Cây chống sa mạc hóa biến thành hiểm họa sinh thái ở Kenya
Từng được ca ngợi là giải pháp chống sa mạc hóa, loài cây mathenge du nhập từ Nam Mỹ hiện đã lan rộng khắp Kenya, đe dọa hệ sinh thái, sinh kế người dân và buộc chính phủ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng môi trường chưa từng có.

Một người chăn nuôi ở Samburu, đứng dưới cây mathenge - loài thực vật xâm lấn đang bao phủ 2 triệu ha đất Kenya. Ảnh: The Guardian.
Theo tờ The Guardian ngày 22/5, cây mathenge - tên khoa học Neltuma juliflora, trước đây là Prosopis juliflora - được đưa vào Kenya từ năm 1948 để phục hồi đất khô cằn và ngăn xói mòn. Với hệ rễ ăn sâu và khả năng sinh trưởng nhanh, loài cây này từng được xem là "vũ khí xanh" để chống lại hiện tượng hoang mạc hóa. Tuy nhiên, qua thời gian, mathenge đã phát triển ngoài tầm kiểm soát, xâm lấn gần ba phần tư lãnh thổ Kenya.
Tại các vùng khô hạn như hạt Samburu, loài cây này đã làm nghẹt thở các đồng cỏ chăn nuôi truyền thống. Ông John Lmakato, một người chăn nuôi 48 tuổi tại làng Lerata dưới chân núi Ololokwe, cho biết gia súc của ông buộc phải đi xa hơn để tìm thức ăn do mathenge phủ kín đồng cỏ. Việc vượt qua các khu bảo tồn khiến nhiều con bị bắn chết. Trong số 200 con bò ban đầu, ông chỉ còn lại 7 con.
Không chỉ chiếm đất, quả ngọt chứa đường của mathenge gây hỏng và rụng răng ở gia súc, trong khi gai nhọn của nó làm tổn thương chân động vật. Một số con còn chết vì ngộ độc khi ăn quá nhiều. Năm 2008, chính phủ Kenya chính thức liệt mathenge vào danh sách cỏ dại độc hại và ban hành luật yêu cầu kiểm soát sự xâm lấn của loài cây này.
Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp Kenya ước tính mathenge đã lan ra hơn 2 triệu ha đất, với tốc độ tăng trưởng lên tới 15% mỗi năm. Theo ông Ramadhan Golicha, cán bộ môi trường tại quận Isiolo, không thể loại bỏ hoàn toàn loài cây này và giải pháp khả thi nhất là kiểm soát chặt chẽ và tận dụng làm nguyên liệu thô.
Một số cộng đồng đang thử nghiệm các mô hình như biến quả mathenge thành thức ăn chăn nuôi hoặc làm than sinh học. Tổ chức VSF Suisse cùng Đại học Nairobi đã triển khai dự án phối hợp tại các vùng bị ảnh hưởng nặng. Người dân được hướng dẫn nghiền vỏ quả, trộn với rơm và vỏ cây khác để làm thức ăn dự trữ trong mùa khô. Ngoài ra, gỗ mathenge được sử dụng sản xuất than bánh, góp phần giảm áp lực lên rừng bản địa và tạo sinh kế thay thế.
Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo vẫn cần can thiệp ở quy mô lớn hơn. Mathenge có hệ rễ sâu tới 35 mét, hút cạn nước ngầm và làm thay đổi dòng chảy sông suối. Tán cây rậm rạp ngăn ánh sáng, khiến cây khác không thể sinh trưởng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học.
Ông Douglas Machuchu, Giám đốc dự án tại VSF Suisse, nhận định: “Nơi mathenge phát triển bình thường, không có gì mọc bên dưới”. Ông cho rằng nếu không kiểm soát kịp thời, loài cây này sẽ tiếp tục đe dọa môi trường sống, gia tăng các bệnh do muỗi và ruồi cát truyền như sốt rét, sốt thung lũng Rift và kala-azar tại nhiều khu vực.