Cha mẹ sớm chia thừa kế, anh em tôi mới thành đạt, không tranh giành gia sản
Gia đinh tôi êm ấm, viên mãn là nhờ cha mẹ sớm chia thừa kế, chúng tôi có vốn để khởi nghiệp; những cụ bị bỏ rơi sau khi chia tải sản chẳng qua do con cái bất hiếu.
Tôi biết rất nhiều câu chuyện buồn về việc cha mẹ bị hắt hủi, bỏ rơi sau khi trao hết của cải cho các con như trong bài viết "Chia tài sản cho con rồi thành kẻ ăn bám, cha mẹ già tự đưa mình vào tuyệt cảnh", nhưng không cho rằng đó là điều nên tuyệt đối tránh. Con cái xử tệ với cha mẹ già là do họ bất hiếu chứ không phải do được giao hết tài sản.
Thực tế, nhiều phụ huynh chia thừa kế sớm cho các con và sau đó cả đại gia đình vẫn ấm êm, hạnh phúc. Thậm chí, các con được hỗ trợ kịp thời nên rất thuận lợi trong việc kinh doanh, khởi nghiệp, nhờ đó thành công sớm hơn. Gia đình tôi là một ví dụ.
Tôi năm nay 55 tuổi, là con út trong gia đình có 8 anh chị em (4 trai, 4 gái). Bố mẹ tôi đều từng là cán bộ, sau đó chuyển ra ngoài kinh doanh. Sau nhiều năm lăn lộn, họ xây được ngôi nhà khang trang ở vị trí đắc địa giữa trung tâm thành phố, cả đại gia đình sống quây quần với nhau.
Có một thời, gia đình tôi là một trong những đơn vị nổi danh về dịch vụ đám cưới ở Hà Nội. Mỗi người con phụ trách một mảng riêng, người thì dựng rạp, người cắm hoa, người làm cỗ, người cung cấp tráp ăn hỏi... Cả gia đình cứ như vậy phối hợp suốt nhiều năm, phụ giúp bố mẹ tạo ra số của cải dư dả.
Đầu những năm 1990, cha mẹ tôi quyết định chia tài sản thừa kế sớm cho các con để mọi người tự tạo dựng cơ ngơi kinh doanh riêng. Họ bán ngôi nhà được hơn 100 cây vàng, gom cùng số tiền, vàng tích lũy được sau nhiều năm đem chia cho mỗi con trai 20 cây, con gái theo chồng thì được chia 15 cây. Khoản vốn đó đủ để các con tách ra tự lập nghiệp bằng nghề mà cha mẹ truyền cho.
Khoản tiền còn lại, cha mẹ tôi mang về quê xây lại nhà tổ khang trang hơn và vui thú điền viên. Lúc đầu 8 anh em đều có phần hoang mang về quyết định "rửa tay gác kiếm" để về quê cũ sống của ông bà ở tuổi mới ngoài 60 nhưng rồi nhanh chóng tán thành, ủng hộ vì hiểu nhu cầu được về sống gần bà con, làng xóm và bạn bè thời xa xưa của bố mẹ.
Cầm khoản vốn được chia, mỗi đứa trong chúng tôi có những lối rẽ riêng, không phải ai cũng theo con đường được phụ huynh vạch sẵn là làm nghề gia truyền. Anh cả quyết định cầm hết số tiền đó xuất ngoại để tìm kiếm cơ hội; vài người muốn tiếp tục học cao lên; những người còn lại mở cửa hàng kinh doanh.

Được cha mẹ chia thừa kế sớm, anh em chúng tôi đều làm ăn khấm khá, nhàn nhã, không rơi vào cảnh tranh giành. (Ảnh minh họa: iStock)
Sau hơn 30 năm lăn lộn, dựa vào "đòn bẩy" là khoản thừa kế sớm, anh em chúng tôi đều trở thành người khá giả, tài sản trong tay tính sơ sơ cũng vài chục tỷ đồng. Anh cả đã giao hết cơ ngơi kinh doanh ở nước ngoài cho con, cùng vợ để trở về nhà tổ phụng dưỡng cha mẹ già, những người theo đuổi học vấn cũng đều thành đạt, có địa vị và danh tiếng trong xã hội, kinh tế cũng dư dả.
Cả 8 người con đều thầm biết ơn quyết định sáng suốt của cha mẹ. Nếu không được chia tài sản thừa kế sớm, chúng tôi sẽ không có vốn liếng để phát huy hết khả năng của mình, sẽ bỏ qua các cơ hội vàng trong làm ăn và có lẽ khó thành công như hiện tại. Biết đâu vì túng thiếu, bây giờ anh em tôi đang lâm vào cảnh mất đoàn kết, nhòm ngó ngôi nhà chung của cha mẹ, so đo, lo lắng chuyện ai sẽ được thừa kế nhiều hay ít.
Hiện tại, khu nhà tổ mà bố mẹ và anh cả tôi đang sống ở quê đã tăng giá trị gấp nhiều lần, nếu quy ra vàng sẽ là khoản tài sản lớn; tuy nhiên cả 8 đứa con chẳng ai quan tâm việc sau này bố mẹ để lại cho ai. Chúng tôi chỉ muốn nơi đó mãi mãi là chốn bình yên để con cháu trở về quây quần.
Từ câu chuyện của gia đình, tôi cho rằng không nên coi chuyện cha mẹ sớm chia tài sản cho con cái là sai lầm hay dại dột. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Quyết định đúng đắn phải dựa trên sự hiểu biết về tính cách, năng lực của con cái; tùy từng hoàn cảnh để lựa chọn chia hay không chia, chia theo cách nào, khi nào... và điều quan trọng là con cái dùng tài sản được chia để làm gì.
Người ta thường bảo miệng ăn núi lở, nếu người con chỉ dùng tiền cha mẹ cho để tiêu pha, hưởng thụ thì có cho bao nhiêu cũng hết. Còn nếu dùng "lộc" của bố mẹ làm vốn ban đầu để kiến tạo tương lai thì đó sẽ là nguồn hỗ trợ kịp thời để họ thuận lợi hơn trong sự nghiệp, xây dựng cơ ngơi cho riêng mình.
Tự nhìn lại năng lực bản thân, tôi biết rõ nếu không có số vàng bố mẹ cho hồi trẻ, tôi sẽ chật vật như nhiều người bạn của mình trong bước đầu lập nghiệp, khi tích được chút vốn thì mất đi thời thế, chưa chắc có được tự do tài chính ở tuổi ngoài 50.
Nếu cha mẹ chờ đến bây giờ khi hai cụ đã ở tuổi gần đất xa trời mới chia tài sản, chúng tôi đã qua giai đoạn sung sức và sáng tạo nhất, tiền được chia cũng chỉ giúp chúng tôi có thêm chút "bảo hiểm" cho tuổi già chứ không thể tạo nên bước ngoặt về sự nghiệp nữa. Nếu cha mẹ để chờ đến lúc qua đời mới cho con thừa kế tài sản, tôi nghĩ như thế là muộn vì không còn nhiều tác dụng.
Tiếp thu quan điểm của cha mẹ, một thời gian nữa khi các con bắt đầu lập nghiệp và cho thấy sự trưởng thành, đáng tin cậy, tôi cũng sẽ trao đi số tài sản hai vợ chồng dự định dành cho chúng. Tuy nhiên, tôi và vợ vẫn sẽ giữ lại một khoản vừa đủ để đảm bảo cuộc sống của mình trong mấy chục năm tuổi già, không cần nhờ vả hay phụ thuộc ai kể cả khi mắc bệnh nặng. Tôi rất đồng ý với nhiều bạn đọc rằng dù thế nào, cha mẹ cũng không nên chia hết sạch tài sản cho con cái mà chẳng giữ lại gì cho mình.