Cuộc chiến thương mại: Mỹ bắt đầu dịu giọng, Trung – Nhật – Hàn chờ thời

Các cường quốc châu Á đang phần nào thở phào nhẹ nhõm khi Tổng thống Donald Trump đối mặt với giới hạn trong khả năng tự hủy hoại nền kinh tế Mỹ nếu như ông leo thang cuộc chiến thương mại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế đối xứng mới tại Nhà Trắng ngày 2/4/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế đối xứng mới tại Nhà Trắng ngày 2/4/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN

Theo trang Asia Times, khi Tổng thống Trump dường như chùn bước trong việc giữ vững lập trường chiến tranh thương mại, các nền kinh tế lớn nhất châu Á có thêm động lực để kiên trì chờ đợi những thỏa thuận tốt hơn.

Giữa lúc thị trường toàn cầu lao dốc chưa từng thấy trong lịch sử và các CEO của Walmart, Target và Home Depot phải can thiệp trực tiếp tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Mỹ đang dần dịu giọng đối với chính sách thuế quan của mình - bao gồm cả mức thuế 145% đối với Trung Quốc — chính sách đã khiến kinh tế toàn cầu chao đảo.

Hiện vẫn chưa rõ liệu sự nhượng bộ này - trong đó Trump tuyên bố trong tuần này rằng ông sẽ “giảm đáng kể” thuế đối với Trung Quốc trong một thỏa thuận thương mại - có thực sự hay lâu dài hay không. Hôm 22/4, ông Trump lại tiếp tục công kích Trung Quốc trên mạng xã hội vì việc nước này hủy đơn đặt hàng máy bay do Boeing sản xuất.

Tuy nhiên, khi Tổng thống Trump chùn bước, điều rõ ràng là nội bộ của ông đang lo ngại sâu sắc về việc chính sách thuế quan đang bị thị trường phản ứng tệ hại như thế nào. Nhiều người đang đi đến kết luận rằng vị thế của Nhà Trắng dưới thời ông Trump trên Phố Wall sẽ không bao giờ còn như cũ.

Các cường quốc châu Á có thêm đòn bẩy đàm phán

Các nhà lãnh đạo châu Á hoàn toàn có lý khi cảm nhận được vấn đề của chính Mỹ. Trong ngắn hạn, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể tạm thời yên tâm khi chính quyền của Tổng thống Trump cố gắng kêu gọi các nhà đầu tư toàn cầu đang tháo chạy quay trở lại với đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba và quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo giờ đây đã hiểu rõ ông Trump cần một chiến thắng trong lĩnh vực thương mại đến mức nào. Điều này mang lại cho hai nền kinh tế lớn nhất Bắc Á đòn bẩy đàm phán lớn hơn nhiều so với chỉ một tuần trước.

Còn với Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình giờ đã thấy rằng việc Bắc Kinh kiên quyết đáp trả thay vì khuất phục trước các lời đe dọa và yêu sách của ông Trump đang mang lại kết quả tuyệt vời. Cùng với đó là chiến dịch quyến rũ thương mại tự do của Bắc Kinh từ Đông sang Tây trong khi ông Trump tấn công cả đồng minh lẫn đối thủ bằng các mức thuế “trên trời”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một bài phát biểu tại Bắc Kinh. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một bài phát biểu tại Bắc Kinh. Ảnh: THX/TTXVN

Các nhà lãnh đạo châu Á hiện có cơ hội để tái tổ chức khi chính sách thuế quan của ông Trump - đặc biệt là mức thuế 145% đối với Trung Quốc - gây ra cái mà nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities gọi là “kịch bản tận thế” cho nước Mỹ.

Những báo cáo gần đây về sự bất đồng trong nội bộ cấp cao của ông Trump đã làm sáng tỏ bước ngoặt của ông đối với các mức thuế áp đặt trong "Ngày Giải phóng” (Liberation Day). Những báo cáo này bao gồm các cuộc tranh cãi gần như hàng ngày giữa cố vấn thương mại Peter Navarro và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent.

Tuy nhiên, chính ông Trump mới là người đã “chớp mắt trước” trong cuộc chiến thương mại - theo nhà kinh tế học David Rosenberg, sáng lập viên của Rosenberg Research. Ông cũng lùi bước trong các đe dọa trước đây nhằm sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell vì không hạ lãi suất trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế tăng cao.

“Tổng thống ‘chớp mắt trước’ trong các vấn đề thương mại và ông Powell đã kích hoạt một đợt phục hồi mạnh do hoạt động mua bù bán khống”, ông Rosenberg nhận định.

Việc ông Trump lùi bước trước tiên hoàn toàn trái ngược với những gì Trung Quốc đang thể hiện. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Quách Gia Côn tuyên bố: “Lập trường của Trung Quốc đối với cuộc chiến thuế quan do Mỹ khởi xướng là rất rõ ràng: Chúng tôi không muốn chiến đấu, nhưng cũng không sợ chiến đấu. Nếu chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng; nếu đàm phán, chúng tôi luôn rộng mở cửa.”

Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện đang cân nhắc tạm dừng mức thuế 125% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ để hạn chế tác động kinh tế tiêu cực. Hãng tin Bloomberg ngày 25/4 đưa tin rằng Trung Quốc có thể gỡ bỏ thuế bổ sung đối với thiết bị y tế sản xuất tại Mỹ và một số hóa chất công nghiệp như ethane, đồng thời miễn thuế đối với việc cho thuê máy bay.

Ngưỡng "chịu đau" của Mỹ phụ thuộc vào Phố Wall

Một tháng vừa qua đã cho thấy, ngưỡng “chịu đau” về thuế quan của Tổng thống Trump thực chất phụ thuộc vào Phố Wall.

Chính những dòng tít về việc hàng nghìn tỷ USD vốn hóa bị thổi bay, CEO của JPMorgan Jamie Dimon bày tỏ bất bình và Goldman Sachs cảnh báo nguy cơ suy thoái đã khiến nhà lãnh đạo Mỹ phải thay đổi giọng điệu.

Quang cảnh cảng hàng hóa ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Quang cảnh cảng hàng hóa ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Thứ duy nhất rớt giá nhanh hơn đồng USD lúc này là mức tín nhiệm kinh tế của ông Trump ở trong nước. Một cuộc thăm dò mới của Reuters/Ipsos cho thấy chỉ còn 37% cử tri Mỹ tán thành cách ông điều hành kinh tế, trong khi khoảng 75% người trưởng thành Mỹ lo ngại suy thoái kinh tế đang cận kề.

Mức độ tự tin có thể sẽ còn sụt giảm nhanh hơn nữa khi các hộ gia đình Mỹ nhìn vào bảng sao kê tài khoản hưu trí của mình và cảm nhận rõ mức giá tiêu dùng tăng vọt do ảnh hưởng từ thuế. Sự biến động của thị trường cũng buộc ông Trump tạm hoãn kế hoạch sa thải Chủ tịch Fed, Jerome Powell - ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Tại một diễn đàn kinh doanh trong tuần này, chiến lược gia đầu tư kỳ cựu Jim Paulsen cho biết: “Hầu như mọi CEO đều đang hạ thấp triển vọng của họ. Các cảnh báo từ khu vực doanh nghiệp đang leo thang.”

Dan Ives, nhà phân tích nổi tiếng tại Wedbush Securities, đã nói lên suy nghĩ của nhiều người khi nhận định rằng các mức thuế của ông Trump, cùng với sự hỗn loạn trong việc thực hiện chúng, “sẽ đi vào lịch sử như sai lầm chính sách tồi tệ nhất của Mỹ” kể từ Đạo luật Thuế Smoot-Hawley năm 1930 — vốn đã làm trầm trọng thêm cuộc Đại Suy thoái.

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đồng quan điểm, gọi các động thái áp thuế của Mỹ là “một sai lầm chồng tiếp sai lầm”.

Sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục gia tăng mức thuế trong tuần này, Bắc Kinh lại một lần nữa khẳng định sẽ giữ vững lập trường.

Bắc Kinh hiện đang tranh cãi với ông Trump khi khẳng định rằng không có cuộc đàm phán thương mại nào đang diễn ra, trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Mỹ rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành ngầm, nhưng không nêu tên ai tham gia.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cuoc-chien-thuong-mai-my-bat-dau-diu-giong-trung-nhat-han-cho-thoi-20250427191630186.htm
Zalo