Quy định về dạy thêm, học thêm: Giữ gìn uy tín của giáo viên
Theo TS.LS Đặng Văn Cường quy định về dạy thêm, học thêm có tác động lớn với giáo dục phổ thông, giữ gìn uy tín của giáo viên.

TS.LS Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC.
Chấm dứt tình trạng dạy thêm tràn lan
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy - học thêm (Thông tư 29). TS.LS Đặng Văn Cường- Văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) nhận thấy, nhiều năm qua hoạt động dạy thêm, học thêm thiếu quản lý của nhà nước, phát sinh nhiều vấn đề xã hội gây ra những dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục.
Hoạt động học thêm, dạy thêm khiến cho nhiều phụ huynh tốn kém chi phí cho con, tạo thêm những gánh nặng cho nhiều gia đình. Trẻ em cũng vì thế mà quá tải, đánh mất tuổi thơ, tạo ra áp lực tinh thần không cần thiết cho trẻ.
TS.LS Đặng Văn Cường cho rằng, hoạt động học thêm, dạy thêm cũng phát sinh những hệ lụy tiêu cực trong xã hội, có giáo viên dạy cầm chừng, chuyển chương trình kiến thức sang thời gian dạy thêm, gây ra bất công bằng cho các học sinh không học thêm, tạo ra sự phân biệt đối xử trong môi trường giáo dục.
Những người tổ chức dạy thêm cũng có thêm thu nhập mà không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp thuế với nhà nước, bất công bằng đối với những giáo viên khác…
Trước những vấn đề xã hội từ việc dạy thêm, học thêm ở cấp giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, TS.LS Đặng Văn Cường tán thành việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29 thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012.
Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, bao gồm: nguyên tắc dạy thêm, học thêm; các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm; tổ chức dạy thêm, học thêm; trách nhiệm quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm.
Thông tư này đã giới hạn trường hợp được dạy thêm và đối tượng tham gia học thêm, quy định về nội dung, mục đích của việc dạy thêm, học thêm, quy định về các điều kiện để tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động dạy thêm và học thêm giúp nhà nước có công cụ để quản lý sát sao hơn, hiệu quả hơn đối với hoạt động dạy thêm, học thêm.
Quy định này sẽ chấm dứt tình trạng dạy thêm tràn lan, gây lãng phí tốn kém tiền của của phụ huynh và thời gian của học sinh, ngăn chặn việc phát sinh những hệ lụy tiêu cực cho xã hội trong việc dạy thêm, đảm bảo việc dạy thêm có hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
Đáng chú ý Điều 4 Thông tư quy định cụ thể về các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm. Theo đó, không được tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học (học sinh từ lớp 1, đến lớp 5) trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, về thể dục thể thao và rèn luyện kỹ năng sống.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kỹ năng sống (Life skills) là những kỹ năng và khả năng cần thiết để tăng cường sức khỏe và năng lực mà mỗi người áp dụng để ứng phó với các tình huống, vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.
Đây là những kỹ năng về cảm xúc, xã hội và tư duy, giúp con người đương đầu với áp lực cuộc sống, tăng cường sự sẵn lòng, tư duy tích cực và định hướng tích cực đối với cuộc sống.

Được dạy thêm với mục đích bồi dưỡng về nghệ thuật, về thể dục thể thao và rèn luyện kỹ năng sống.
Các kỹ năng sống theo định nghĩa của WHO bao gồm:
Kỹ năng giải quyết vấn đề: Khả năng tìm kiếm và áp dụng các giải pháp sáng tạo để giải quyết các vấn đề và thách thức trong cuộc sống hàng ngày.
Kỹ năng quản lý cảm xúc: Khả năng nhận biết, hiểu và kiểm soát cảm xúc của bản thân, từ đó giữ được sự cân bằng tinh thần và đối mặt với stress một cách hiệu quả.
Kỹ năng giao tiếp: Khả năng tương tác và truyền đạt thông tin một cách hiệu quả, lắng nghe và thể hiện ý kiến một cách rõ ràng và tử tế.
Kỹ năng quản lý stress: Khả năng xử lý và ứng phó với áp lực, stress và tình huống khó khăn trong cuộc sống một cách tích cực.
Kỹ năng tư duy sáng tạo: Khả năng tưởng tượng và đưa ra các ý tưởng mới, giải pháp sáng tạo cho các tình huống khác nhau.
Kỹ năng tương tác xã hội: Khả năng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, có ý thức về đa dạng văn hóa và tôn trọng quyền lợi của người khác.
Kỹ năng ra quyết định: Khả năng đánh giá thông tin, xem xét các tùy chọn và đưa ra quyết định thông minh và có trách nhiệm.
Kỹ năng tự quản lý: Khả năng tự lập và tự điều chỉnh hành vi, định hướng cuộc sống và đạt được mục tiêu cá nhân. Những kỹ năng này không chỉ giúp mỗi người cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng và xã hội.

Giáo viên trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường. Ảnh minh họa/giaoducthoidai.vn.
Giữ gìn uy tín của giáo viên
Một điểm rất mới của thông tư này là quy định giáo viên dạy thêm không được dạy học sinh mà mình được phân công giảng dạy trong giờ chính khóa theo kế hoạch của nhà trường, nội dung này sẽ kiểm soát được tình trạng giáo viên có thể dạy cầm chừng, gây áp lực để phụ huynh cho con đi học ở các lớp học thêm do giáo viên tổ chức; đảm bảo sự khách quan, công bằng đối với hoạt động dạy thêm và học thêm.
TS.LS Đặng Văn Cường nhìn nhận, quy định này hướng đến mục tiêu giữ gìn uy tín của giáo viên phải tránh những hiểu lầm không cần thiết và những hệ lụy có thể phát sinh từ việc dạy thêm và học thêm.
Một điều đáng chú ý là, quy định về giáo viên trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường. Quy định này đồng nghĩa với việc, giáo viên là viên chức giảng dạy trong các trường công lập không được thành lập doanh nghiệp, đứng tên trong đăng ký kinh doanh dù là hộ kinh doanh cá thể hay công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
“Quy định này phù hợp với luật phòng chống tham nhũng, đảm bảo cho giáo viên trường công dành thời gian cống hiến cho nhà nước và xã hội” - TS.LS Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, điều luật cũng quy định giáo viên trường công được phép đăng ký tham gia dạy thêm ở các trung tâm giáo dục, các công ty giáo dục được thành lập hợp pháp nhưng phải báo cáo với người quản lý cơ sở giáo dục của mình và phải đảm bảo được thời gian, chương trình lên lớp theo kế hoạch phân công của nhà trường.
Quy định này tạo điều kiện cho giáo viên trường công lập có cơ hội làm thêm, tăng thu nhập ngoài giờ chính khóa. Quy định này cho thấy, giáo viên trường công lập không bị cấm dạy thêm nhưng có kiểm soát về hoạt động dạy thêm của giáo viên trường công lập, đảm bảo kiểm soát được thời gian sự cống hiến của giáo viên đối với nhà nước, giữ gìn uy tín của nhà giáo; đồng thời đảm bảo yếu tố tự nguyện trong việc dạy thêm, học thêm, vẫn tạo điều kiện, cơ hội cho giáo viên trường công lập có cơ hội tăng thêm nguồn thu nhập ngoài lương.