Chất độc nghi gây cái chết cho nhóm người Việt ở Bangkok
Cảnh sát Thái Lan đã xác nhận xyanua là độc chất gây ra cái chết cho nhóm người Việt tại Bangkok. Đây là chất quen thuộc trong nhiều vụ án mạng đầu độc từ trước đến nay.
Thông tin về vụ 6 nạn nhân, trong đó có 4 công dân Việt Nam, thiệt mạng tại khách sạn Grand Hyatt Erawan ở Bangkok tối 16/7 gây xôn xao dư luận.
Hiện tại, vụ việc đang được cảnh sát Thái Lan điều tra theo hướng bị đầu độc. Sau khi khám xét căn phòng hiện trường, cảnh sát cũng tìm thấy "chất lạ" trong một bình trà, 6 chiếc cốc và trong máu của một trong những người đàn ông đã chết. Giới chức Thái Lan cũng xác nhận xét nghiệm ban đầu cho thấy chất độc này là xyanua.
"Thủ phạm" đứng sau hàng loạt vụ đầu độc
Xyanua là độc chất quen mặt trong hàng loạt vụ án đầu độc trên khắp thế giới. Cũng tại Thái Lan vào năm ngoái, cảnh sát đã bắt giữ Sararat Rangsiwuthaporn, 36 tuổi, thường được gọi bằng “Aem Cyanide,” với cáo buộc sát hại 14 người bằng xyanua. Theo ABC, giới chức Thái Lan gọi đây là vụ án hình sự lớn nhất trong lịch sử nước này.
Cảnh sát trưởng Thái Lan Pol Gen Damrongsak Kittiprapas cho biết họ tìm thấy bằng chứng cho thấy Am Cyanide đã đầu độc 15 người trong vòng 8 năm tại 8 tỉnh bằng cách trộn xyanua vào thức ăn. Trong đó, 14 người đã không qua khỏi.
Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện Am Cyanide nghiện cờ bạc, đã thua khoảng 10 triệu baht (425.000 USD, tương đương gần 11 tỷ đồng). Để thỏa mãn cơn nghiện, nhiều lần Am Cyanide đã lừa tiền các nạn nhân và trộm tài sản của họ để bán lấy tiền.
Tính đến năm 2023, Am Cyanide là người phụ nữ duy nhất tại Thái Lan bị gắn mác "kẻ giết người hàng loạt". Hiện, Am vẫn chưa bị thi hành án, trong khi nhiều người dân, đặc biệt là thân nhân của các nạn nhân, mong muốn kẻ sát nhân phải bị tử hình để đền lại những tội lỗi đã gây ra.
Tại Việt Nam, rất nhiều vụ án từng xảy ra cũng có liên quan đến chất độc xyanua.
Gần đây nhất là vụ đầu độc người thân của Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai). Đối mặt với cơ quan chức năng, Bích thừa nhận hành vi đầu độc bằng xyanua khiến chồng và 2 người cháu tử vong trong 8 tháng qua. Riêng người cháu thứ 3 may mắn thoát chết.
Năm 2020, Lại Thị Kiều Trang (sinh năm 1994, quê Thái Bình) mua 1 lít xyanua và bơm vào 4 cốc trà sữa với âm mưu đầu độc chị họ. Việc làm này khiến một người không liên quan tử vong vì uống nhầm. Tháng 7/2020, Trang bị tuyên án tử hình.
"Âm thầm" giết người
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), xyanua là độc chất cực mạnh, có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng ở nhiều dạng hợp chất khác nhau.
Về mùi vị, xyanua được mô tả giống như "hạnh nhân đắng", đôi khi không mùi. Do đó, rất khó có thể phân biệt được xyanua với các hóa chất khác. Xyanua tác dụng nhanh, mạnh, tác động vào hệ hô hấp và thần kinh gây nhiễm độc cấp tính, dẫn đến ngưng tim.
Tùy thuộc vào dạng của nó, xyanua có thể gây độc thông qua đường hít phải, ăn phải, hấp thụ qua da hoặc dùng ngoài đường tiêu hóa. Độc tính do hít phải khí xyanua biểu hiện nhanh chóng, chỉ trong vài phút.
Khí xyanua nguy hiểm nhất khi tiếp xúc xảy ra trong không gian kín. Trong không gian mở, nó cũng có thể phân tán nhanh chóng. Với đặc tính này, xyanua từng được sử dụng làm vũ khí hóa học lần đầu tiên trong Thế chiến thứ nhất.
Một điều khác khiến xyanua trở nên nguy hiểm là một nồng độ thấp chất này cũng được tìm thấy trong các thực phẩm quen thuộc như măng, sắn (khoai mỳ), hạnh nhân, đậu lima chưa được sơ chế kỹ, hay hạt trái cây như đào, táo, mơ...; trong khói thuốc hay khí thải xe cộ. Ngoài ra, chất này cũng có thể được tạo ra bởi một số loại vi khuẩn, nấm và tảo.
Nếu ăn quá nhiều những loại thực phẩm này, nạn nhân có thể có các biểu hiện như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, thở gấp, nhịp tim đập nhanh, cơ thể yếu ớt, bồn chồn.
Trong trường hợp tiếp xúc với xyanua nồng độ cao dù chỉ một lượng rất nhỏ, nạn nhân có thể mất ý thức, co giật, thiếu khí thở dẫn đến tử vong trong vòng vài phút.