Chậm trễ trong bảo vệ thuyền cổ sau khai quật - Bài 1: Nỗi niềm người trông coi thuyền cổ
Hai chiếc thuyền cổ được người dân phát hiện ở khu Công Hà, phường Song Liễu, tỉnh Bắc Ninh vào tháng 11/2024. Ngày 5/3/2025 các cơ quan chức năng bắt đầu tiến hành khai quật khẩn cấp. Tuy nhiên, sau khai quật hơn 3 tháng, đến nay các cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa có động thái cụ thể nào trong việc bảo vệ khu vực khai quật. Sự chậm trễ ấy khiến nhiều người lo lắng cho sự an toàn của hai chiếc thuyền cổ…
Trở lại khu vực khai quật hai chiếc thuyền cổ trong những ngày cuối tháng 6, dấu vết của cuộc khai quật đã mờ nhạt. Không còn tiếng cuốc xẻng, cũng chẳng còn bóng dáng những nhà khảo cổ miệt mài bên hố đất. Khu vực này từng náo nhiệt hơn 3 tháng trước, nay lặng im dưới lớp cỏ lau rậm rạp...
Hoang vắng sau khai quật
Cuối tháng 11/2024, ngay sau khi nhận được thông tin về phát hiện di tích thuyền cổ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã mời và phối hợp với chuyên gia của Viện Khảo cổ học về khảo sát, đánh giá bước đầu. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định cho phép sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện khai quật khẩn cấp di tích thuyền cổ.

Khu vực phát hiện 2 chiếc thuyền cổ thời điểm diễn ra khai quật (ảnh chụp tháng 3/2025). Ảnh: P. Sỹ
Vị trí phát hiện cách thành Luy Lâu khoảng 1km, cách chùa Dâu khoảng 600m về phía đông bắc; cách chùa Tổ (thờ Phật Mẫu Man Nương) khoảng 500m theo đường chim bay. Trong phạm vi khai quật khoảng 300m2, hai chiếc thuyền nằm cách nhau khoảng 2m. Một chiếc có chiều dài khoảng 15m, rộng 2,2m; chiếc còn lại dài 14m, rộng khoảng 1,6m.
Dù nằm sâu dưới lòng đất song kết cấu của các thuyền đang giữ được hình dạng khá nguyên vẹn. Phát hiện này gây chấn động trong giới khảo cổ bởi rất nhiều bí ẩn chưa thể giải mã, như những câu hỏi lớn về kỹ thuật đóng thuyền, giao thương đường thủy và sự hiện diện của người Việt cổ trong lịch sử hàng hải…
Sau Hội thảo đầu bờ, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học...đánh giá, đây là phát hiện rất độc đáo và cần được bảo tồn khẩn cấp trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về loại hình, tính chất hay niên đại của di tích.
Những ngày này, lần trở lại hiện trường khai quật hai thuyền cổ, chỉ còn lại một dáng người quen thuộc: ông Nguyễn Văn Chiến (51 tuổi), chủ nhân thửa đất từng khiến giới khảo cổ cả nước xôn xao. Chính ông là người đã chủ động dừng việc cải tạo ao và khẩn trương báo cáo phát hiện bất thường với cơ quan chức năng, khi dấu vết hai chiếc thuyền cổ hiện ra dưới lớp bùn đất vào tháng 11/2024.
Rốt ráo bao nhiêu trong việc bảo vệ di sản, thì nay ông Chiến thêm trĩu nặng tâm tư. Dẫn tôi vào căn nhà tạm dựng từ những tấm tôn xanh bạc màu, nơi ông sinh hoạt tạm thời gần khu đất phát hiện cổ vật. Rót chén trà mời khách, ông Chiến chậm rãi kể: “Chỗ phát hiện thuyền cổ trước là ao tôi nuôi cá rô, mỗi năm thu hoạch ba vụ. Tháng 11/2024, tôi cải tạo lại ao để chuẩn bị thả lứa cá mới. Không ngờ, khi máy xúc đào xuống, tôi thấy có dấu hiệu lạ - gỗ đen, kết cấu giống thuyền. Cảm giác lúc ấy kỳ lạ lắm… Tôi lập tức cho dừng máy và báo với chính quyền địa phương. Kể từ hôm đó, tôi ngừng toàn bộ việc làm ăn trên khu đất ấy”.

Ông Nguyễn Văn Chiến - người phát hiện dấu tích thuyền cổ, cũng là người trông coi 2 chiếc thuyền này suốt thời gian qua.
Giọng ông Chiến trầm xuống, ánh mắt nhìn xa xăm về phía bãi đất - mấy tháng trước rộn ràng người tới, giờ đã phủ kín cỏ. “Từ ngày các chuyên gia rời đi, chưa có ai xuống hỏi han hay có ý kiến gì về việc hỗ trợ hay trông nom. Tôi một mình ở đây, tự trông nom, bảo vệ, chưa thấy chính quyền địa phương có ý kiến gì về việc này” - ông Chiến cho biết.
Ông kể, có những đêm, vẫn có những người lạ lén lút tìm đến khu vực khai quật: “Có lần nửa đêm thấy có người lần mò vào, sau khi phát hiện, tôi hô hoán thì họ bỏ chạy. Nếu mình không ở đây, không bảo vệ, chỉ cần mỗi người bẻ một miếng gỗ thôi thì còn gì là di sản nữa”.
Ông Chiến cho biết thêm, mô hình nuôi cá rô đồng trước đây giúp gia đình ông có nguồn thu khá ổn định. “Ba tháng thu hoạch một lứa, mỗi lứa cũng gần trăm triệu đồng. Trừ chi phí cũng được mấy chục triệu đồng một lứa. Thế nhưng từ tháng 11/2024 đến nay tôi đã phải bỏ ba vụ”.
Bản thân ông Chiến không mong chờ lợi nhuận gì từ hai chiếc thuyền cổ, điều ông cần chỉ là một sự ghi nhận và hỗ trợ hợp lý cũng như sớm có giải pháp cho việc trông coi, bảo vệ hai chiếc thuyền cổ.
“Tôi chỉ mong chính quyền địa phương và cơ quan chức năng sớm có giải pháp về việc này, chứ giờ tôi lâm vào tình cảnh khó xử quá. Cứ thế này thì ai bảo vệ di sản” - ông Chiến nói.
Chờ phương án
Thời gian cứ trôi qua, còn hai chiếc thuyền cổ thì vẫn nằm đó. Hiện vẫn chưa đơn vị nào được giao trách nhiệm trông coi và cũng chưa có sự hỗ trợ, ghi nhận nào cho người phát hiện và bảo vệ hai chiếc thuyền cổ trong suốt thời gian qua từ chính quyền địa phương.
Trong khi chờ đợi những động thái tiếp theo từ các cơ quan chuyên môn, từng ngày trôi qua là từng ngày hai chiếc thuyền cổ đối diện với nguy cơ bị xâm hại.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đáp - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cho biết, sau khi xuất lộ thuyền cổ, Sở VHTTDL đã đề xuất phương án nghiên cứu. Từ nghiên cứu đánh giá giá trị sơ bộ trên thực địa, Sở đã đề nghị UBND tỉnh có phương án tiếp theo.

Hiện trạng khu vực 2 chiếc thuyền cổ sau khi đoàn khảo cổ rời đi (ảnh chụp ngày 26/6). Ảnh: P. Sỹ
Theo ông Đáp, hiện vật đã tiến hành lấp lại để bảo vệ nguyên trạng, thực hiện theo các bước khoa học. Khu di tích cũng được thiết lập hàng rào bảo vệ và có biển báo rõ ràng khu vực di tích, cấm các hoạt động khai thác tài nguyên trái phép.
“Về quy hoạch sử dụng đất, khu phát hiện thuyền cổ là khu đất được quy hoạch để xây dựng công viên, vườn hoa. Do vậy trong dự án chúng tôi tham mưu UBND tỉnh sẽ có phương án tiếp theo. Chúng tôi sẽ có báo cáo tỉnh tiếp tục cho mở rộng khai quật nghiên cứu ra toàn bộ không gian sông Dâu, để xem quy mô, cấu trúc tại khu vực phát hiện như nào, từ đó giải mã vị trí, vai trò quá trình biến đổi của sông Dâu trong lịch sử” - ông Nguyễn Văn Đáp cho biết.
Phó Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và du lịch thông tin thêm, tới đây Sở sẽ giao cho cơ quan chuyên môn xác định vị trí đất đó như thế nào, sau đó có những bài toán để triển khai các bước tiếp theo.
Khi đề cập đến vấn đề bảo vệ hiện trường, hỗ trợ người đã trông coi hai chiếc thuyền cổ thời gian qua, ông Đáp cho biết: Hiện tại bây giờ mới đang lập dự án, Sở vẫn giao bộ phận chuyên môn bảo vệ hiện trường. Hiện nay khu đất đó của một gia đình nên chúng tôi đã có ý kiến với UBND huyện Thuận Thành xem đất đai ở vị trí phát hiện thuyền cổ như nào, phương án đền bù gì không thì mới tính các phương án tiếp theo.
“Về việc cử người trông coi, chúng tôi đã giao cho huyện. Sau khi thực hiện chính quyền hai cấp, xã mới đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ bàn giao cho xã”.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết: “Những việc này phải là địa phương trực tiếp quản lý và thực hiện việc. Di tích nằm trên địa bàn thuộc thẩm quyền của địa phương nên chính quyền địa phương sẽ quản lý và chịu trách nhiệm. Từ thông tin phóng viên phản ánh, chúng tôi sẽ có văn bản gửi địa phương và sẽ bằng văn bản thông tin lại”.