Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân: Đặt doanh nhân tư nhân vào đường băng phát triển bền vững

'Nghị quyết số 68-NQ/TW không chỉ là sự cổ vũ lớn lao và tạo động lực kinh doanh, mà còn là nền móng vững chắc để kiến tạo, khai phóng, khơi thông mọi khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn; đặt doanh nhân tư nhân vào đường băng phát triển bền vững', PGS.TS. NGUYỄN TRỌNG ĐIỀU, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam chia sẻ.

“Tháo chốt” cho doanh nghiệp tư nhân cất cánh

- Thưa ông, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đón nhận Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân ra sao?

- Chúng tôi nhận thấy Nghị quyết có tầm quan trọng to lớn, mở ra bước ngoặt lịch sử để thúc đẩy sự vươn mình đột phá của kinh tế tư nhân. Lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế tư nhân được xác định là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…”, “giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường...”. Cũng lần đầu tiên, doanh nhân - doanh nghiệp được đặt vào vị trí trung tâm cùng với Nhân dân, trở thành mục tiêu để chuyển từ nền hành chính công vụ, quản lý sang phục vụ và kiến tạo phát triển.

Nghị quyết đã đưa ra các mục tiêu cụ thể và đầy quyết tâm; quan điểm chỉ đạo rõ nét và sâu sát; các nhóm nhiệm vụ - giải pháp toàn diện và thực chất; lộ trình thể chế hóa rất quyết liệt để hiện thực hóa Nghị quyết vào chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Với riêng cộng đồng doanh nhân tư nhân, Nghị quyết không chỉ là sự cổ vũ lớn lao và tạo động lực kinh doanh, mà còn nền móng vững chắc để kiến tạo, khai phóng, khơi thông mọi khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn; đặt doanh nhân tư nhân vào đường băng phát triển bền vững, không chỉ đồng hành mà còn giữ vị thế tiên phong, nòng cốt như chiếc động cơ được nạp đầy nhiên liệu để kéo cả nền kinh tế và xã hội vươn cao trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự thịnh vượng cho dân tộc Việt Nam.

Tôi tin rằng, Nghị quyết số 68-NQ/TW sẽ "tháo chốt" để kinh tế tư nhân nói chung và cộng đồng doanh nhân tư nhân nói riêng cất cánh, như thông điệp mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra là phát triển kinh tế tư nhân tạo đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng.

Nhưng không chỉ vậy, việc mở ra tầm nhìn và dư địa phát triển mới, cũng như việc cải cách, hoàn thiện thể chế và thay đổi tư duy từ Nhà nước quản lý sang Nhà nước phục vụ và kiến tạo còn là sự thay đổi căn bản cách hoạch định và quản trị sự phát triển của một quốc gia, dân tộc; định vị lại vai trò, sứ mạng của từng thực thể trong hệ thống chính trị, xã hội và nền kinh tế. Chính vì vậy, ý nghĩa to lớn của Nghị quyết không chỉ trong phạm vi của kinh tế tư nhân!

Mục tiêu có cơ sở khả thi

- Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu… Ông nghĩ sao về những mục tiêu này?

- Mục tiêu Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt ra là hoàn toàn có cơ sở, nếu nhìn lại thực tế lịch sử đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân như thế nào. Chỉ sau vài chục năm đổi mới từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế đa thành phần và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo ra hơn 40 triệu việc làm, tương ứng với hơn 82% tổng lực lượng lao động.

Các định hướng chính sách ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp mới, hỗ trợ về năng lực quản trị, tiếp cận tài nguyên, tiếp cận vốn, thủ tục hành chính… như Nghị quyết nêu chắc chắn sẽ khuyến khích hàng triệu hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp, đồng thời kiến tạo và nuôi dưỡng khát vọng kinh doanh và làm giàu chính đáng của Nhân dân. Không có gì ngạc nhiên nếu trong vài năm tới, số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ tăng mạnh mẽ.

Kinh tế như dòng nước, chính sách như kênh dẫn. Kênh dẫn thông thoáng và đồng bộ, thì nước sẽ chảy mạnh, tương hỗ lẫn nhau, kéo đẩy lẫn nhau để trở thành dòng chủ lưu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia.

Cần phải nói thêm, hiện nay nền kinh tế chưa được thống kê của Việt Nam còn khá lớn, một khi các quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu, quyền cạnh tranh được thực thi và bảo vệ như tinh thần Nghị quyết nêu, thì các dòng chảy ngầm sẽ lộ diện để hòa mình vào dòng chảy chung mãnh liệt của nền kinh tế. Chúng ta có cơ sở vững chắc để tin tưởng vào mục tiêu mà Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt ra sẽ trở thành hiện thực.

- Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Ông nhìn nhận thế nào về các nhiệm vụ, giải pháp này?

- Tôi cho rằng, 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết đưa ra thể hiện tư duy xuyên suốt, đồng bộ ở mức rất cao. Đáng chú ý, các nhóm nhiệm vụ và giải pháp được đặt theo các thứ tự logic khoa học rất cao, đi từ sự thay đổi tư duy và nhận thức đến khơi gợi khát vọng và xung lực, khí thế; đến thực thi việc cải cách, hoàn thiện thể chế; đến khai thông quyền tiếp cận nguồn lực; thúc đẩy khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo; tăng cường liên kết; hình thành và phát triển doanh nghiệp lớn; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh… Chúng tôi ví các nhóm nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết đưa ra như các bánh răng logic, khoa học, trình tự và đồng bộ, chứ không phải là xếp đặt theo mức độ quan trọng.

Trong đó, nhóm nhiệm vụ và giải pháp thứ 8 “đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước” là rất quan trọng. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp này giúp cho mọi khu vực, thành phần trong nền kinh tế và xã hội đều có cơ hội giải phóng tối đa sức sản xuất, phát triển kinh doanh, tham gia làm chủ đất nước, được hưởng thành quả của sự phát triển và sự tái phân phối thu, của cải xã hội. Đó mới là mục tiêu đích thực của sự phát triển, thể hiện thực chất nhất chủ trương lấy Nhân dân và doanh nghiệp làm trung tâm của Nhà nước kiến tạo, phục vụ.

Tôi tin rằng, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và tư duy đột phá, trí tuệ như Đảng và Nhà nước đã thể hiện trong thời gian qua, việc thể chế hóa và tốc độ thực thi sẽ được đẩy nhanh, đồng bộ và khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân và nền kinh tế nói chung vươn mình lớn mạnh. Phần còn lại phụ thuộc vào chính khát vọng, tài năng, năng lượng, khí phách tiềm tàng sâu thẳm trong mỗi doanh nhân - những người đã chính thức được Đảng và Nhà nước trao gửi trọng trách tiên phong, nòng cốt trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-quyet-so-68-nq-tw-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-dat-doanh-nhan-tu-nhan-vao-duong-bang-phat-trien-ben-vung-10371930.html
Zalo