm chơi game có thể dùng điều khiển drone.

Châu Âu cũng ủng hộ yêu cầu của Ukraine rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình tiềm tàng nào cũng phải bao gồm các bảo đảm an ninh rõ ràng. Sự hậu thuẫn kiên định này giúp Kiev có thêm không gian để chống lại áp lực từ Nhà Trắng, trong khi vẫn tránh được một cuộc đối đầu công khai với Washington.

Trong tuần này, châu Âu đã đưa ra một đề xuất mới nhằm đối trọng với kế hoạch mà Mỹ đã gửi cho Ukraine hồi tuần trước – kế hoạch mà cả Kyiv và Brussels đều cho rằng thiên vị Moscow. Đề xuất của Mỹ bao gồm việc công nhận Nga sáp nhập Crimea là hợp pháp, chấp nhận thực tế về sự kiểm soát của Moscow tại 4 vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, dỡ bỏ ngay lập tức các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc Moscow ngừng tấn công. Cả Ukraine và châu Âu đều cho rằng, những điều khoản như vậy là quá nghiêng về phía Nga.

Các quan chức phương Tây cho rằng: “Từ chối một số điều khoản trong đề xuất của Mỹ không chỉ hợp lý, mà còn cần thiết, vì nó gần như chẳng mang lại gì cho Ukraine trong khi lại trao cho Nga quá nhiều”.

Trong khi đó, đề xuất của châu Âu bao gồm các điều kiện khác biệt rõ ràng: ngừng bắn toàn diện làm tiền đề, bảo đảm an ninh từ Mỹ, sử dụng tài sản Nga bị đóng băng để tái thiết Ukraine, và chỉ dỡ bỏ trừng phạt từng bước nếu Nga thực sự tuân thủ thỏa thuận.

Âm thầm thuyết phục

Nếu chỉ nhìn thoáng qua, có thể thấy sự chủ động của châu Âu là nhằm thể hiện sự ủng hộ kiên định đối với Ukraine. Nhưng thực chất, nó xuất phát từ lo ngại sâu sắc rằng, nếu Mỹ đột ngột chấm dứt hỗ trợ, Ukraine sẽ bị đẩy vào thế phòng ngự đơn độc và châu Âu không đủ khả năng gánh Ukraine trên vai.

Dù sẵn lòng ủng hộ Ukraine, nhưng châu Âu vẫn không đủ năng lực ngay lập tức thay thế dòng chảy vũ khí và thông tin tình báo mà Mỹ cung cấp, đặc biệt là các hệ thống phòng không hiện đại giúp Ukraine ngăn chặn tên lửa Nga.

Các nước châu Âu cũng thừa nhận họ không thể hoàn toàn thay thế sự hỗ trợ từ Mỹ nếu Washington rút khỏi vấn đề Ukraine. Do vậy, họ đang khuyến khích Tổng thống Zelensky thừa nhận khả năng Ukraine buộc phải từ bỏ một số vùng lãnh thổ. Theo một quan chức, tiến triển về vấn đề này đã đạt được trong cuộc họp ngày 23/4.

Các nhà đàm phán châu Âu cho rằng Ukraine có thể chấp nhận việc Nga kiểm soát Crimea trên thực tế, miễn là không phải công nhận hợp pháp để không khép lại hy vọng giành lại bán đảo này trong tương lai.

Dù vậy, Ukraine vẫn lo ngại, bất kỳ sự nhượng bộ nào cũng có thể trở thành một tiền lệ nguy hiểm: nếu Moscow thấy nhượng bộ có thể mua được bằng sức ép, họ sẽ lặp lại điều đó với các vùng lãnh thổ khác.

Thời gian không đứng về phía Ukraine

Một quan chức tiết lộ, châu Âu đang cố gắng giúp các bên “làm việc bình thường với ông Trump... trong khi đẩy nhanh sản xuất vũ khí, nhưng điều đó cần thời gian”.

Quan chức này nhấn mạnh: “Sự ủng hộ của Mỹ là cần thiết, nhưng không có nghĩa là Ukraine sẽ phải chấp nhận các điều khoản có lợi cho Nga chỉ vì Mỹ gây sức ép”.

Các bên vẫn đang tiếp tục thương lượng, nhưng giới quan sát cho rằng thời gian đang không đứng về phía Ukraine. “Chúng tôi đang tìm cách hạ cánh xuống một đường băng cực kỳ hẹp. Nếu giới hạn đỏ của Ukraine bị vượt quá, Kiev sẽ rút lui khỏi bàn đàm phán”, một nhà ngoại giao trực tiếp tham gia đàm phán nói.

Trong khi tìm kiếm thỏa hiệp, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn đang thúc đẩy các phương án hỗ trợ khác. Cựu Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis kêu gọi tăng viện trợ vũ khí, cấp phép sản xuất vũ khí cho Ukraine và xúc tiến tiến trình Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu với các mốc thời gian cụ thể.

“Nếu đây thực sự là đề nghị cuối cùng, chúng ta phải từ chối”, ông Landsbergis nói, đề cập đến các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình do Mỹ đề xuất.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Washington Post

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chau-au-am-tham-thuyet-phuc-ukraine-chap-nhan-thuc-te-ve-crimea-post1195241.vov
Zalo