Quyền lợi nghỉ hè, trực hè 2025 của giáo viên thay đổi thế nào?

Năm 2025 mang đến những điều chỉnh quan trọng trong chế độ nghỉ hè và trực hè dành cho đội ngũ giáo viên các cấp học.

Thời gian nghỉ hè năm 2025 của giáo viên

Căn cứ theo Điều 6 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả thời gian nghỉ phép hằng năm.

Trong thời gian nghỉ hè, giáo viên vẫn có trách nhiệm tham gia các hoạt động sau theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền: Tham gia đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm; Tham gia công tác tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Tham gia công tác tuyển sinh.

Quy định đặc biệt về thời gian nghỉ đối với giáo viên nữ mang thai và giáo viên nam có vợ sinh con:

Giáo viên nữ nghỉ thai sản: Trường hợp thời gian nghỉ hè trùng với thời gian nghỉ thai sản, giáo viên nữ sẽ được hưởng: Thời gian nghỉ thai sản theo quy định của pháp luật. Thời gian nghỉ hè còn lại (trước hoặc sau thời gian nghỉ thai sản). Nếu thời gian nghỉ hè còn lại ít hơn số ngày nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động, giáo viên sẽ được nghỉ thêm số ngày còn thiếu. Thời gian nghỉ thêm này sẽ được sắp xếp linh hoạt theo thỏa thuận giữa giáo viên và hiệu trưởng.

Trong thời gian nghỉ hè, giáo viên vẫn có trách nhiệm tham gia các hoạt động sau theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Ảnh minh họa.

Trong thời gian nghỉ hè, giáo viên vẫn có trách nhiệm tham gia các hoạt động sau theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Ảnh minh họa.

Giáo viên nam nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con: Theo Luật Bảo hiểm xã hội, giáo viên nam được nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con vẫn được tính dạy đủ định mức tiết dạy và không phải dạy bù trong thời gian nghỉ. Tuy nhiên, nếu thời gian nghỉ chế độ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì giáo viên nam sẽ không được nghỉ bù.

Giáo viên có bắt buộc trực hè năm 2025 không?

Dựa trên khoản 1 Điều 13 Luật Viên chức 2010, giáo viên là viên chức được hưởng chế độ nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Luật hiện hành không có quy định nào bắt buộc giáo viên phải trực hè.

Tuy nhiên, nếu nhà trường có kế hoạch bố trí giáo viên tham gia trực hè và được sự đồng ý của giáo viên, thì thời gian tham gia trực hè sẽ được tính là thời gian làm thêm giờ và giáo viên sẽ được hưởng lương theo quy định.

Chế độ cho giáo viên trực hè năm 2025

Theo khoản 2 Điều 12 Luật Viên chức 2010, giáo viên là viên chức khi làm thêm giờ sẽ được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể, Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:

- Làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương: Tiền lương được trả ít nhất bằng 300% so với tiền lương ngày làm việc bình thường, chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

- Làm việc vào ban đêm: Được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

- Làm thêm giờ vào ban đêm: Ngoài việc trả lương theo các quy định trên, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày nghỉ lễ, tết.

Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT đã làm rõ thời gian nghỉ hè và các trường hợp đặc biệt liên quan. Việc trực hè của giáo viên không mang tính bắt buộc mà dựa trên sự đồng thuận và yêu cầu công việc của nhà trường, đi kèm với chế độ hưởng lương làm thêm giờ theo quy định của pháp luật lao động. Giáo viên cần nắm vững những quy định này để đảm bảo quyền lợi của mình trong năm học 2024-2025 và kỳ nghỉ hè sắp tới.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quyen-loi-nghi-he-truc-he-2025-cua-giao-vien-thay-doi-the-nao-169250508184815912.htm
Zalo